Một nhóm nam giới được yêu cầu mang giày cao gót 5 cm và đi lại tại một sự kiện vừa diễn ra ở Tokyo, Nhật Bản. Người chới với, kẻ không dám bước.
"Bình thường nếu ai đó yêu cầu tôi mang thứ này, tôi sẽ rất khó chịu", Jun Ito, 34 tuổi, nói khi đang cố giữ thăng bằng trên đôi giày màu đen.
Ở phía khác, những người phụ nữ quan sát chăm chú. Họ hiểu cảm giác của các "đấng mày râu" lúc này.
Sự kiện nằm trong chương trình mở rộng của phong trào online có tên KuToo.
Theo Kyodo News, KuToo được lấy cảm hứng từ kutsu (nghĩa là giày trong tiếng Nhật), kutsuu (đau) và phong trào #MeToo kêu gọi bảo vệ phụ nữ khỏi quấy rối tình dục, bạo lực trên toàn cầu.
Phong trào này truyền đi thông điệp hãy giải thoát phụ nữ khỏi những đôi giày cao gót tra tấn họ tại nơi làm việc.
Giày cao gót là đồng phục bắt buộc đối với phụ nữ ở nhiều công ty, tập đoàn Nhật Bản. |
Cuộc bỏ phiếu kêu gọi hủy bỏ quy định nữ giới phải mang giày cao gót tồn tại ở hầu hết văn phòng, công ty Nhật Bản được tổ chức trên trang web Change.org.
Yumi Ishikawa, 32 tuổi, người phát động phong trào KuToo, cho biết: “Tôi hy vọng phụ nữ sẽ không còn phải mang giày cao gót khi đi làm. Tại sao chúng ta phải làm tổn thương đôi chân của mình trong khi đàn ông lại được phép đi giày bệt?”.
Đầu tháng 1/2019, Ishikawa chia sẻ trên trang cá nhân việc cô phải đi giày kín ngón và cao từ 5-7 cm tại nơi làm thêm. Kết thúc ngày làm việc, ngón chân của cô sưng tấy, thậm chí bị trầy xước, chảy máu.
Bài viết của Ishikawa thu hút hơn 67.000 lượt thích và gần 30.000 lượt chia sẻ. Phong trào KuToo do cô khởi xướng nhận được hơn 18.700 chữ ký.
Nhiều phụ nữ phản đối quy định mang giày cao gót vì cho rằng nó bất bình đẳng và ảnh hưởng sức khỏe. |
Một số người ủng hộ chiến dịch chia sẻ: Việc buộc phụ nữ đi giày cao gót tại Nhật Bản, đất nước thường xuyên phải hứng chịu các thảm họa động đất, sóng thần, có thể đe dọa sự an toàn của họ.
Nhật Bản hiện có luật cấm phân biệt đối xử theo giới tính tại nơi làm việc dựa trên một số tiêu chí như tuyển dụng, thăng chức, đào tạo và gia hạn hợp đồng.
Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về trang phục. Việc mang giày cao gót từ lâu được mặc định là quy tắc giao tiếp, cũng như một loại đồng phục công sở đối với nữ giới.
Những phong trào tương tự Kutoo từng diễn ra ở một số nước khác. Năm 2015, lễ tân một công ty tài chính ở Anh đệ đơn yêu cầu chính phủ thay đổi luật trang phục sau khi bị sa thải không lương vì không đi giày cao gót theo quy định.
Tại Liên hoan phim Cannes năm 2016 ở Pháp, Julia Roberts và nhiều diễn viên khác đi chân trần hay giày thể thao trên thảm đỏ để phản đối việc một số phụ nữ bị cấm tham dự sự kiện do không đi giày cao gót vào năm trước đó.