Thời gian gần đây, dư luận bức xúc trước một số sự việc bạo lực tình dục mà nạn nhân là phụ nữ trẻ. Có không ít ý kiến khác nhau xung quanh chủ đề này.
Việc lợi dụng tiền bạc, quyền lực, sức mạnh, vị thế để ép buộc quan hệ tình dục tạo ra sự lệ thuộc khó gỡ là câu chuyện xảy ra trong không ít bối cảnh văn hóa xã hội khác nhau.
Nhìn nhận đó là tội lỗi từ phía người gây ra bạo lực hay còn bao gồm lỗi của nạn nhân luôn là chủ đề gây tranh cãi. Cách đánh giá này có thể tạo ra sức ép trong việc xét xử người có tội hay tạo ra bế tắc thúc đẩy thêm sự im lặng của các nạn nhân trước tội ác.
Tại tọa đàm trực tuyến “Không đổ lỗi” do Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới Việt Nam (GBVNet) tổ chức ngày 5/4, vấn đề định kiến, khuôn mẫu xã hội trực tiếp và gián tiếp gây ảnh hưởng đến bạo lực tình dục với phụ nữ được bàn luận.
Phụ nữ thường là nạn nhân của bạo lực nói chung và bạo lực tình dục nói riêng. Ảnh minh họa: iStock. |
90% nạn nhân không tìm sự trợ giúp
Từng tham gia nhiều nghiên cứu về bạo lực giới ở Việt Nam, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (ISDS), nhận định sự im lặng của nạn nhân bạo lực luôn là vấn đề nhức nhối.
Bà dẫn khảo sát đầu tiên về bạo lực đối với phụ nữ được công bố năm 2010, trong đó, 58% phụ nữ Việt Nam cho biết họ từng là nạn nhân bạo lực từ phía người chồng ít nhất một lần trong đời. Hơn 90% nạn nhân không bao giờ tìm kiếm sự trợ giúp.
Năm 2019, cuộc nghiên cứu quốc gia đó được lặp lại. Những phụ nữ Việt Nam ít nhất một lần chịu hình thức bạo lực từ chồng/người yêu của mình là 63%. Con số nhắc lại một cách đau lòng là hơn 90% nạn nhân không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ phía các cơ quan chức năng lẽ ra phải giúp họ trong tình huống như vậy. Chỉ có 5% tìm đến công an, nhưng những trường hợp này thường là không thể giấu nổi nữa.
Sự im lặng của nạn nhân, với con số 90% lặp lại từ năm 2010 đến 2019, là vấn đề nhức nhối. Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao các nạn nhân im lặng? Họ sợ hãi điều gì?
“Có lẽ nạn nhân đã cân nhắc kỹ rằng nếu lên tiếng, mình có thể bị vùi dập hơn nữa. Bạo hành từ phía dư luận xã hội, cộng đồng xung quanh có thể còn nghiêm trọng hơn những gì họ phải trải qua trong gia đình”, TS Khuất Thu Hồng nhận định.
Theo nghiên cứu, hơn 90% nạn nhân bị bạo lực ở Việt Nam không bao giờ tìm kiếm sự trợ giúp. Ảnh minh họa: Morocco World News. |
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc tổ chức CSAGA, trích dẫn ý kiến của TS Hoàng Tú Anh, Chủ tịch GBVNet có nghiên cứu nhiều năm về giới và bạo lực giới, rằng người ta chỉ bảo vệ tình trạng không bị bạo lực cho những ai được dư luận đánh giá theo khuôn mẫu của họ là có phẩm chất tốt, tạm gọi là “gái ngoan”.
Nhận định về vấn đề này, TS Khuất Thu Hồng nói: “Thật mỉa mai khi nạn nhân còn được phân chia thành nhóm đáng được bảo vệ hay không. Đã là nạn nhân lại tiếp tục bị ‘nạn nhân hóa’ thêm lần nữa”.
