Zing trích dịch bài đăng trên VICE, đề cập đến tình cảnh khó khăn của nhiều phụ nữ Ấn Độ khi không chỉ là nạn nhân của phân biệt giới tính, quấy rối ngoài đời mà còn bị coi thường trên mạng.
Tháng 8 vừa qua, YouTuber Vijay Nair (hay Vtrix Scene) sống ở bang Kerala, Ấn Độ đăng tải video chứa nội dung xúc phạm phụ nữ, khiến nhiều người phẫn nộ.
Cụ thể, Vijay nói những người ủng hộ nữ quyền “không mặc đồ lót vì họ thích quan hệ tình dục nhiều”.
Bức xúc trước những gì YouTuber này phát ngôn, nữ nghệ sĩ lồng tiếng Bhagyalakshmi và các nhà hoạt động nữ quyền Sreelakshmi Arackal, Diya Sana đã đến tận nhà Vijay để “nói phải trái”.
Trong video livestream trên trang cá nhân, những người phụ nữ này nói họ không còn lựa chọn nào khác khi trước đó đã khiếu nại tới cảnh sát nhưng không nhận được phản hồi.
Bắt nạt trên mạng
Tại Ấn Độ, các video có nội dung nhắm đến phụ nữ, đặc biệt là những người có quan điểm mạnh mẽ, đang thu hút sự chú ý và tạo ra doanh thu. Những video này thường xuyên chỉ trích các nhà hoạt động nữ quyền vì “đàn ông ghét nữ quyền” và coi họ là “độc hại” và “giả tạo”.
Nhìn chung, mạng xã hội tại đất nước tỷ dân dường như có lợi cho nam giới. Các nền tảng chỉ gỡ bỏ nội dung sai phạm khi chịu áp lực từ người dùng.
Một nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế Ấn Độ cho thấy 95 nữ chính trị gia ở nước này đã nhận được khoảng 1 triệu bình luận thù hận trên Twitter trong cuộc bầu cử năm 2019.
Vijay là một YouTuber thường làm các video giả khoa học và phân biệt giới tính, đưa ra những bình luận khiếm nhã nhắm vào các nhà hoạt động nữ như Bhagyalakshmi.
Trước sức ép dư luận và sự ủng hộ dành cho các nhà nữ quyền, Vijay đã bị bắt vào ngày 28/9. Vụ việc cũng dấy lên sự phẫn nộ và tranh luận trên mạng xã hội. Nhiều quan chức bang Kerala và các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ đã lên án nội dung phân biệt giới tính của Vijay.
Một số người cũng đặt câu hỏi tại sao YouTube không gỡ video này xuống khi nó chứa nội dung vi phạm nguyên tắc cộng đồng.
Các nhà hoạt động nữ quyền đến nhà YouTuber Vijay tranh luận sau khi người này có phát ngôn phân biệt phụ nữ. |
Đối với Ravina (23 tuổi, sinh viên), không có gì lạ khi bày tỏ cảm xúc của mình trên mạng về vấn đề thiếu không gian công cộng thân thiện với phụ nữ, chênh lệch lương theo giới và những hành vi đánh giá thấp năng lực của phụ nữ.
Năm ngoái, cô đăng dòng tweet: "Tôi biết không phải tất cả đàn ông đều có tội, nhưng dù sao thì họ cũng nên xin lỗi khi giới tính của họ đã khiến chúng tôi cảm thấy thế nào và hãy hứa với chúng tôi rằng họ sẽ không bao giờ làm chuyện có lỗi với phụ nữ”.
Trong vòng vài giờ, bài đăng của Ravina tràn ngập các bình luận với hashtag #NotAllMen, nhiều người đàn ông lăng mạ cô, gọi cô là “feminazi” (những phụ nữ đấu tranh cho phụ nữ một cách cực đoan, mù quáng) và “kẻ ghét đàn ông”.
“Tôi bị bắt nạt và quấy rối đến nỗi tôi không còn cách nào khác ngoài việc ngưng dùng mạng xã hội”, Ravina cho biết.
Ảnh đại diện của cô còn bị chế thành meme thô tục và lan truyền trên mạng xã hội. Cô gái 23 tuổi thường rơi vào trạng thái lo âu, từ đó luôn lo lắng về việc phải đối mặt với phản ứng dữ dội khi nói ra suy nghĩ của mình trên mạng.
Theo dữ liệu năm 2018, cứ 15 phút lại có một phụ nữ bị cưỡng hiếp ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
Vào tháng 7 vừa qua, YouTuber Shubham Mishra và Imtiyaz Shaikh cũng bị bắt sau khi làm video có nội dung đe dọa hiếp dâm một nữ diễn viên hài.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít người sáng tạo nội dung ở Ấn Độ tiếp tục làm các video sử dụng tiếng lóng thô tục để coi thường phụ nữ, đặc biệt những người mà họ cho là theo chủ nghĩa nữ quyền. Những video này cho rằng một số nhà hoạt động nữ quyền "giả tạo" khi họ mua áo ngực đắt tiền, tô son màu sáng hoặc ủng hộ thái độ tự do về tình dục.
Đáng nói là không chỉ nam giới lan truyền những quan điểm này. Tháng 5 vừa qua, cô gái 18 tuổi tên Divyangana Trivedi đã nhận được hơn 1,7 triệu lượt xem cho một video trên IGTV, khi nói rằng "nữ quyền ngày nay" là một "chương trình hoạt động giả" mà một số phụ nữ sử dụng để bắt nạt đàn ông.
Khó khăn
Ấn Độ được coi là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới về tội phạm tình dục đối với phụ nữ. Theo dữ liệu năm 2018, cứ 15 phút lại có một phụ nữ bị cưỡng hiếp ở Ấn Độ.
“Nhiều người bỏ qua sự bất bình đẳng đối với phụ nữ vì họ chưa từng trải qua điều đó. Họ không quan tâm đến việc nâng cao tinh thần cho phụ nữ bởi vì họ có quyền lực và điều đó dường như che mắt họ khỏi những gì đang diễn ra với phụ nữ”, Tiến sĩ Falguni Vasavada-Oza, chuyên gia truyền thông và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội về bình đẳng giới, nhận định.
Nhiều phụ nữ Ấn Độ là nạn nhân của bất bình đẳng giới. Ảnh: Medium. |
Ý kiến của Tiến sĩ Falguni cũng tương tự kết luận của một nghiên cứu được thực hiện bởi Dự án Dân chủ Internet vào năm 2013 về phụ nữ và lạm dụng trực tuyến bằng lời nói ở Ấn Độ.
Những người thực hiện nghiên cứu nói chuyện với 17 phụ nữ tích cực bày tỏ ý kiến về nữ quyền trên mạng xã hội, bao gồm các blogger, nhà báo, học giả và nhà hoạt động xã hội.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phụ nữ thường gặp khó khăn khi tìm kiếm biện pháp pháp lý để chống lại nạn lạm dụng, bắt nạt trực tuyến, khiến họ đôi khi phải dùng đến những cách không hợp pháp.