Phú Quốc đang gặp khó vì giá cao, ít dịch vụ mới. Ảnh: Buitracy. |
Kỳ nghỉ lễ 30/5-1/5 vừa qua, lượng khách đến Phú Quốc sụt giảm so với những kỳ nghỉ trước. Nhiều du khách Việt bày tỏ sự quan tâm và quan điểm của mình trước sự vắng khách kỳ lạ ở hòn đảo này.
Quốc Nam (sống tại TP.HCM) chia sẻ: “Phú Quốc là quê tôi, hôm lễ tôi về và phải công nhận chi phí trên đảo tăng cao, cái gì cũng đắt. Tôi cảm thấy như người ở xứ khác xuống thành phố chơi chứ không còn là quê nhà”.
Một chuyến đi Phú Quốc đắt bằng hai chuyến khác
Bên cạnh vé máy bay tăng cao, nhiều du khách cho rằng đảo ngọc vắng khách còn bởi chi phí du lịch đắt đỏ, cao hơn gấp 2-3 lần những nơi khác.
Cũng như Nam, du khách Minh Hằng đến từ Hà Nội bày tỏ rất thích Phú Quốc nhưng phải nhìn nhận thực tế nơi này bây giờ khác với trước đây. “Nhà tôi đi Phú Quốc liên tục, vài tháng lại đi một lần 5-10 ngày. Thế nhưng mỗi lần đi là thấy dịch vụ nơi đây lại tăng giá, khiến tôi phải e dè”.
Chị Hằng cho rằng giá vé máy bay tăng là một chuyện, còn việc ăn uống vui chơi cái gì cũng đắt, cũng tăng nên khách du lịch quay lưng là điều hiển nhiên. "Bằng số tiền đó có thể đi vài chỗ trong nước hoặc đi nước ngoài thì ai chọn quay lại Phú Quốc nữa", chị chia sẻ.
Phú Quốc sở hữu biển xanh, cát trắng, nhiều dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng nhưng có chi phí đắt đỏ khiến nhiều du khách e dè. Ảnh: Tam Nguyen/Bapt. |
Tại Phú Quốc vẫn xảy ra tình trạng “chặt chém” khách du lịch với tư tưởng “vắng mợ thì chợ vẫn đông”. Ngoài ra, các địa điểm vui chơi trên đảo thường cách xa nhau, đi đâu thì tiền taxi hoặc xe di chuyển cũng đắt.
Để tránh gặp phải tình trạng trên, chị Trần Hà My cho biết gia đình đã chọn thuê ôtô tự lái ở sân bay với giá 800.000 đồng/ngày. “Tôi tiết kiệm được rất nhiều khi có thể chủ động di chuyển, không phải trả giá, kỳ kèo với tài xế taxi”, chị nói.
Trong chuyến du lịch đến Phú Quốc cách đây không lâu, chị đã chi tiêu 40 triệu cho chuyến du lịch 5 ngày 4 đêm của 6 người lớn và 5 trẻ em. Mức giá trên được một số người nhận xét là hợp lý. Chị còn cho biết thêm du khách nên lên kế hoạch thật chi tiết cho chuyến đi của mình để kiểm soát chi phí, tránh những trải nghiệm không tốt khi đến nơi đây du lịch.
Phạm Thị Thanh Phương, người thường xuyên công tác ở Phú Quốc, lý giải cho tình trạng giá cả đắt đỏ ở hòn đảo này là không phải loại hải sản nào trên đảo cũng có. Một số loại như tôm hùm bông, ốc hương hay cua tự nhiên trên đảo rất ít, đa số đều phải nhập về để phục vụ du khách nên giá cả bị đội lên cao vì phải gánh chi phí vận chuyển.
Ngoài ra, trên đảo ít người trồng rau dù nhiều đất. Vì vậy các món chế biến từ rau giá thành cao, những đĩa rau xào có giá 100.000 đồng là chuyện bình thường. Để tiết kiệm chi phí, chị cho rằng du khách có thể tập trung thưởng thức cảnh đẹp và dịch vụ trên đảo. Còn hải sản có thể dễ dàng thưởng thức ở Hà Nội hay TP.HCM với hương vị tươi ngon, giá cả phải chăng hơn khi ăn tại đây.
Không còn thú vị
Lê Hoàng Thanh (du khách đến từ TP.HCM) cho biết ở Phú Quốc tồn tại nghịch lý là ở đảo nhưng không có nhiều bãi tắm công cộng. “Không như các thành phố biển khác, bước ra đường là có thể tắm biển như Vũng Tàu, Nha Trang hay Đà Nẵng, ở Phú Quốc bờ biển được bao quanh bởi resort. Chỉ có bãi Sao là bãi tắm cộng đồng nhưng ở đây không được chăm sóc, nhìn nhếch nhác”.
Phú Quốc có những địa điểm đẹp như Hòn Thơm, Phú Quốc United Center, nhưng chỉ cần đi chơi hai đêm là vừa đủ để trải nghiệm. “Gia đình tôi đi 4 đêm thì thấy dư và chán vì không có hoạt động khác để chơi”, anh Thanh nói.
Các điểm hoạt động vui chơi có chi phí cao khiến du khách có ít lựa chọn khi đến du lịch tại hòn đảo này. Ảnh: Cáp treo Hòn Thơm - Phú Quốc. |
Du khách Thúy Thường (TP.HCM) cũng có nhận định tương tự. Chị cho biết ở Phú Quốc có nhiều công trình lớn, khách sạn mọc lên như nấm nên bãi biển bị chiếm hết.
"Chi phí cao, ít hoạt động vui chơi, trải nghiệm chuyến đi vừa rồi không tốt, tôi không có dự định sẽ trở lại Phú Quốc lần hai", nữ du khách bày tỏ.
Đến với Phú Quốc, nhiều du khách chọn tour đảo với hy vọng được tham quan, khám phá những địa điểm đẹp. Tuy nhiên, bên cạnh tình trạng hét giá, nhiều phía làm tour cũng mang đến trải nghiệm không tốt đến với du khách.
Du khách này nhận xét nơi đây du lịch hóa một cách quá mức, tour đảo được làm như thể lùa vịt. "Mình thuê cano riêng để di chuyển, điểm đến đầu tiên là chỗ ngắm san hô "bảo tồn" với mức giá một triệu đồng/người. Cả đoàn ngạc nhiên và từ chối thì dẫn tour tỏ thái độ không mấy vui vẻ", anh Thanh nói
Sau đó đoàn được chở đến các địa điểm khác chụp ảnh check-in trong thời gian ngắn. Nam du khách nhận xét các điểm tham quan khá nhỏ, không mấy thú vị, chỉ duy nhất hoạt động bơi lặn ngắm san hô ở bãi miễn phí là thoải mái.
"Mình đã hy vọng sẽ có được những trải nghiệm 'thiên nhiên' nhưng không được như ý muốn. Các địa điểm khá nhỏ, lượng khách nhiều dẫn đến mất chất lượng tour", anh Thanh cho biết. Chi phí ăn uống khá cao, cách làm du lịch chưa tốt khiến nam du khách dự định sẽ đến những chỗ khác thay vì hòn đảo này.
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.