Theo đó, khi nghe những câu chuyện về bạo lực, sự rủi ro của ai đó, đặc biệt là về bạo lực tình dục, luôn có sự phân hóa như vậy, từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim. Người ta sẽ đặt câu hỏi rằng “Tại sao cô/chị/bé gái đó lại bị bạo hành như vậy?”, “Có gì đó ở con người ấy mà họ lại bị xâm hại?”, “Tại sao kẻ thủ ác lại không xâm hại người khác?”. Từ đó, đám đông bắt đầu tìm cách quy kết, đổ lỗi cho nạn nhân.
“Chính việc quy kết trách nhiệm, đổ lỗi, nâng sự việc lên thành bản chất của nạn nhân để kết tội là cách đổ lỗi tàn nhẫn, độc địa nhất”, Viện trưởng ISDS khẳng định.
Theo TS Trần Kiên, Phó Viện trưởng ISDS, đại diện Diễn đàn Kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững (VNMenNet), đổ lỗi cho nạn nhân là khái niệm phổ biến, không phải chỉ ở Việt Nam. Khái niệm này đã xuất hiện và được thảo luận, nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực nhưng có lẽ xuất hiện và được định hình chính thức trong một tác phẩm từ những năm 1970-1971.
Khi đó, người ta cố gắng đưa ra định nghĩa chung về khái niệm đổ lỗi cho nạn nhân như việc quy kết trách nhiệm cho hành vi phạm tội hoặc tai nạn nào đó xảy ra là do lỗi toàn bộ hoặc một phần là xuất phát từ phía người bị hại.
Có 2 mô hình chính của đổ lỗi cho nạn nhân từ góc độ hành vi. Thứ nhất là sự phản ứng mang tính thụ động, thậm chí lảng tránh của những người có trách nhiệm. Ví như điều tra viên, công tố viên, bảo trợ xã hội, bác sĩ… tiếp cận với nạn nhân, những người đang có nhu cầu được bảo vệ, nhưng lại có thái độ tiêu cực, thụ động. Điều đó rất phổ biến ở Việt Nam.
Thứ hai là chủ động. Đó là những chủ thể khác nhau trong xã hội hoặc trong quan hệ pháp luật lên tiếng nhưng lại tìm cách giải thích rằng hành vi phạm pháp, tội phạm, tai nạn đó xảy ra là do lỗi của nạn nhân. Họ chủ động quy kết trách nhiệm cho người trong cuộc, rằng “Phải như nào người ta mới đối xử với mình như vậy”.
Sợ bị đổ lỗi, nhiều nạn nhân bạo lực không dám lên tiếng. Ảnh minh họa: The Jakarta Post. |
Trong nhiều nghiên cứu trên thế giới về lý do tội phạm liên quan trong lĩnh vực tình dục lại khó xử lý hoặc xử lý không hiệu quả, một phần do sự lảng tránh, thiếu trách nhiệm từ người có thẩm quyền; sau đó là xã hội tạo sức ép cho nạn nhân khiến cho những người xử lý chùn tay.
Theo ông Kiên, sự xuất hiện của các loại hình, công cụ, phương tiện mới như mạng xã hội khiến cho việc đổ lỗi càng trở nên dễ dàng.
Bà Vân Anh đồng tình rằng nạn nhân bạo lực tình dục bây giờ thậm chí phải đối mặt với dư luận và tình trạng đổ lỗi kinh khủng hơn trước đây. Vẫn là thái độ đổ lỗi nhưng nếu được lan truyền bằng đông đảo, tấn công trực diện thì chuyện đó sẽ còn kinh khủng hơn.
Hậu quả đau lòng
TS Khuất Thu Hồng cho biết rất nhiều sự việc vì sự đổ lỗi mà nạn nhân phải trả giá đắt.
Năm 2015, một nữ sinh 15 tuổi ở Quảng Bình bị bạn trai tung clip nóng lên mạng. Mọi người quay sang xỉa xói, sỉ nhục cô bé đến mức em phải uống thuốc sâu tự vẫn.
