Các nhà nhân khẩu học ở Trung Quốc dự báo dân số của quốc gia này sẽ đạt đỉnh vào năm 2029 khoảng 1,44 tỷ người và có thể giảm xuống khoảng 732 triệu người vào năm 2100.
Tỷ lệ sinh sơ bộ năm 2020 ở một số tỉnh và thành phố của Trung Quốc được công bố vào tháng 2 cho thấy số trẻ sơ sinh giảm đáng báo động. Một thành phố báo cáo mức giảm 30% so với năm trước.
Các nhà nhân khẩu học cho biết có khả năng dân số sẽ giảm thêm do đại dịch.
Trong khi đó, ý thức về nữ quyền của phụ nữ Trung Quốc ngày một rõ ràng. Họ chọn ưu tiên cho sự nghiệp thay vì lập gia đình, sinh con.
Một trong những nguyên nhân phụ nữ chọn điều này vì áp lực việc nhà như chăm sóc con cái quá lớn.
Chen Yaya, nhà nghiên cứu về bình đẳng giới tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết nam giới ở Trung Quốc ít giúp chăm sóc con cái.
Trung Quốc phải đối mặt với một quả bom hẹn giờ về dân số, với tỷ lệ sinh giảm mạnh và lực lượng lao động già đi nhanh chóng. Ảnh: AFP. |
Helena Lu (26 tuổi) sống tại Bắc Kinh, từng du học ở Châu Âu, cho biết thái độ của cô đã thay đổi khi cô đi học và đi làm. Cô không đồng ý với việc phụ nữ phải kết hôn và sinh con.
“Tôi lo lắng về việc có con sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình. Tại Trung Quốc việc chăm sóc trẻ em chủ yếu thuộc về phụ nữ. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này là do đối xử không bình đẳng với phụ nữ và trẻ em. Chính phủ cần giải quyết những vấn đề này”, Lu nói.
Giải pháp
Các nhà chức trách lúng túng tìm cách khuyến khích gia tăng dân số. Các tổ chức tư vấn và các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số đề xuất khác lạ.
Wu Xiuming đến từ Hiệp hội Phát triển Think Tank (Sơn Tây) cho biết một giải pháp là ghép đàn ông độc thân từ các vùng nông thôn với phụ nữ độc thân ở thành phố, theo một báo cáo của Tân Hoa xã.
Đề xuất này đã được lan truyền rộng rãi ở Trung Quốc. Chen Yaya chỉ ra rằng hầu hết đàn ông từ nông thôn đã đi làm việc ở các thành phố. Họ đã chịu sự phân biệt đối xử và khó tìm được bạn đời.
Leta Hong Fincher - tác giả của hai cuốn sách về nữ quyền ở Trung Quốc - cho biết chính quyền đã từng thử giải pháp chỉ trích những phụ nữ độc thân lớn tuổi. Họ cũng gỡ bỏ dần chính sách một con. Nhưng dường như tất cả đều thất bại.
Helena Lu chia sẻ rằng có thêm phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo cấp cao sẽ giúp tình trạng phân biệt đối xử giảm bớt.
Bên cạnh Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng phải đối mặt với những vấn đề tương tự về suy giảm dân số. Để giải quyết vấn đề này, các quốc gia đã đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích nam giới làm việc nhà.
Theo Liên Hợp Quốc, Nhật Bản cung cấp chế độ nghỉ phép có lương lên đến một năm cho các ông bố để chăm sóc gia đình. Còn tại Trung Quốc, theo luật lao động, nam giới được nghỉ phép từ 7-25 ngày trong chế độ thai sản.