Cuối mùa đông năm ngoái, gia đình tôi, hầu hết là nam giới, cùng đến nghĩa trang viếng mộ. Đây là nơi chôn cất của tổ tiên, ông nội và cả người cô của tôi. Khi đốt những tờ giấy tiền vàng, ký ức mờ nhạt của tôi về cô bắt đầu trở lại, như một vết đau lòng chỉ mới được chữa lành một nửa.
Cô tôi
Năm 2020, cô qua đời vì ung thư buồng trứng, để lại 2 con gái, một học mẫu giáo và một đang học tiểu học.
Trước đó, cô quen biết chú tôi khi họ là bạn cùng lớp cao đẳng. Cô yêu chú sâu đậm, quyết định rời quê hương, đi chặng đường xa 2.000 km để trở thành một thành viên trong gia đình chúng tôi.
Ở quê tôi, cô không có nhiều bạn. Nhiều người trong gia đình tôi vẫn tin chắc rằng chỉ nam giới mới được coi là con cháu trong nhà, nhất là khi chú tôi là con trai duy nhất. Bất chấp tình yêu dành cho nhau, cuộc hôn nhân của cô và chú tôi bắt đầu căng thẳng, đặc biệt sau khi cô sinh người con đầu lòng.
Mong muốn có con trai, cô nghe lời chú và ông bà tôi uống loại thuốc lá do một thầy lang kê đơn. Tuy nhiên, uống bao nhiêu thuốc, cô vẫn sinh ra một bé gái.
Cô tôi, một người phụ nữ hơi mũm mĩm, luôn nở nụ cười thường ngày, gần như rơi vào nỗi thất vọng nặng nề với gia đình chồng. Đau đớn càng chồng chất hơn khi ngay sau đó, cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng.
Cuối cùng, sau ba năm chiến đấu với căn bệnh quái ác, cô đã qua đời.
Trong khi luật pháp Trung Quốc cấm phân biệt đối xử về giới tính, nhiều gia đình vẫn đặt nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Ảnh: EPA. |
Thời điểm cô mắc bệnh, nhiều người trong gia đình tôi xì xào bàn tán về loại thuốc lá mà cô đã dùng. Một số người cho rằng “tiên dược” sinh con trai đó đã khiến cô mắc bệnh. Cái chết của cô cứ được nhắc đi nhắc lại, truyền miệng từ người này sang người khác.
Lớn lên ở Hà Nam, tỉnh đông dân và bảo thủ nhất của Trung Quốc, tôi đã quen nghe những câu chuyện đau lòng như của cô mình. Không riêng cô, những người phụ nữ khác trong gia đình tôi và ngoài xã hội cũng đều trải qua áp lực tương tự.
Tại nghĩa trang, gần mộ của cô là nơi chôn cất ông tôi, người đã mất cách đây hàng chục năm. Ông là một giáo viên làng được kính trọng. Ông dành phần lớn thời gian để trồng rau củ, đưa tôi đi leo núi và dạy tôi đu dây trên song sắt. Tôi ngưỡng mộ ông và biết rằng ông rất yêu quý mình.
Nhưng không lâu sau đó khi mẹ sinh em gái tôi, ông đến thăm bên giường bệnh của mẹ và đưa một cuốn sách nhỏ, sau đó bỏ đi mà nói một lời.
Cuốn sách đó mang nội dung kết hợp giữa chiêm tinh và bói toán kiểu Trung Quốc, có mục đích dạy phụ nữ cách mang thai con trai bằng cách kiểm soát ngày và thời điểm thụ thai.
“Ông không cần nói ra những gì ông muốn”, mẹ nói với tôi.
Bộ phim nổi tiếng “All Is Well” (Tất cả đều ổn) của Trung Quốc phản ánh hiện trạng nữ giới phải gánh vác nhiều định kiến trong gia đình. |
Đứng trước ngôi mộ của cô và ông, tôi thấy chú tôi và hai cô con gái nhìn chằm chằm vào ngọn lửa hóa vàng, cả 3 im lặng, không rơi nước mắt. Đôi mắt của chú trống rỗng và nỗi buồn sâu sắc đến nỗi khiến mọi lời nói trở nên vô ích.
Tôi không thể nhìn vào mắt chú mà không thấy đau thương. Cái chết của vợ chú, người phụ nữ trẻ dịu dàng, quay trở lại ám ảnh tôi như một ký ức sống động.
Tôi tức giận. Tôi không biết mình có nên cảm thấy tội lỗi với chú không? Tôi sẽ làm gì nếu biết những điều vợ chú đã trải qua? Liệu tôi có đủ can đảm để tiến lên một bước, nói to và rõ rằng cô đang bị đối xử tồi tệ?
Tôi từng đọc nhiều cuốn sách của nhà triết học Immanuel Kant, ông cho rằng con người sử dụng con người như một phương tiện để theo đuổi mục đích cá nhân là sai trái về mặt đạo đức.