Năm 2017, bé gái 13 tuổi ở Cà Mau bị hàng xóm xâm hại tình dục. Mẹ nạn nhân tố cáo lên công an nhưng qua điều tra, cơ quan chức năng kết luận không có sự việc như vậy. Cháu bé uất ức uống thuốc sâu và qua đời sau ít ngày nằm viện.
“Nạn nhân không chết vì bị xâm hại mà chết vì những lời độc địa của hàng xóm láng giềng, cộng đồng xung quanh vì sự đổ lỗi. Do đó, cần phải lên tiếng để nạn nhân không phải chết, tìm đến đường cùng, cúi đầu xấu hổ, bán xới đi nơi khác sinh sống mà có thể sống tiếp. Không ai đáng phải chết vì bị xâm hại, đánh đập, bạo hành”, bà Hồng nói.
TS Trần Kiên cho rằng nếu ai cũng ý thức được phát ngôn của mình, rằng “lời nói đọi máu” thì những hậu quả đau lòng từ việc đổ lỗi sẽ không tái diễn. “Khi có hành vi vi phạm xảy ra, hãy để cho điều tra viên điều tra, viện kiểm sát truy tố, tòa án xét xử, đừng ý kiến ra, ý kiến vào, nói đó là lỗi của ai”.
Khi bị đẩy tới đường cùng, nhiều nạn nhân bạo lực làm hại bản thân để được giải thoát. Ảnh minh họa: iStock. |
Giám đốc CSAGA Nguyễn Vân Anh dẫn nghiên cứu nhỏ trên 200 nạn nhân bạo lực gia đình cách đây nhiều năm, trong đó, 50% bị bạo lực tình dục và một nửa nạn nhân từng thử ít nhất một hình thức để tự sát bởi câu chuyện của họ không thể nói ra ngoài, dễ bị coi là “có làm sao mới nói ra chuyện liên quan đến tình dục vốn cấm kỵ trong xã hội Việt Nam thế này”.
Bởi vậy, theo bà, công chúng nói chung cần cẩn trọng, tử tế trong cách ứng xử với những vụ việc thế này và đứng bên người đang cần được bảo vệ.
TS Khuất Thu Hồng nhận định thông thường, người ta thường đổ lỗi cho người yếu thế, ít khi đổ lỗi cho cá nhân quyền lực, được xem là mạnh. Trong trường hợp bạo lực tình dục, khi nạn nhân là nữ, người bị đổ lỗi thường là phụ nữ hơn là đàn ông.
“Những suy luận kiểu như ‘Đàn ông mà, họ không kiềm chế được khi nhìn thấy phụ nữ ăn mặc tươi mát, nảy nở’ đã vô tình hạ thấp đàn ông là hành động theo bản năng, trong khi đổ lỗi cho phụ nữ là cơ thể, trang phục của họ là nguyên nhân gây ra sự việc. Những tư duy như vậy rất nguy hại. Sự định kiến, đổ lỗi cho nạn nhân có thể góp phần khiến họ sợ hãi, suy sụp, gặp khó khăn khi báo cáo với cơ quan chức năng, thậm chí khiến họ suy nghĩ tiêu cực”.
Bạo lực dưới mọi hình thức đều sai trái
Theo luật sư Nguyễn Văn Tú, trong các vụ bạo lực, thái độ đúng đắn đầu tiên với nạn nhân là phải quan tâm chính xác đến những động tác, hành vi cụ thể, không nên quan tâm tới vấn đề.
“Tức là khi sự vụ xảy ra, chúng ta chỉ nên quan tâm đến tình trạng chính xác của nạn nhân và người bạo hành chứ không phải vấn đề, từ đó lại nâng lên thành bản chất. Từ sự kiện nâng lên thành vấn đề là sai, từ vấn đề lại kết luận thành bản chất cũng là sai. Do đó, thái độ đúng đắn đầu tiên là quan tâm bối cảnh, điều kiện, hành vi, thiệt hại thế nào? Từ đó hiểu chính xác sự vụ là gì, ai đúng, ai sai, ai cần được bảo vệ, trừng phạt ở mức nào là phù hợp”, ông nói.
