Zing trích dịch bài đăng trên South China Morning Post về tình cảnh khó khăn của nhiều phụ nữ có học vấn cao sau khi quyết định nghỉ làm ở nhà nội trợ.
Khi Cai Ning (không phải tên thật) chuyển từ Bỉ về Trung Quốc sinh sống cách đây 5 năm, cô không ngờ cuộc sống của một bà nội trợ toàn thời gian ở quê nhà lại vất vả đến vậy.
Dành phần lớn thời gian cho công việc nhà và chăm sóc hai con trai ở thành phố Nam Kinh, người phụ nữ 38 tuổi cho biết những bình luận thường xuyên nhất mà cô nhận được khi mọi người biết cô có bằng tiến sĩ là “Thật lãng phí” và “Chồng bạn chắc phải kiếm được nhiều tiền lắm".
Không được coi trọng
Dù các bà mẹ làm nội trợ có bằng cấp không phải là điều hiếm ở Bỉ, nhưng không phổ biến ở Trung Quốc, nơi ông bà thường đảm nhận vai trò chăm sóc con cái để cả bố và mẹ đều có thể làm việc.
“Những người phụ nữ lớn tuổi và các bà mẹ đi làm mà tôi gặp khi đưa con trai ra ngoài thường ngạc nhiên và hỏi: 'Thế cả ngày cô sẽ làm gì?'", Cai nói. Cô trở thành bà nội trợ toàn thời gian kể từ khi sinh đứa con đầu lòng 7 năm trước.
Dù thường cảm thấy bản thân như những người ngoài cuộc, ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc có học vấn cao trở thành những bà nội trợ khi các gia đình ngày càng giàu có và sự chênh lệch giới tính giảm dần trong giáo dục ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cai Ning có bằng tiến sĩ song chấp nhận ở nhà làm nội trợ sau khi sinh con. Ảnh: Handout. |
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đối với phụ nữ từ 15 tuổi trở lên đang giảm đều ở Trung Quốc, từ 79% năm 1990 xuống 60% năm nay. Zheng Bingwen, giáo sư kinh tế tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết tăng trưởng kinh tế là yếu tố chính đằng sau xu hướng này.
“Thông thường, GDP của khu vực càng cao, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động càng thấp. Thu nhập tốt hơn cho phép nhiều gia đình chỉ có một người làm trụ cột và người vợ thường ở nhà", ông nói.
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, vào năm 2019, khoảng 52% sinh viên đại học và 51% sinh viên sau đại học là phụ nữ.
Zhou Yun, phó giáo sư xã hội học và nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Michigan (Mỹ), cho biết thay vì chọn tham gia thị trường lao động, nhiều bà nội trợ có trình độ học vấn cao đã bị buộc thôi việc vì bất bình đẳng và áp lực gia đình.
Phụ nữ làm nội trợ không được xem trọng ở Trung Quốc. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
“Phụ nữ phải đối mặt với sự phân biệt giới tính tràn lan và công khai trên thị trường lao động, trong khi vẫn phải gánh vác phần lớn việc nhà và chăm sóc con cái", bà Zhou cho biết.
Theo Ngân hàng Thế giới, bất chấp sự sụt giảm trong những thập kỷ gần đây, lực lượng lao động của Trung Quốc vẫn có tỷ lệ phụ nữ cao hơn nhiều nước khác. Tỷ lệ này là 57% ở Mỹ, 55% ở Đức và 53% ở Nhật Bản.
“Việc nhà thì nhiều, toàn thứ không tên, người ta coi đó là công việc của phụ nữ và không có giá trị. Làm việc bên ngoài gia đình có thể là con đường duy nhất để có được sự độc lập và an toàn. Vì vậy đối với nhiều phụ nữ Trung Quốc có trình độ học vấn cao, làm nội trợ không phải là một lựa chọn khả thi", bà Zhou nhận định.
Cần thay đổi
Theo một cuộc thăm dò trên trang Zhihu của Trung Quốc, 62% trong số 227.000 người được hỏi cho rằng việc một phụ nữ có học thức trở thành bà nội trợ là điều lãng phí.
“Nếu tôi phàn nàn rằng chồng tôi quá bận rộn với công việc và ít có thời gian dành cho gia đình thì mọi người, bao gồm cả chị dâu và bạn bè, sẽ yêu cầu tôi thấu hiểu, bao dung hơn”, Cai nói.
Theo cô, nhiều người cho rằng công việc kiếm tiền bên ngoài quan trọng hơn, đặc biệt là đối với nam giới.
"Ở Trung Quốc, bạn không thể đơn giản từ chối làm việc vào cuối tuần với lý do phải chăm con. Việc thiếu chính sách hỗ trợ cho các bà nội trợ cũng là một trong những lý do khiến phụ nữ Trung Quốc có xu hướng ra ngoài làm việc nhiều hơn phụ nữ ở các nước khác", Cai nhận định.
Ngày càng nhiều phụ nữ học vấn cao ở Trung Quốc làm nội trợ. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Bà mẹ 2 con cho biết ở Bỉ, các bà mẹ mới sinh con có thể xin hỗ trợ người chăm sóc, trong khi một số đàn ông Nhật Bản nói với cô rằng ông chủ còn chuyển thẳng ít nhất 50% tiền lương của họ vào tài khoản ngân hàng vợ.
“Ở Trung Quốc, không có gì cả,” cô nói.
Dong Xiaoying, luật sư về quyền phụ nữ ở Quảng Châu, cho biết số lượng bà nội trợ có trình độ học vấn ngày càng tăng không có gì đáng mừng.
“Vấn đề chỉ được cải thiện khi chính phủ có chính sách đảm bảo các quyền cơ bản của những bà nội trợ, thừa nhận công việc không được trả công của họ và cho phép họ không hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình”, bà nói.
Cai cho biết cô không mong sẽ có cải thiện trong thời gian tới, kể cả khi các con cô lớn lên.
“Nếu tôi có con gái, tôi sẽ khuyên nó không nên làm một bà nội trợ sau khi kết hôn. Đơn giản là quá khó khăn", cô chia sẻ.