Tuy nhiên, trong một gia đình, định nghĩa sai - đúng, trắng - đen lại mờ nhạt một cách khó hiểu. Ý nguyện và mong cầu trong gia đình khiến các thành viên mặc định đó là điều đúng đắn.
Có lẽ cơ hội học hành và nhìn ngắm thế giới rộng mở đã kéo tôi ra khỏi những người mà mình từng cùng lớn lên. Tôi không còn hiểu và thấy gắn bó với gia đình mình nữa. Tệ hơn, tôi không còn cảm thấy mình biết họ nữa. Ở những thời điểm nhất định, như khi nhìn thấy cảnh chú tôi đứng trước mộ của vợ mình, tất cả những gì tôi có thể cảm thấy là tức giận, đau đớn, thậm chí là ghê tởm.
Nhưng tôi có thể làm được gì?
Sau khi tôi biết về cái chết của cô, tôi đã khóc. Mẹ nhìn thấy những giọt nước mắt của tôi, bà nói với tôi rằng không phù hợp: “Con đã lớn và không nên khóc”.
Nếu khóc trước cái chết của cô là điều đáng xấu hổ, thì tôi không chắc mình có thể nói gì, ngay cả khi tôi đã từng có cơ hội để nói. Dường như điều duy nhất gia đình tôi muốn làm là che đậy mọi chuyện.
Khi ông đưa cho mẹ tôi cuốn sách nhỏ về cách sinh con trai, ông không cần phải nói gì cả. Sự ưu tiên dành cho con trai được áp dụng cho phụ nữ một cách câm lặng, chắc chắn, ngấm vào cuộc sống hàng ngày, khiến chúng ta ngột ngạt và im lặng. Những cuộc trao đổi vô thanh như vậy xảy ra trong các gia đình mọi lúc và những thành viên đều hiểu luật chơi và cái giá phải trả.
Cố gắng, thất bại. Cố gắng hơn nữa, lại thất bại. Đối với gia đình tôi, việc cô tôi chỉ sinh con gái không chỉ là một khiếm khuyết thảm khốc của cô mà còn là tội lỗi không thể bào chữa cho một người phụ nữ.
Bây giờ, chỉ một năm sau khi cô mất, chú tôi đang có ý định tái hôn để có cơ hội sinh con trai lần nữa trước khi quá già. Cái chết của cô không thay đổi bất cứ điều gì, ít nhất là không thể thay đổi mong muốn có con trai của chú tôi và gia đình ông.
Từ thế hệ này qua thế hệ khác, nhiều phụ nữ Trung Quốc vẫn tự coi trách nhiệm của mình là phải sinh được con trai. Ảnh: WSJ. |
Đây là thực tế xấu xí mà xã hội Trung Quốc phải đối mặt. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh nói chung của đất nước đã trở nên cân bằng hơn trong những năm qua, nhưng vẫn có sự chênh lệch rõ rệt ở các vùng nông thôn.
Năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh của Trung Quốc là 111,3 nam trên 100 nữ. Các nhà nhân khẩu học xác định con số "bình thường" là từ 103 đến 107 nam trên 100 nữ.
Tỷ số này càng bị lệch hơn sau khi sinh con đầu lòng do các bậc cha mẹ mong muốn điều chỉnh việc không sinh con trai trước đó, theo một bình luận năm 2021 của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển dân số Trung Quốc.
Sự mất cân bằng này có thể là biểu hiện rõ nét nhất của sự phân biệt đối xử về giới. Nhưng thông thường, trên thực tế, sự phân biệt lại hoạt động theo những cách tinh vi hơn, khó hiểu hơn.
Lấy ví dụ như hai người anh chị họ của tôi. Cả hai hiện đều học cao đẳng nghề, tuy nhiên, trong khi người anh được bố mẹ trợ cấp 1.000 nhân dân tệ (156 USD) hàng tháng để chi tiêu ngoài học phí, thì cô em gái không nhận được khoản tiền tương tự. Chị ấy phải dành thời gian nghỉ hè và nghỉ đông để làm việc trong các nhà máy hoặc tại các nhà hàng.
Bà tôi thậm chí đã từng cố gắng xin tiền chị ấy, vì tin rằng một phụ nữ trẻ phải có nghĩa vụ chu cấp cho gia đình, ngay cả khi còn đi học. Không cần phải nói, anh họ tôi không có gánh nặng như vậy.
Mỗi lần về quê, nghe những câu chuyện như thế, tôi rất khó chịu. Tôi thậm chí không biết mình có thể làm gì. Tôi nghĩ mình đã đủ lớn để bày tỏ ý kiến của mình với gia đình, nhưng tôi lo lắng điều đó sẽ không thay đổi được gì.
Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định bắt đầu nói chuyện. Tôi sẽ không thể thay đổi tư tưởng trọng nam khinh nữ của người thân trong một sớm một chiều, những gì tôi nói cũng có thể không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào. Nhưng tôi biết mình chắc chắn phải nói điều gì đó!