Eileen Gu giỏi thể thao, quyến rũ và học tập xuất sắc. Trước khi có màn trình diễn ấn tượng và giành huy chương vàng ở Olympic 2022, cô gái 18 tuổi đã rất nổi tiếng trên mạng xã hội với vai trò vận động viên, người mẫu và học sinh đạt 1.580/1.600 điểm trong kỳ thi SAT của Mỹ.
Khi một người dùng Internet hỏi Gu tại sao lại đại diện Trung Quốc ở Olympic dù sinh ra và lớn lên tại San Francisco, cô đã đáp trả một cách mỉa mai rằng: "Cry ab it" (Tạm dịch: Hãy cứ than khóc vì điều đó đi).
Câu trả lời này trở nên viral trên mạng xã hội Trung Quốc, nơi Gu được coi là biểu tượng của sự tự tin, sẵn sàng đáp trả khi bị tấn công.
Eileen Gu giành huy chương vàng tại Thế vận hội Bắc Kinh 2022. Ảnh: Reuters. |
Theo VICE, ở một đất nước mà vai trò giới cứng nhắc luôn áp đặt lên phụ nữ và các hoạt động nữ quyền thường bị đàn áp, Gu là ví dụ hiếm hoi cho sự thành công và đại diện của nữ giới.
Tuy nhiên, dù ngưỡng mộ, nhiều phụ nữ Trung Quốc nói rằng họ không nhìn thấy bất kỳ nét tương đồng nào giữa mình và Gu. Hay nói cách khác, dù xuất sắc đến đâu, Eileen Gu vẫn khó trở thành hình mẫu để các cô gái ở quốc gia tỷ dân hướng đến và phấn đấu.
Khoảng cách giàu nghèo
Hàng triệu người đã xem các clip hướng dẫn trang điểm để có ngoại hình giống Gu. Các blogger giáo dục ca ngợi tầm quan trọng của kỹ năng quản lý thời gian khi nữ vận động viên trượt tuyết chia sẻ cô ngủ 10 tiếng/ngày.
Một số người còn sử dụng câu chuyện Gu được mẹ và bà ngoại nuôi dưỡng để chống lại sự kỳ thị đối với các bà mẹ đơn thân.
Nhưng khi mọi chi tiết về gia đình, học vấn của Gu tiếp tục được khai thác, nhiều phụ nữ Trung Quốc cũng nhận ra rằng khoảng cách quá lớn giữa họ và vận động viên 18 tuổi này.
"Thành công của Gu và nền giáo dục ưu tú đằng sau cô ấy vượt quá những gì một người bình thường có thể đạt được", Chen Xiaoyu, người có ảnh hưởng về nữ quyền, cho biết trong một video thu hút hơn 3,7 triệu lượt xem.
"Khi thổi phồng nỗ lực cá nhân của cô ấy, bạn đang bỏ qua sự bất bình đẳng về cấu trúc, nguồn lực và địa vị xã hội".
Eileen Gu thống trị ngành thời trang xa xỉ, gia nhập showbiz Trung Quốc. Ảnh: The New York Times, Elle. |
Sự bất bình đẳng đó thể hiện rõ ràng giữa các vận động viên đoạt huy chương vàng Olympic của Trung Quốc. Nhiều người sinh ra trong gia đình nghèo đã được gửi đến các trường thể thao vì học phí ở đây thường thấp.
Những đứa trẻ phải tuân theo lịch trình luyện tập và học tập khắc nghiệt với hy vọng trở thành một trong số rất ít vận động viên giành giải thưởng ở các cuộc thi quốc gia và quốc tế.
Quan Hongchan, vận động viên nhảy cầu giành huy chương vàng Olympic Tokyo ở tuổi 14, cho biết cô chưa bao giờ đến các công viên giải trí hay vườn thú và đang thi đấu để kiếm tiền trị bệnh cho mẹ.
Ngược lại, Eileen Gu sinh ra trong một gia đình người Hoa giàu có. Nhiều người thuộc tầng lớp thượng lưu của Trung Quốc đã chọn gửi con cháu ra nước ngoài để có thể hưởng nền giáo dục tốt hơn. Mỹ là điểm đến phổ biến nhất.
Ông bà ngoại của Gu là quan chức ở Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nhà ở, Phát triển Đô thị - Nông thôn của Trung Quốc.
