Mulan là bộ phim người đóng được chuyển thể từ tác phẩm hoạt hình cùng tên ra mắt năm 1998 của Walt Disney. Nhân vật chính trong phim là Mộc Lan, cô gái dũng cảm giả trai, thay cha tòng quân.
Bộ phim đánh dấu lần đầu tiên một bộ phim điện ảnh của Walt Disney có dàn diễn viên chính hùng hậu gồm những tên tuổi châu Á nổi tiếng như Lưu Diệc Phi, Củng Lợi, Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Trịnh Phối Phối…
Tranh cãi từ cách nghiên cứu trang phục
Ngày 10/3, tại thảm đỏ sự kiện ra mắt Mulan tại Hollywood, Bina Daigeler - nhà thiết kế trang phục cho phim - đã chia sẻ với báo chí cách cô nghiên cứu và thu thập dữ liệu văn hóa Trung Quốc để phục vụ cho công việc của mình.
Bina Daigeler là phụ nữ da trắng, sinh trưởng tại Đức và chủ yếu làm việc tại Tây Ban Nha. Cô nói với Variety: “Chúng tôi đã tiến hành rất nhều nghiên cứu cho bộ phim.
Nhà thiết kế Bina Daigeler trong sự kiện ra mắt phim Mulan. Ảnh: Getty Images. |
Tôi đã tới châu Âu, ghé thăm mọi bảo tàng có khu vực trưng bày hiện vật văn hóa Trung Quốc. Sau đó, tôi tới Trung Quốc và ở lại đây trong ba tuần”.
Sara Li, phóng viên gốc Á của Teen Vogue cho rằng phát biểu của Bina Daigeler về cách nhà thiết kế nghiên cứu và thiết kế các trang phục trong Mulan chỉ dừng lại ở mức “du học sinh tới Trung Quốc nghiên cứu và nghĩ mình là chuyên gia văn hóa Á Đông”.
Cũng theo Sara Li, phương pháp nghiên cứu của Daigeler gây nhiều tiếc nuối. Bởi chỉ vài chuyến viếng thăm viện bảo tàng và ba tuần tại Trung Quốc quá ngắn ngủi để tìm hiểu rõ.
Nữ phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi: Đằng sau máy quay, đoàn làm phim Mulan thực sự đã chiêu mộ bao nhiêu tài năng gốc Á? Qua trang thông tin điện ảnh IMDb, khán giả phát hiện ra không chỉ vị trí thiết kế phục trang mà phần lớn thành phần đoàn phim đều không phải các gương mặt gốc Á.
Tại thời điểm mà đa dạng sắc tộc trên màn ảnh và bình đẳng sắc tộc trong cơ hội tiếp cận việc làm đang là vấn đề nhức nhối, khán giả mong muốn được thưởng thức một bộ phim làm về nữ anh hùng gốc Á không chỉ có những gương mặt gốc Á trên màn ảnh, mà còn được sản xuất bởi những con người sinh trưởng trong cái nôi văn hóa ấy.
“Thứ chúng ta đang chứng kiến là một vấn đề ngày càng nghiêm trọng của Hollywood. Các hãng phim muốn kể một câu chuyện đa sắc tộc trên màn ảnh, nhưng lại không thể hoặc không muốn để điều đó thực sự xảy ra sau máy quay”, nhà xã hội học Nancy Wang Yen nói với NBC News.
Trang phục lấy cảm hứng từ thời nhà Đường
“Tôi tập trung vào việc mô phỏng một cách chính xác những đặc trưng của văn hóa Trung Quốc”, Bina Daigeler chia sẻ trong bài phỏng vấn với Vox ngày 2/9.
Nhà thiết kế cho biết những mẫu quần áo trong Mulan được lấy cảm hứng chủ yếu từ trang phục nhà Đường. Trang phục của phụ nữ nhà Đường thường có phần tay áo dài, eo quấn đai cao và gấu váy dài chạm đất. Nhà thiết kế cũng cho biết kiến trúc và cốt truyện của Mulan được xây dựng dựa trên các đặc trưng của thời kỳ này.
Váy áo của các nhân vật trong Mulan đều vô cùng rực rỡ với ít nhất 5 sắc màu. Ảnh: Disney. |
Bina Daigeler muốn đưa sự rực rỡ và tinh tế vào thế giới của Mulan thông qua bộ trang phục các nhân vật khoác lên mình. Để tăng tính chân thực, phần lớn các trang phục trên phim đều được nhuộm, thêu và cắt may thủ công.
Trong những cảnh phim diễn ra trên chiến trường và trại huyến luyện, Daigeler đã chọn những trang phục sáng màu, bắt mắt cho các nhân vật để thêm vào khung cảnh cảm giác sống động và vui vẻ.
