Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phúc lợi đặc biệt dành cho Song Joong Ki và vợ

Song Joong Ki và người vợ quốc tịch Anh sẽ được hưởng nhiều quyền lợi khi trở thành gia đình đa văn hóa theo luật pháp Hàn Quốc.

Song Joong Ki thông báo đã đăng ký kết hôn với Katy Louise Saunders và chờ đón con đầu lòng.

Hôm 30/1, Song Joong Ki thông báo anh và diễn viên người Anh Katy Louise Saunders đã đăng ký kết hôn hợp pháp tại Hàn Quốc trong một bức thư trực tuyến gửi người hâm mộ.

Theo Korea Herald, cặp vợ chồng đủ điều kiện nhận trợ cấp theo các chương trình gắn liền với Đạo luật Hỗ trợ Gia đình Đa văn hóa của chính phủ Hàn Quốc, bao gồm giảm 25% hóa đơn điện thoại, được ưu tiên khi cho con vào nhà trẻ công, theo học trường quốc tế.

Các phúc lợi

Theo Danuri Portal, trang web cung cấp thông tin và hỗ trợ các gia đình đa văn hóa, gia đình đa văn hóa là hộ có vợ hoặc chồng mang quốc tịch nước ngoài hoặc nhập tịch Hàn Quốc.

Danuri Portal được điều hành bởi Viện Sức khỏe Gia đình Hàn Quốc, tổ chức công trực thuộc Bộ Bình đẳng giới và Gia đình.

Trẻ em sinh ra trong các gia đình đa văn hóa được phép đăng ký vào các trường quốc tế mà không có nhiều điều kiện ràng buộc. Công dân Hàn Quốc phải hoàn thành ít nhất 3 năm giáo dục ở nước ngoài một cách hợp pháp để đăng ký vào những ngôi trường này, trong khi con cái của các gia đình đa văn hóa sẽ được đặc cách.

song joong ki cuoi vo anh 1

Nghệ sĩ graffiti Chris Shim lấy chủ đề đa văn hóa làm cảm hứng cho loạt tranh tường ở thành phố Seoul. Ảnh: Jun Michael Park/Foreign Policy.

Các trường quốc tế được coi là những tổ chức giáo dục có uy tín ở Hàn Quốc vì cung cấp một chương trình giảng dạy toàn cầu.

North London Collegiate School Jeju, Branksome Hall Asia, St. Johnsbury Academy Jeju và Korea International School là một số trường quốc tế uy tín dành cho học sinh 8-19 tuổi.

Trẻ em từ các gia đình đa văn hóa cũng nhận được lợi ích khi vào trường đại học với nhiều tổ chức cung cấp cơ hội nhập học sớm. Họ cũng được ưu tiên khi đến các trung tâm chăm sóc ban ngày do nhà nước điều hành, nơi thường có danh sách chờ đợi dài.

Để cải thiện sinh kế của các gia đình đa văn hóa, chính phủ Hàn Quốc còn giảm giá tiền điện, nước và hóa đơn y tế. Các hộ gia đình đủ điều kiện đăng ký và được giảm 25% hóa đơn điện thoại di động hàng tháng.

Đối với những gia đình có thu nhập thấp, họ được ưu tiên khi đăng ký thuê nhà công. Lợi ích cho vay cũng được cung cấp, hỗ trợ bằng các sản phẩm lãi suất thấp trong đám cưới, giáo dục trẻ em, hóa đơn bệnh viện...

Gia đình đa văn hóa trong xã hội Hàn Quốc

Số liệu được công bố đầu năm nay cho thấy số lượng thành viên hộ gia đình đa văn hóa tại Hàn Quốc không ngừng tăng lên, vượt qua con số 1,12 triệu người. Trong số đó, 40% đã ở Hàn hơn 15 năm, 25% trên 50 tuổi và 10,9% là thành viên của các gia đình đơn thân.

Một nghiên cứu giữa năm 2022 của Bộ Giáo dục và Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc công bố số lượng học sinh từ các gia đình đa văn hóa đã tăng lên trong 10 năm liên tiếp.