Vận động viên trượt tuyết được gia đình hậu thuẫn theo đuổi con đường thể thao và giải trí. Ảnh: Baidu. |
Mẹ cô, Gu Yan, tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh danh tiếng và chuyển đến Mỹ năm 22 tuổi. Sau khi theo học ngành sinh học tại Đại học Auburn và lấy bằng MBA tại Stanford, bà làm việc tại Lehman Brothers và trở thành nhà đầu tư mạo hiểm.
Nhờ sự giàu có của gia đình, Gu lớn lên trong khu phố Sea Cliff của San Francisco, có phòng ngủ nhìn ra cầu Cổng Vàng, theo The New York Times. Cô bắt đầu học trượt tuyết, cưỡi ngựa, lặn, chơi golf, đóng kịch, luyện piano và tham gia lớp học hát một thầy một trò từ khi còn nhỏ.
Vì vậy, nhiều người tin rằng câu chuyện thành công của Gu chỉ diễn ra trong tầng lớp thượng lưu, nơi mà con cái họ không bao giờ có thể chạm tới.
"Đừng chỉ quan tâm những người có huy chương"
Bất chấp sự khác biệt rõ ràng về địa vị xã hội, Eileen Gu mang đến những thông điệp tích cực cho các cô gái Trung Quốc.
Gu sử dụng quyền tự do của mình để xuất hiện trong nhiều loại quảng cáo và nói về việc truyền cảm hứng cho phụ nữ, một chủ đề hiếm khi được các vận động viên Trung Quốc đề cập.
Với tư cách ngôi sao giải trí, Gu đang đưa vào showbiz Trung Quốc một phong cách, tiêu chuẩn cái đẹp hoàn toàn mới.
Trong khi các ngôi sao Hoa ngữ bị ám ảnh bởi ăn kiêng và làn da trắng, vận động viên lớn lên ở Mỹ không ngại khoe làn da rám nắng và nốt mụn. Cô nói sức mạnh thể chất chính là vẻ đẹp của mình.
Ngay cả clip cho thấy Gu tham gia phỏng vấn với hoa tai lấp lánh và đến trường trong chiếc áo ba lỗ màu đỏ tươi cũng khiến mọi người thích thú, vì các trường học ở Trung Quốc hiếm khi cho phép nữ sinh đeo trang sức và mặc áo cộc tay.
Câu chuyện về Eileen Gu cho thấy các vấn đề bất bình đẳng dai dẳng trong xã hội Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Yawen Li, nhà nghiên cứu văn học và giới của Đại học Quốc gia Singapore và King’s College London, cho biết: "Gu thể hiện sự tự tin đáng kinh ngạc, điều hiếm thấy trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Mặc dù người hâm mộ, đặc biệt là phụ nữ trẻ, nhận thức được khoảng cách giàu nghèo giữa Gu và bản thân, nhưng họ vẫn cảm thấy được giải phóng ở một mức độ nào đó bởi sự tự tin của Gu".
Nhưng câu chuyện về Gu đã thúc đẩy các cuộc thảo luận về vấn đề bất bình đẳng dai dẳng trong xã hội Trung Quốc. Một số người đã so sánh Gu với hình ảnh của người phụ nữ bị xích cổ trong nhà kho vừa được phát hiện ở tỉnh Giang Tô để làm nổi bật bức tranh tương phản.
"Đừng chỉ để ý xem người phụ nữ nào có huy chương vàng trên cổ, chúng ta còn phải quan tâm đến những người đang bị trói bằng dây xích", một người bình luận trên Weibo.
Theo Tony Zhang, nhà xã hội học của Đại học Macau chuyên nghiên cứu về bất bình đẳng ở Trung Quốc, khi sự quan tâm xung quanh tấm huy chương vàng Olympic của Gu lắng xuống, mọi người có thể nhận thức rõ hơn về những đặc quyền kinh tế mà cô được hưởng.
"Ngày nay rất dễ tìm thấy sự mệt mỏi, thất vọng và giận dữ trên mạng xã hội. Khi những người trẻ tuổi thấy cuộc đấu tranh hàng ngày của họ không giống như cuộc sống của một ngôi sao, thì ngôi sao đó sẽ dễ mất đi hào quang".
Trước mắt, hình ảnh của Gu vẫn khá hoàn hảo nhưng bắt đầu đã có những ý kiến trái chiều nổi lên xung quanh đặc quyền của cô, ví dụ như chuyện sử dụng mạng xã hội của phương Tây bao gồm Instagram, điều được coi là phạm luật ở Trung Quốc.