Phụ nữ Thái Lan đấu tranh đòi quyền xuất gia làm nhà sư
Thứ bảy, 5/1/2019 10:36 (GMT+7)
10:36 5/1/2019
Sau 90 năm bị cấm xuất gia, phụ nữ đất nước Phật giáo ngày nay đang đấu tranh đòi xóa bỏ quy định cũ để có thể bình đẳng trở thành ni sư.
Tháng trước, Boodsabann Chanthawong cùng hàng chục phụ nữ, từ các thiếu nữ vị thành niên tới những người trung niên, đã xuống tóc đi tu tại một cơ sở Phật giáo không được công nhận ở ngoại ô thủ đô Bangkok, thách thức quy định đã có nhiều thập niên tại Thái Lan.
Tại tu viện Songdhammakalyani ở tỉnh Nakhon Pathom, Boodsabann (ảnh) trút bỏ bộ quần áo thường ngày, khoác lên trang phục màu nghệ đặc trưng của các nhà sư Phật giáo. "Tôi sẽ vượt qua rào cản này và nhận sắc phong như tôi luôn mong muốn bấy lâu nay", người phụ nữ nói và òa khóc. Boodsabann cạo đầu trong nghi lễ xuất gia hôm 5/12.
Theo một quy định đã tồn tại từ năm 1928 tại Thái Lan, chỉ đàn ông mới được phép trở thành nhà sư hoặc tu sĩ, trong khi phụ nữ bị cấm xuất gia. Những phụ nữ thực hiện lễ xuất gia để trở thành ni cô tại Thái Lan đều không được công nhận.
Với những phụ nữ Thái sùng đạo, họ có lựa chọn trở thành tu sĩ Phật giáo áo trắng, tuân theo giáo luật ít chặt chẽ hơn so với các nhà sư. Những nữ tu này thường làm nhiệm vụ giúp việc, vệ sinh tại các đền, chùa.
Những năm gần đây, ngày càng nhiều phụ nữ sùng đạo ở Thái Lan muốn trở thành tu sĩ hoặc ni cô. Để đối phó với quy định cấm đã tồn tại trong gần cả thế kỷ, họ tìm cách xuất gia tại nước ngoài, thường là Sri Lanka hoặc Ấn Độ.
Dhammananda, nữ tu 74 tuổi tại tu viện Songdhammakalyani, tới Sri Lanka năm 2001. Bà là người phụ nữ đầu tiên trở thành ni sư ở Thái Lan. Từ đó, bà đã giúp nhiều phụ nữ Thái giống như Boodsabann hiện thực hóa ước nguyện xuất gia tại tu viện Songdhammakalyani vào tháng 4 và tháng 12 hàng năm.
"Đã 90 năm trôi qua, bối cảnh xã hội đã thay đổi nhiều, nhưng họ vẫn không chấp nhận chúng tôi. Thật đáng xấu hổ khi phụ nữ không được phép tự đưa ra quyết định với cuộc đời mình. Chúng tôi phải chống lại điều bất công này", Dhammananda nói với Reuters trong thư viện của Songdhammakalyani, nơi bày nhiều cuốn sách về quyền và vai trò của phụ nữ trong tôn giáo.
Hiện có khoảng 270 ni sư Phật giáo trên khắp Thái Lan, tất cả đều được sắc phong tại nước ngoài. Trong khi đó, Thái Lan có hơn 250.000 tăng nhân là nam giới. Tại Thái Lan, các nam tăng bị cấm tham gia vào lễ sắc phong của phụ nữ.
Các nỗ lực xóa bỏ quy định cấm phụ nữ xuất gia làm nhà sư nhiều lần được thúc đẩy trong quá khứ. Tuy nhiên, Hội đồng Tối cao Sangha (Tăng già), cơ quan quyền lực cao nhất của Phật giáo Thái Lan, đã bác bỏ đề xuất này vào năm 2002, và mới nhất là năm 2014.
Nhà chức trách Thái Lan cho biết lệnh cấm đối với phụ nữ không phải vì phân biệt giới tính mà chỉ để duy trì một truyền thống lâu đời. "Phụ nữ không được xuất gia ở Thái Lan, nhưng họ không bị cấm xuất gia ở nước ngoài. Họ sẽ không được tấn phong bởi các nhà sư Thái Lan, tất cả chỉ có vậy", Narong Songarom, phát ngôn viên của Văn phòng Phật giáo Quốc gia Thái Lan, cho biết.
Tòa án Hà Lan đã từ chối trao trả bức tượng Phật chứa xác ướp nhà sư 1.000 năm tuổi cho dân làng Dương Xuân, Trung Quốc, vì cho rằng họ "không được coi là thực thể pháp lý".
Nhiều nhà sư Nhật Bản đồng loạt đăng tải hình ảnh nhảy dây, trượt ván, làm xiếc khi mặc áo thụng truyền thống để phản đối luật giao thông cấm mặc trang phục này khi lái xe.