Zing.vn trích dịch bài viết trên Korea Herald viết về phong trào No Bra - phụ nữ đấu tranh để được thoải mái lựa chọn việc mặc áo ngực hay không - đang phát triển tại xứ sở kim chi.
Kim Myo-ri (27 tuổi) quyết định không mặc áo ngực nữa vì cho rằng chính loại đồ lót này là nguyên nhân gây ra bệnh đau vai mạn tính của cô.
“Tôi đã mặc áo ngực từ năm lớp 4 và cứ quen với nó trong suốt 17 năm. Nhưng tôi dần nhận ra điều đó thật kinh khủng và đau đớn”, 9X nói.
Kim không phải người duy nhất phàn nàn về các vấn đề sức khỏe liên quan đến việc mặc áo ngực. Nhiều phụ nữ Hàn Quốc nói với tờ Korea Herald rằng khoảng thời gian thoải mái nhất trong ngày của họ là lúc trở về nhà và cởi bỏ chiếc áo ngực xiết chặt cơ thể.
Tuy nhiên, một phong trào đang phát triển ở Hàn Quốc thời gian gần đây đã đặt câu hỏi ngược lại: Tại sao sự thoải mái này của nữ giới chỉ có thể giới hạn trong nhà?
Ngày càng nhiều phụ nữ tại xứ củ sâm tin rằng mặc áo ngực không phải là điều bắt buộc mà về cơ bản đó là sự lựa chọn và quyền quyết định của mỗi cá nhân.
Ngày càng nhiều phụ nữ xứ Hàn cho rằng mặc áo ngực hay không thuộc về "tự do cá nhân". Nữ ca sĩ Sulli là 1 trong những người thường xuyên "no bra" trong các bức ảnh chia sẻ lên mạng. Ảnh: koreaboo |
Áo ngực hay kích thước mới là nguyên nhân?
Trong suốt 20 năm hành nghề, Choi Seung-jun, bác sĩ tiêu hóa, từng là phó chủ tịch hiệp hội y tế quận Yongsan ở Seoul, thường xuyên nghe các bệnh nhân phàn nàn về cảm giác đau đớn, khó chịu khi phải mặc áo ngực.
Ông Baek cho rằng chỉ dựa vào một nghiên cứu là không đủ để kết luận vấn đề. Song, ông đã quan sát và thấy nhiều bệnh nhân phàn nàn về chuyện mặc áo ngực.
Nhiều bác sĩ từng nghe bệnh nhân phàn nàn về sự bất tiện khi mặc áo ngực. Ảnh: Flaming Feminist Action. |
Phụ nữ mặc áo ngực sai kích cỡ là điều thường xuyên được nói đến trong những cuộc thảo luận về các vấn đề mà nữ giới gặp phải với đồ lót của họ.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Baek, kích thước chỉ là một trong những nguyên nhân và việc chúng ta quá tập trung vào điều này khiến bản chất thực sự của vấn đề bị lãng quên.
Hãy để phụ nữ có quyền lựa chọn
Tháng 5/2018, sự kiện thường niên Ngày vệ sinh kinh nguyệt của nhóm hoạt động nữ quyền Hàn Quốc có tên Flaming Feminist Action được tổ chức tại Yeongdeungpo, phía tây Seoul. Tại đây, một số người đã cởi trần để thể hiện sự bình đẳng nam nữ.
Hình ảnh này được đăng tải lên Facebook nhưng sau đó bị mạng xã hội này gỡ bỏ. Để phản đối hành động này, một số người cởi trần, biểu tình tại trụ sở của Facebook Hàn Quốc tại Gangnam vào đầu tháng 6 năm ngoái.
Đại diện Facebook chính thức xin lỗi và giải thích rằng hệ thống bị "lỗi" vào thời điểm đó. Tuy nhiên, gần đây, nền tảng này lại cài đặt chế độ riêng tư với một bộ ảnh cởi trần khác của nhóm hoạt động nữ quyền có tên Fling Women'sist Action.
“Ở những nơi như bể bơi, đàn ông có thể để ngực trần nhưng phụ nữ thì không. Và nếu ví Facebook như không gian công cộng, những bức ảnh phụ nữ để ngực trần (được đăng bởi nhóm nữ quyền) cũng không thể chấp nhận được vì vi phạm tiêu chuẩn và nguyên tắc cộng đồng của chúng tôi”, phía Facebook giải thích.
Phụ nữ Hàn Quốc cởi trần, biểu tình trước trụ sở Facebook ở Gangnam vào năm 2018. Ảnh: Yonhap. |
Tuy nhiên, Lee Ga-hyun, một thành viên của Flaming Feminist Action, không chấp nhận lời giải thích này. Cô cho rằng ngực của phụ nữ vốn không phải thứ liên quan đến tình dục.
“Một số người đánh đồng việc phụ nữ cởi trần hay không mặc áo ngực là một tín hiệu mời chào đàn ông nhưng ngực đâu phải là cơ quan sinh sản. Phụ nữ mặc áo ngực hay không là lực chọn hay đúng hơn là quyền của chúng tôi”, Lee nói.
Nhà triết học nữ quyền Yun-Kim Ji-young cho rằng phong trào No Bra đang phát triển, thể hiện sự phản kháng của nữ giới Hàn Quốc đối với những tiêu chuẩn khắt khe của xã hội.
Bà Yun chỉ ra phong trào chống lại các tiêu chuẩn làm đẹp, đập phá đồ trang điểm có tên là Escape the Corset, đã diễn ra vào năm 2016, cũng là một ví dụ về sự kháng cự này.