Quyết định này được Iran đưa ra sau khi liên đoàn bóng đá nước này bị FIFA dọa sẽ loại khỏi hệ thống các liên đoàn thành viên. FIFA cũng yêu cầu Iran phải cho phép phụ nữ vào sân mà không giới hạn số lượng vé, tùy theo nhu cầu của họ.
Yêu cầu của FIFA được đưa ra sau khi một phụ nữ Iran tự xưng là "Cô gái xanh dương" đã tự thiêu hôm 10/9. Cô cải trang thành một cậu bé để đi xem bóng đá và tự sát vì quá sợ hãi khi bị phát hiện.
Phụ nữ Iran có thể ngay lập tức mua vé xem trận đấu gần nhất của tuyển Iran khi họ đối đầu Campuchia trên sân Azadi ngày 10/10. 3.500 phụ nữ đã mua vé xem trận đấu này.
Số ít phụ nữ Iran tới sân xem trận đấu giữa chủ nhà Perspolis FC gặp Kashima Antlers tại AFC Champions League. Ảnh: EPA. |
Một trong 3.500 phụ nữ nói trên là Raha Poorbakhsh. Cô cũng là một nhà báo tại Iran. Poorbakhsh hào hứng nói với Guardian: "Tôi vẫn không thể tin những gì đang diễn ra vì sau chừng ấy năm vận động và xem bóng đá qua truyền hình, giờ tôi có thể trải nghiệm bóng đá như một người bình thường".
Ngoài Poorbakhsh, nhiều phụ nữ khác tại Iran cũng ủng hộ sự thay đổi này. Một CĐV nói rằng cô muốn có sự tự do cho phụ nữ, như những gì đàn ông đang được hưởng, và được thoải mái đi xem bóng đá mà không gặp sự đánh giá nào.
Tại Iran, phụ nữ gần như bị cấm tới sân xem bóng đá từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Năm 2001, chỉ có 20 phụ nữ Hồi giáo được tới các trận đấu vòng loại World Cup 2002. Bốn năm sau, chỉ hơn chục người xem các trận bóng giữa Iran và Bahrain.