Thứ hai, theo luật sư Tú, trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng là quản trị thông tin.
“Cần xác định trong sự vụ đó, đâu là thông tin được đưa ra và nêu lên ở mức độ, diễn đàn nào là phù hợp. Nếu không, trong bối cảnh định kiến, bị sử dụng sai lệch thông tin, việc này có thể tạo nên hậu quả tiếp theo như ‘nạn nhân kép’, nạn nhân lần 2, 3. Nếu quản trị thông tin tốt từ đầu sẽ không có sân cho thông tin xấu, độc được hình thành và nên bắt đầu từ góc độ là thông tin có lợi cho ai, có hại cho ai? Thực tế, có những người có năng lực, tài chính và kỹ thuật để đổ hết lỗi cho bên kia”, ông lý giải.
Theo chuyên gia, tất cả hành vi bạo lực đều sai trái không chỉ về mặt pháp luật mà còn là đạo đức, văn hóa và nhiều khía cạnh liên quan. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Từ góc độ người nghiên cứu và hoạt động xã hội, TS Khuất Thu Hồng cho rằng trước sự việc cụ thể, phải nhìn ra tính xã hội của nó. Chỉ là một vụ bạo lực tình dục nhưng cũng là vấn đề xã hội.
“Chúng ta không ai muốn dù chỉ một người trong cộng đồng bị bạo hành. Lên tiếng không phải để chỉ trích một cá nhân hay bảo vệ ai đó mà để những vụ việc như vậy không bao giờ lặp lại với người khác nữa, để tất cả được sống trong xã hội bình an, phụ nữ không sợ cạm bẫy, trẻ em không sợ bị lừa lọc, đi ra ngoài được an toàn. Không phải tất cả phụ nữ trên đời đều bị bạo lực tình dục nhưng tất cả lên tiếng, sôi sục vì chúng ta muốn được an toàn”, bà nói.
TS Trần Kiên tin rằng tất cả hành vi bạo lực đều sai trái không chỉ về mặt pháp luật mà còn là đạo đức, văn hóa và nhiều khía cạnh liên quan. Xét đến cùng, văn minh hay không là có kiểm soát được hành vi bạo lực hay không.
Bạo lực ngày nay có rất nhiều hình thức, không chỉ đấm, đá, tác động vật lý hồi xưa mà còn về mặt tâm lý, tình dục, thậm chí kinh tế. Với ông Kiên, chỉ cần theo đuổi chuyện đó thôi cũng đã đóng góp xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
“Tôi có con gái. Tôi không muốn con sau này lớn lên trong xã hội mà lúc nào cũng trong tình trạng có thể phải gánh chịu hình thức bạo lực xảy ra với cháu. Khi chia sẻ những giá trị đó, mọi người đều mong người phụ nữ của mình được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, nơi phẩm giá của họ được tôn trọng không phải bị hạ thấp, coi thường, đổ lỗi”, Phó Viện trưởng ISDS nói.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Tú tin rằng việc tôn trọng ý kiến người thân, lắng nghe và không áp đặt, sống chân thành thì tình trạng bạo lực không tồn tại.
“Chúng ta muốn một xã hội tốt đẹp thì tại sao không bỏ công vào nói những chuyện tốt đẹp, giảm điều xấu mà lại đi đổ lỗi để cây độc hại lại mọc thêm cành, đẻ thêm nhánh?”, ông nói thêm.
TS Khuất Thu Hồng khuyên mọi người “đừng đổ lỗi” vì “nếu làm vậy, bạn có nguy cơ bóp chết công lý ngay trong trứng nước”.