Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ huynh vật vã với toán tiểu học, Hà Nội lên tiếng

“Cho trẻ đi học sớm chương trình dạy toán tính nhẩm “siêu tốc” bằng bàn tính khi chưa học nhận biết con số có thể khiến trẻ mất gốc” - Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến nêu ý kiến.

Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến giải đápphản ánh của phụ huynh bày tỏ băn khoăn về chương trình dạy toán tính nhẩm “siêu tốc” bằng bàn tính cũng như bức xúc khi con đến trường cô cho nhiều bài toán nâng cao.
Vì có nhiều dạng toán nâng cao nên trẻ tiểu học phải đi học thêm rất phổ biến (Ảnh: VietNamNet).
“Siêu tốc” không khéo mất gốc

- Xin ông cho biết quan điểm đánh giá của Sở GD-ĐT Hà Nội về chương trình dạy toán tính nhẩm siêu tốc bằng bàn tính?

- Trên thế giới và ở Việt Nam, phương pháp này đã có và không phải mới, được nhiều phụ huynh quan tâm. Thực tế cho thấy khi trẻ phát triển tốt về sức khỏe và trí tuệ tham gia học bàn tính nhẩm sẽ giúp các em phát triển tư duy, phát triển một phần não bộ mà một con người phát triển bình thường không sử dụng đến .

Tuy nhiên, không phải tất cả học sinh có thể học và tiếp thu được phương pháp này. Trẻ cần phải biết con số và các phép tính trước khi học bàn tính. Phụ huynh cần phải tìm hiểu rõ khả năng của con cái cũng như việc tham gia học các khóa để phù hợp với các con. Đừng vì các nội dung liên quan đến quảng cáo, không nên quá tham vọng mà tạo áp lực cho con khi tham gia chương trình như thế này.

- Có ý kiến cho rằng với trẻ ở bậc học mầm non, các bậc phụ huynh hãy dạy chúng những bước đi cơ bản thay vì bắt chúng phải bước quá nhanh. Việc học toán “siêu tốc” quá sớm tuy giúp các em ra được đáp án rất nhanh nhưng lại không có phương pháp tư duy logic của toán học, có thể khiến các em “mất gốc”, ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình học tập sau này. Ông có đồng tình với ý kiến này?

- Tôi đồng ý rằng trẻ mầm non không nên trẻ ngồi hàng giờ học nhẩm tính điều đó không có lợi cho trẻ. Phụ huynh có thể cho các cháu chơi xếp hình, đếm hình khó hơn là xếp hình theo mẫu cũng được. Các nội dung nên nhẹ nhàng để trẻ vừa học vừa chơi.

- Một số ý kiến cũng cho rằng chương trình tiểu học hiện nay đã nặng, trẻ chỉ cần học hết nội dung cơ bản, không cần đi học toán “ siêu tốc” nữa, thưa ông?

- Việc cần hay không cần thiết là khó nói. Cuối tuần phụ huynh thích cho các con đi học, các con cũng thích vì học phát triển tư duy logic là điều tốt. Nhưng nếu việc học căng quá, nhiều bài tập quá và ở cấp độ cao thì hoàn toàn không nên.

Không được ra bài đánh đố

- Liên quan đến việc học toán, nhiều phụ huynh phản ánh bản thân họ cũng đau đầu, vật vã trước bài toán cô giao cho con. Quan điểm của Sở GD-ĐT Hà Nội về việc này như thế nào, thưa ông?

- Quan điểm chỉ đạo của ngành yêu cầu giáo viên trong quá trình giảng dạy phải đảm bảo chuẩn kiến thức kĩ năng cho học sinh. Đối với học sinh học 2 buổi/ngày giáo viên tuyệt đối không được giao bài tập về nhà.

Còn với việc học tại trường, với học sinh khá giỏi, sau khi hoàn thành chuẩn kiến thức kĩ năng giáo viên có thể tăng cường cho các con thêm 1,2 bài tập để phát huy khả năng tư duy của học sinh, không để cho học sinh phải “giậm chân” tại chỗ, điều đó còn tạo ra sự hứng thú trong quá trình học tập. Bài tập này phải đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với trình độ, không quá khó đặc biệt là không “đánh đố” học sinh.

Với những bài đó, học sinh có thể suy luận logic từ kiến thức đã học để giải quyết vấn đề chứ không phải sử dụng kiến thức ở lớp trên cũng như không sử dụng các suy luận máy móc hay phải logic nhiều kiến thức mới giải được.Việc này chỉ được thực hiện trong các tiết hướng dẫn học ở buổi thứ 2.

Phụ huynh, giáo viên cũng cần nên xem lại

Ảnh minh họa. (Ảnh: Lê Anh Dũng).
- Nhưng thực tế nhiều học sinh vẫn phải nhận nhiều bài tập dạng đánh đố. Đây có phải là việc giáo viên tạo áp lực để buộc các con phải đi học thêm, thưa ông?

Số giáo viên như trên chỉ là số ít. Nếu phát hiện trường hợp giáo viên gây sức ép, buộc trẻ phải tới lớp học thêm phụ huynh có thể phản ánh lên Phòng Giáo dục hoặc Sở Giáo dục để xử lí.

Tuy nhiên, đọc một số đề bài trên mạng tôi thấy đề đánh đố có phần từ việc cẩu thả của giáo viên khi ra đề mập mờ, không đảm bảo tính chính xác của ngôn ngữ cũng như kiến thức toán học.

Cũng cần nói thêm, với các cháu học sinh giỏi, nếu không bổ sung thêm bài tập thì các cháu “giậm chân” tại chỗ, dẫn đến chủ quan, coi thường việc học và đặc biệt là mất đi sự hứng thú thích khám phá, tìm tòi, sáng tạo mà đó là đặc điểm tâm lý của trẻ.

Về phía giáo viên, các thầy cô cần phải hiểu tâm lí và khả năng của học sinh để giúp phát huy khả năng tư duy và hứng thú cho học tập cho các em. Đừng nghĩ bài tập khó, dích dắc mới làm học sinh giỏi. Vấn đề là giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh cách học, cách suy nghĩ để giải quyết vấn đề từ những kiến thức đã học. Các cô cũng không nên nghĩ các cô ra bài tập khó mới thể hiện mình giỏi. Và đừng làm khổ học sinh của mình.

Với phụ huynh, trên thị trường nhiều loại sách tham khảo. Phụ huynh muốn bổ sung kiến thức cho con nên lựa chọn những cuốn sách phù hợp với khả năng của con. Hơn nữa, phụ huynh không nên đề nghị cô giáo ra bài tập về nhà cho học sinh. Nhiều cô giáo vì cả nể nên ra bài tập cho học sinh, đôi khi không cẩn thận dẫn đến bài toán kiểu đánh đố như báo chí phản ánh. Để giúp con học ở nhà phụ huynh cần tìm hiểu nội dung chương trình đang học của con không chỉ ở môn toán mà cả ở các môn học khác để tăng cường kiến thức cũng như kỹ năng sống. Ví dụ môn Toán phải giải cho con bằng số học chứ không phải cách giải đại số thì con mới chấp nhận.

Phụ huynh dành nhiều thời gian bên con, chia sẻ kinh nghiệm sống, hướng dẫn kĩ năng sống và hướng dẫn con làm các việc mà chúng có thể làm được để chúng yêu lao động và cũng là giúp đỡ cha mẹ.

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm