"Đàn ông rất đáng yêu nhưng bí ẩn. Dù sao thì, họ có thể trông rất tầm thường nhưng lại luôn tỏ ra tự tin", diễn viên Trung Quốc Yang Li nói trong một vở hài độc thoại của cô.
Yang vốn nổi tiếng với những câu chuyện chế giễu cái tôi mong manh của nam giới nhưng gần đây đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ người dùng Internet. Nhận xét đàn ông "tầm thường", "tự tin thái quá" hay "luôn có giới hạn", nữ diễn viên bị cáo buộc kích động cuộc chiến phân biệt giới, theo QZ.
Diễn viên hài Yang Li bị chỉ trích vì chế giễu đàn ông. Ảnh: Blive. |
Yang, người chưa bao giờ nhận mình là nhà nữ quyền, lại đang bị gán mác "nữ hoàng đấm bốc" - một thuật ngữ mỉa mai dành cho những người nổi tiếng ủng hộ nữ quyền ở quốc gia tỷ dân.
Nữ diễn viên thậm chí trở thành đại diện không chính thức của "phụ nữ 6 không" - nhóm không được chính phủ Trung Quốc hoan nghênh vì từ bỏ việc hẹn hò, kết hôn, sinh con.
Phụ nữ 6B4T
6B4T là phong trào nữ quyền bắt nguồn từ Hàn Quốc và được thúc đẩy bởi ý tưởng phụ nữ trở nên có quyền hơn khi xa lánh các hoạt động được thiết kế để mang lại lợi ích cho nam giới.
6B của thuật ngữ này đề cập đến việc không kết hôn, không có các mối quan hệ lãng mạn, không con cái, không quan hệ tình dục, không mua các sản phẩm có khuynh hướng chống đối phụ nữ, không ủng hộ những người đã lập gia đình.
Những phụ nữ Trung Quốc tuyên bố không cần chồng con. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, 4T là viết tắt của việc từ bỏ các tiêu chuẩn vẻ đẹp cứng nhắc, bao gồm áo nịt ngực, các ấn phẩm manga và anime Nhật Bản (được gọi là văn hóa Otaku) vì thường miêu tả quá khích về phụ nữ, thoát ly khỏi tôn giáo và không tham gia vào văn hóa hâm mộ thần tượng.
Sự phổ biến của các nhóm 6B4T gây ra nhiều tranh cãi. Một số người lo ngại hoạt động nữ quyền này sẽ đe dọa sự ổn định xã hội. Chính phủ Trung Quốc thậm chí coi triết lý 6B4T là điều nguy hiểm cần phải bị xóa bỏ trong bối cảnh tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh đang không ngừng giảm.
Ngày 12/4, Douban, nền tảng truyền thông xã hội có ảnh hưởng ở Trung Quốc, đã đóng cửa hơn 10 nhóm nữ quyền, trong đó nhiều nhóm có liên quan đến 6B4T.
Nữ quyền bị ngăn cấm
Việc kiểm duyệt các nhóm liên quan đến "phụ nữ 6 không" trên Douban đã làm dấy lên những lời chỉ trích gay gắt. Nhiều người gọi đây là cuộc đàn áp tàn khốc nhằm vào các nhóm nữ quyền cấp tiến.
"Tôi thuộc nhóm 6B4T và mặc dù nó có vẻ cực đoan trong mắt một số người, tôi không làm hại ai cả. Điều này hoàn toàn giới hạn đối với bản thân tôi, tôi không ảnh hưởng đến người khác để phải bị cấm đoán", một người viết trên Weibo.
"Chúng ta có thể có các nhóm ủng hộ kết hôn và sinh con, tại sao chúng ta không thể có các nhóm ủng hộ việc độc thân và không có con?", một người khác đặt câu hỏi.
Các nhà nữ quyền trẻ tuổi ở Trung Quốc bị giám sát chặt chẽ hơn. Ảnh: AFP. |
Xianzi, người trở thành gương mặt đại diện cho phong trào #MeToo của Trung Quốc sau khi kiện người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng Zhu Jun vì tội quấy rối tình dục, cho rằng việc Douban cấm các nhóm 6B4T là hoàn toàn sai.
"Về bản chất, 'phụ nữ 6 không' chỉ là sự lựa chọn của phụ nữ đối với bản thân họ và không liên quan đến người khác. Khi những nhóm như thế này bị cấm, những phụ nữ khăng khăng muốn độc thân sẽ bị coi là nổi loạn", Xianzi nói.
Trong suốt nhiều năm, các phong trào nữ quyền thường trở thành mục tiêu kiểm duyệt trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc. Douban trước đó cũng đã kiểm duyệt nội dung liên quan đến vụ án quấy rối tình dục Zhu Jun và cái chết của vlogger Lamu.
"Các nền tảng trực tuyến kết luận rằng chính phủ không thích nữ quyền, vì vậy họ có xu hướng hạn chế nữ quyền", nhà hoạt động nữ quyền Lv Pin làm việc tại New York nói với Reuters.