Trang phục thời Đường đặc trưng bởi những gam màu tươi sáng và chất vải mềm nhẹ; quan quân và binh lính triều đình sẽ mặc những bộ đồng phục mang màu sắc chủ đạo tím, xanh lơ, xanh lá và đỏ. Phụ nữ thời Đường cũng thường mặc những trang mục nhiều hơn năm màu.
“Bạn sẽ không trông thấy những gam trung tính trên phim. Chúng tôi có một bộ phận đông đảo với nhiệm vụ nhuộm vải và lựa chọn những kết hợp màu phù hợp.
Một vài thành viên đoàn phim sợ rằng các trang phục đang bị lòe loẹt, nhưng đó mới chính là sự phản chiếu những đặc trưng của thời nhà Đường” – Daigeler nói.
Chuyên gia nhận xét gì về các trang phục trong phim
Gong Pan Pan là người Hoa gốc Singapore. Cô là chủ website Hanfu Girl chuyên đăng ảnh chụp, nghiên cứu, các bài viết về văn hóa truyền thống cũng như lịch sử trang phục Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn Vox vào tháng 2, Gong Pan Pan cho rằng: “Disney đang muốn giành lấy thiện cảm của lớp khán giả rộng hơn những người sinh ra và lớn lên tại Trung Quốc.
Sắc đỏ rực rỡ trên quân phục của Mộc Lan đặc biệt thu hút ánh nhìn của khán giả. Ảnh: Disney. |
Họ cũng đang cố gắng thu hút sự quan tâm của những người gốc Á và người Mỹ sinh ra tại nước ngoài. Nhóm khán giả này có thể không đủ kiến thức để nhận ra sự khác biệt tinh tế giữa các giai đoạn lịch sử khác nhau của Trung Quốc và chỉ có thể diễn giải dưới góc nhìn phương Tây”.
Gong Pan Pan cũng đưa ra một vài nhận xét ở góc độ nhà nghiên cứu về các trang phục được sử dụng trên phim Mulan. Ví dụ, bộ đồ màu đỏ đặc trưng mà khán giả thấy Mộc Lan mặc ở trại lính và trên chiến trường được nhận xét là không đại diện cho một giai đoạn lịch sử cụ thể nào.
“Thuở ấy, không khó để người ta nhuộm ra loại vải có màu đỏ. Trong văn hóa Trung Quốc, đỏ luôn là một trong những màu sắc trung tâm và mang nhiều ý nghĩa. Mộc Lan và đồng đội mặc đồ màu đỏ có thể để là tượng trưng cho sự trung thành với thiên tử hoặc đơn giản là để phân biệt họ với những bộ tộc khác”, cô nói.
Trong khi đó, bộ đồ Mộc Lan mặc khi đi gặp bà mối bị nhận xét là “pha trộn quá nhiều yếu tố, từ những hình thêu cho tới cấu trúc trang phục. Mộc Lan trông như thể hoàng hậu hay tiểu thư thuộc giới quý tộc. Bộ trang phục có một chút lạc lõng so với những trang phục mà một người ở giai cấp của cô được phép khoác lên người”.
Bộ cánh cầu kỳ kể trên được Daigeler kết hợp từ đặc trưng của nhiều kiểu trang phục khác nhau trong lịch sử Trung Quốc. Cô muốn dùng bộ trang phục để tôn những đường cong trên cơ thể người mặc và nhấn mạnh cảm giác nữ tính. Bộ trang phục cầu kỳ đã tiêu tốn của tổ phục trang nhiều tuần thực hiện.
Hình ảnh Tulou, ngôi nhà lạc thời, lạc chốn trong trailer Mulan. Ảnh: Disney. |
Bên cạnh tranh cãi về trang phục, hồi tháng 7, sau khi đoạn video quảng bá cho Mulan được phát hành, khán giả Trung Quốc nhanh chóng chỉ ra kiến trúc trong một cảnh phim chưa chính xác với thực tế lịch sử và văn hóa.
CNN đưa tin những tòa nhà hình trụ tròn xuất hiện trong trailer được gọi là Tulou, di sản văn hóa kiến trúc của tỉnh Phúc Kiến nằm ở phía Đông Nam Trung Quốc.
Không chỉ sai lệch về mặt địa lý khi Mộc Lan sinh ra ở miền Bắc, Tulou chỉ trở nên phổ biến từ thế kỷ XV, muộn hơn 10 thế kỷ so với thời đại của Mộc Lan (tương truyền cô sống ở thế kỷ thứ V).
Giữa tháng 8, poster phiên bản tiếng Trung của Mulan cũng bị khán giả Trung Quốc phản đối dữ dội ngay khi mới công bố. Khán giả đánh giá tấm poster có bố cục, hình ảnh cũ kỹ và không xứng đáng với bom tấn trị giá 200 triệu USD.