Cụ thể, số học sinh thuộc các gia đình đa văn hóa đã tăng 5,4%, từ 160.058 năm 2021 lên 168.645 trong năm 2022. Con số này đã tăng đều đặn kể từ khi nghiên cứu được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2012.

Tính đến tháng 4/2022, 111.640 học sinh thuộc các gia đình đa văn hóa đang theo học tại các trường tiểu học, 39.714 học sinh trung học cơ sở, 16.744 học sinh trung học phổ thông.

Trong số học sinh, 32,4% có cha hoặc mẹ là người Việt Nam, 24,3% là người Trung Quốc, 9,6% là người Philippines, 7,1% là người Hàn Quốc gốc Hoa và 4,7% là người Nhật Bản.

song joong ki cuoi vo anh 2

Số lượng hộ gia đình đa văn hóa không ngừng tăng ở Hàn Quốc. Ảnh: Kim Hong Ji/Reuters.

Tuy nhiên, trẻ em có nguồn gốc đa văn hóa sống ở Hàn Quốc phải đối mặt nhiều trở ngại, thường phải vật lộn với sự phân biệt chủng tộc và văn hóa ở trường học, không thể theo đuổi ước mơ do thiếu sự hỗ trợ trong việc lập kế hoạch nghề nghiệp.

Một cuộc khảo sát 3 năm một lần giữa các gia đình đa văn hóa được thực hiện vào năm 2018 cho thấy những đứa trẻ có bố hoặc mẹ là người nước ngoài thường gặp khó khăn ở trường học do rào cản ngôn ngữ, sự phân biệt đối xử từ bạn bè cũng như giáo viên.

Để khắc phục tình trạng này, chính phủ Hàn Quốc công bố nhiều chính sách hỗ trợ, không chỉ đối với các bậc cha mẹ, mà còn hướng đến con cái thuộc mọi độ tuổi.

Với số lượng ngày càng tăng của các gia đình đa văn hóa, chính phủ có kế hoạch công bố chính sách tổng thể liên quan đến người nhập cư và con cái người nhập cư từ năm 2023 đến năm 2027 vào tháng 3 tới.

Các chính sách liên quan đến gia đình đa văn hóa cho đến nay thường tập trung vào việc sắp xếp định cư cho những người nhập cư đến Hàn Quốc và kết hôn với người Hàn.

Nhưng từ năm nay, chính phủ sẽ chú trọng vào việc tăng cường hỗ trợ cho trẻ em có nguồn gốc đa văn hóa, đáp ứng nhu cầu của các thành viên ở những nhóm tuổi khác nhau, từ trẻ sơ sinh và học sinh đến người tìm việc.

Kế hoạch cũng được thiết kế để đảm bảo một vạch xuất phát bình đẳng cho trẻ em và thanh thiếu niên đa văn hóa.

Song Ji Eun, trưởng phòng chính sách gia đình đa văn hóa tại Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, cho biết: "Số lượng trẻ em trong độ tuổi đi học từ các gia đình đa văn hóa đang tăng lên nhanh chóng, nhưng khoảng cách về giáo dục ngày càng lớn. Mặc dù sự phân biệt đối xử với người nhập cư ngày càng ít, sự chấp nhận đa văn hóa còn thấp trong xã hội vẫn là một vấn đề cần giải quyết".

Vì sao Song Hye Kyo bị nhắc tên liên tục khi Song Joong Ki tái hôn

Người hâm mộ Song Hye Kyo kêu gọi truyền thông ngừng nhắc tên nữ diễn viên trong các bài báo liên quan đến chồng cũ Song Joong Ki.

Mạng xã hội dành cho người yêu sách

Các nền tảng dành cho người yêu sách ngày càng phát triển với nhiều tính năng khác nhau như Goodreads, Litsy, LibraryThing. Không chỉ là nơi kết nối, giao lưu, đây còn là nơi có thể giúp người dùng theo dõi thói quen đọc sách, ghi chép lại thời gian đọc hay tạo nên một không gian ảo cùng các tiện ích để người dùng vận dụng những kiến thức trong sách tổng hợp thành một bài viết.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm