Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phù mỡ: Hội chứng nhiều bí ẩn

Trong cuộc sống có những căn bệnh lạ mất hàng chục năm mới tìm ra nguyên nhân, trong đó có chứng bệnh mang tên Lipedema (hội chứng phì mỡ hay phù mỡ)...

Trong cuộc sống có những căn bệnh lạ mất hàng chục năm mới tìm ra nguyên nhân, trong đó có chứng bệnh mang tên Lipedema (hội chứng phì mỡ hay phù mỡ) làm đôi chân, đùi, mông và cánh tay phát triển quá khổ, không khác gì “chân voi” hay “cột đình”.

Người phụ nữ có chân nặng hơn cơ thể

Theo tờ DailyMail của Anh số ra ngày 12/11 vừa qua, chị Claire Tickle, 38 tuổi, người Anh hiện đang mắc bệnh Lipedema, khiến đôi chân phình to, nặng tới trên 64kg. Claire Tickle cho biết, chị đi khám lần đầu tiên khi 16 tuổi, nhưng sau đó hai chân cứ to dần, cảm giác như có thêm một lớp đàn hồi giống như lò xo ở mắt cá. 

Đáng tiếc, trong hơn 10 năm, bác sĩ không tìm ra nguyên nhân, nên khuyến cáo ăn kiêng vì cho rằng chị bị thừa cân, béo phì, song mọi thứ “đâu vẫn đóng đấy”. Mỗi lần đi khám, bác sĩ đều kết luận tương tự. Mãi đến năm 32 tuổi khi chân đã phát triển quá khổ và qua xét nghiệm tỉ mỉ mới phát hiện chị mắc bệnh Lipoedema. Căn bệnh khiến đôi chân, đùi, mông và cánh tay phát triển quá cỡ.

Chị Claire Tickle xuất hiện trên chương trình This Morning của đài truyền hình ITV.

Chị Claire Tickle xuất hiện trên chương trình This Morning của đài truyền hình ITV.

Do lâm bệnh nhiều năm, chị Claire Tickle gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là việc di chuyển, đi lại, tính mạng nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng. Đặc biệt, còn phát sinh các biến chứng như đau nhức dai dẳng, không thể chơi đùa cùng con trai 6 tuổi hoặc làm được những công việc bình thường như những người phụ nữ khỏe mạnh. 

Chị Claire Tickle tâm sự: “Sau hơn 10 năm khám bệnh, bác sĩ không chẩn đoán được bệnh nên điều trị không mang kết quả. Hiện tại, đôi chân đã nặng tới 64kg. Sáng ra thức dậy, toàn thân đau nhức, thậm chí còn đau cả khi đang ngủ”. Điều mong ước duy nhất của chị Claire hiện nay là sớm được phẫu thuật, hút mỡ thừa ra để không bị đau đớn nữa.

Lipedema chứa đựng nhiều bí ẩn

Lipedema là căn bệnh hiếm gặp, rất dễ nhầm với bệnh thừa cân, béo phì và rối loạn lipid máu, được phát hiện thấy lần đầu tiên tại Mỹ năm 1940. Trước thời điểm này không ai biết Lipedema là bệnh gì, ngay cả tên gọi mỗi nơi một khác. Ví dụ, tại Mỹ gọi là Lipedema, trong khi đó ở Anh và châu Âu lại gọi là Lipoedema hay Lipodema. 

Đây là một dạng rối loạn mạn tính mô mỡ ảnh hưởng đến chân, khiến chân và cánh tay tích lũy nhiều mỡ hơn. Lipedema có 6 đặc tính dễ nhận biết như: (1) mang tính kế thừa; (2) chỉ xảy ra ở phụ nữ; (3) có thể gặp ở mọi đối tượng, bất kể cao, thấp, nặng hay nhẹ cân hoặc béo phì; (4) là dạng bệnh làm tăng tế bào mỡ dư, nhất là từ hông đến mắt cá chân; (5) không giống các chất béo thông thường khác, tế bào mỡ của Lipedema không hề giảm qua ăn uống tiết thực, luyện tập; (6) Hội chứng Lipedema thường ít khi diễn ra ở bàn chân.

Bệnh nhân Lipedema ở thể nặng.

Bệnh nhân Lipedema ở thể nặng.

Lipedema thường trải qua ba giai đoạn, khởi phát sau tuổi dậy thì, nhưng trầm trọng hơn phải kể đến lúc mang thai, sau mãn kinh, phẫu thuật phụ khoa, nhất là phẫu thuật tử cung, buồng trứng, hay ống dẫn trứng hoặc bất kỳ phẫu thuật nào cần đến gây mê toàn thân. Lipedema cũng có thể do căng thẳng cực đại gây ra khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng như sau khi cái chết đột ngột của người thân trong hoặc sau ly hôn, do cortisol tăng đột biến, gây ra “làn sóng” viêm nhiễm không kiểm soát được.

Do vậy, Lipedema dễ bị chẩn đoán nhầm và rất ít khi được chẩn đoán sớm nên phần lớn khi phát hiện thấy bệnh là lúc đã tiến triển ở giai đoạn muộn. Ước tính, tỷ lệ mắc bệnh Lipedema dao động trong phạm vi 11% dân số phụ nữ thế giới sau tuổi dậy thì.

Nguyên nhân hội chứng Lipedema đến nay chưa rõ. Có thể do di truyền, do nội tiết tố estrogen và progesterone thay đổi khi dậy thì nên đối tượng mắc bệnh tập trung ở phụ nữ. Lipedema phát triển rất đa dạng theo nhiều cách, sớm nhất là trước tuổi dậy thì, chủ yếu trên đùi, sau đó tập trung ở nhiều vị trí khác kể cả đầu gối. 

Các triệu chứng điển hình của Lipdemia bao gồm, chân lớn bất thường từ hông đến đầu gối, thậm chí cả vùng bụng. Khi tiến triển, người bệnh trở nên nặng nề, nhất là nhóm thấp lùn. Các tế bào mỡ phát triển gây trở ngại cho mạch bạch huyết, phát sinh chứng phù bạch huyết thứ cấp, chuyên môn gọi là phù bạch huyết lipo, phát sinh đau đớn, nhiễm khuẩn máu và xơ hóa. Nếu không kiểm soát, duy trì lối sống lành mạnh, giảm béo thì chứng phù bạch huyết có thể trở nên trầm trọng hơn, nếu nặng, có thể làm cơ thể bất động, không đi lại được.

Do hiếm gặp, chưa rõ nguyên nhân, khó chẩn đoán nên việc điều trị chỉ mới mang tính tình thế, giải quyết chứng phù bạch huyết thứ phát như hướng dẫn bệnh nhân sử dụng các phương pháp giúp lưu thông bạch huyết và băng bó hoặc mang các thiết bị, quần áo hay trang phục giúp máu lưu thông tốt hơn, hạn chế tái phát phù bạch huyết, giảm đau do mỡ dư thừa. 

Hiện tại chưa có các liệu pháp tối ưu để chữa trị căn bệnh này, tuy nhiên y học cũng đã thành công trong việc quản lý, cải thiện sức khỏe đôi chân cho người bệnh và ngăn ngừa tái phát. 

Cần khuyến cáo người bệnh giảm lượng natri trong thức ăn, năng luyện tập nhẹ nhàng và điều trị điển hình chứng phù bạch huyết. Giải pháp giảm đau viêm ở chân được thực hiện bằng cách thay đổi thực đơn cho phù hợp và điều chỉnh các yếu tố gây hoại tử khối u (TNF) dạng đối kháng hoặc ức chế TNF trong tuyến mỡ. Phương pháp này đã được công nhận trong cộng đồng y tế châu Âu và Úc. Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi về hiệu quả điều trị, song việc can thiệp bằng phẫu thuật ở một số quốc gia phát triển như ở Anh, Mỹ, Đức và Hà Lan đã mang lại kết quả, đặc biệt là thủ thuật hút mỡ dưới sự trợ giúp áp lực phun nước. 

Phương pháp này khác với hút mỡ thông thường và được hỗ trợ nhờ gây tê cục bộ. Một trong những ưu điểm của thủ thuật hút mỡ kiểu nói trên là bảo toàn hệ thống bạch huyết trong khi loại bỏ mô mỡ phì ở những vùng bị sưng tấy.

http://suckhoedoisong.vn/ban-can-biet-ve-y-hoc/phu-mo-hoi-chung-con-nhieu-bi-an-20141122001006876.htm

Theo Khắc Nam/ Sức khỏe đời sống

Bạn có thể quan tâm