Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ nữ Hàn làm nghề tắm rửa, trang điểm cho xác chết

Ngày càng nhiều nữ giới ở xứ sở kim chi được đào tạo để trở thành người chăm lo hậu sự - lĩnh vực mà lâu nay họ bị gạt ra do sự cấm kỵ trong văn hóa.

Gần đây, cái chết của các nữ minh tinh và nhân vật nổi tiếng, cũng như sự trấn áp mạnh tay đối với tội phạm tấn công tình dục phụ nữ ở Hàn Quốc tạo nên sự nhạy cảm về giới. Xu hướng này làm thay đổi cách thân nhân người đã khuất chia tay bà, mẹ và con gái của họ, theo Reuters.

Park Se-jung (19 tuổi) - sinh viên năm 2 ngành Tổ chức tang lễ tại Đại học Eulji - cho biết: “Tôi cảm thấy không thoải mái khi các bạn nam cùng lớp động chạm vào cơ thể mình, ngay cả lúc tôi mặc quần áo đầy đủ. Tôi chắc chắn không muốn người khác giới động chạm, tắm rửa và mặc quần áo cho cơ thể trần truồng của mình, ngay cả khi tôi đã chết”.

Với suy nghĩ đó, Park quyết tâm trở thành nhân viên chăm lo hậu sự, đặc biệt cho các khách hàng là nữ giới.

Xu hướng này xuất hiện trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi trấn áp bạo lực tình dục đối với nữ giới, bao gồm tội phạm quay lén, trả thù khiêu dâm, tống tiền phụ nữ và trẻ em gái trên mạng bằng ảnh nóng.

Phu nu Han Quoc lam nghe lam dep cho xac chet anh 1

Nữ sinh Park Se-jung được yêu cầu làm nhân vật trong một buổi học về cách khâm liệm người quá cố hôm 2/11.

Theo Lee Jong-woo - GS ngành Ướp xác tại Đại học Eulji, vào đầu những năm 2000, khoảng 1/3 sinh viên theo học nghề chăm lo hậu sự ở Hàn Quốc là nữ giới. Ngày nay, họ chiếm khoảng 60% trong lớp học.

“Với tư tưởng Nho giáo, cái chết được coi là điều cấm kỵ ở Hàn Quốc trong quá khứ. Bên cạnh đó, từng tồn tại quan niệm tiêu cực về việc phụ nữ có thể đảm đương công việc chăm lo hậu sự hay không. Thế nhưng nhận thức đã thay đổi”, Lee nói.

Các công ty cung cấp dịch vụ tang lễ cho biết họ ngày càng nhận được nhiều yêu cầu đối với nữ giới làm nghề chăm lo hậu sự, bao gồm việc tắm rửa, làm đẹp, thay quần áo cho xác chết.

Park Bo-ram, giám đốc nhà tang lễ 7 năm nay, cho biết: “Hầu hết người trẻ tuổi chết do tự tử. Tang quyến của phụ nữ hoặc trẻ em gái trong những trường hợp này cảm thấy thoải mái hơn nếu nhân viên nữ của chúng tôi chăm sóc thi thể thân nhân họ”.

Park nhớ lại lần cô chỉnh trang, làm đẹp cho thi thể một thiếu nữ qua đời vì tự tử, gia đình người đó rất biết ơn, ngay cả trong lúc đau buồn.

Trong số các nước phát triển, tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc là cao nhất với 24,6 trường hợp tử vong trên 100.000 người vào năm 2019 (mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD là 11,3). Năm ngoái, tự sát là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở thanh thiếu niên và người trong độ tuổi 20-30 tại Hàn Quốc, trong đó có hơn 4.000 nạn nhân nữ.

Năm 2016, 1/4 trong số 6.200 giám đốc dịch vụ tang lễ ở xứ kim chi là nữ giới. Với hơn 130.000 phụ nữ và trẻ em gái qua đời mỗi năm, yêu cầu về nữ giám đốc dịch vụ tang lễ dự kiến ​còn gia tăng, theo Dịch vụ Thông tin Việc làm Hàn Quốc.

Tuy nhiên, phụ nữ làm nghề chăm lo hậu sự vẫn vấp phải nhiều định kiến.

Shin Hwa-jin (21 tuổi) dự định làm việc tại nhà tang lễ sau khi tốt nghiệp. Cô từng rất sốc khi nghe một đàn chị làm nghề chăm lo thi thể kể lại cuộc trò chuyện với mẹ chồng.

“Mẹ chồng hỏi chị ấy: ‘Sao cô dám nghĩ đến việc nấu ăn cho gia đình với bàn tay đã chạm vào xác chết?’”, cô kể.

Phụ nữ bị khám xét khỏa thân ở Qatar vì nghi vứt bỏ con mới sinh

Kim Mills là nữ hành khách duy nhất trên chuyến bay của Qatar Airways không bị khám xét cơ thể khi chính quyền truy lùng người bỏ rơi một đứa trẻ trong nhà vệ sinh.

Thiên Nhi

Ảnh: Reuters

Bạn có thể quan tâm