Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phương Anh: Cô thiếu tá theo đạo Hồi hát 'Em ơi Hà Nội phố'

Gần như “mất tích” trên thị trường âm nhạc suốt hơn hai năm qua, Phương Anh bất ngờ quay lại với album "Nỗi nhớ mùa đông - 
Tình khúc Phú Quang".

Những tình khúc buồn cùng hình ảnh vương sầu giăng khắp các phương tiện thông tin đại chúng và một vài tin đồn chuyện đời tư khiến nhiều người yêu mến, quan tâm đến Phương Anh phải suy diễn: chắc hôn nhân thất bại nên mới đi hát trở lại!

Gặp Phương Anh vào một chiều đẹp trời tại trung tâm TP HCM mới biết “đời không như tin đồn”. Cô cười tươi rói, tíu tít kể chuyện chồng con. Chuyện gia đình của một người theo đạo Hồi, mang hàm thiếu tá như Phương Anh lâu nay luôn là một “ẩn số” với nhiều người.

Phương Anh.


Ai cũng nghĩ cô ca sĩ nổi lên từ cuộc thi Sao Mai - điểm hẹn 2004 đã giải nghệ khi lấy chồng và theo đạo của chồng. “Có khán giả còn e ngại tôi phải mang mạng che mặt khi lên sân khấu hát” - Phương Anh cười xòa kể.

Gia đình nhà chồng Phương Anh gốc Pakistan (mẹ chồng là người Việt) và rất trọng đạo. Dẫu vậy, ai cũng yêu quý giọng ca và tôn trọng nghề nghiệp của Phương Anh.

“Tôi cũng trọng đạo nhưng may mắn được sự thông cảm của gia đình nên khi lên sân khấu tôi vẫn được là chính tôi, là một nghệ sĩ” - Phương Anh tâm sự.

Việc vắng mặt, không hoạt động sôi nổi trong mấy năm qua của Phương Anh chỉ vì bản thân cô muốn lùi về, muốn trải nghiệm những gì đẹp đẽ nhất của người phụ nữ: làm vợ và làm mẹ.

Cô nói: “Việc chăm sóc hai con sinh đôi, một trai một gái, đã chiếm gần như toàn bộ tâm trí và thời gian của tôi gần ba năm qua. Cộng với cha chồng mất đột ngột, việc gia đình cũng cần thu xếp lại nên tôi chưa thể đi hát thường xuyên như ngày trước”.

Ba chồng mất, chồng phải quay về TP HCM để cáng đáng công ty gia đình, thế là gia đình nhỏ của Phương Anh “chia đôi”: con gái ở Hà Nội với mẹ, con trai ở TP HCM với ba.

Hỏi vì sao không dọn hẳn vào Sài Gòn để sống cùng chồng, Phương Anh bảo: “Tôi không muốn phụ lòng các “đồng chí” của mình”.

16 tuổi, Phương Anh đã được tuyển vào Đoàn văn công Quân chủng hải quân, học thanh nhạc tại Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội, tham gia nhiều cuộc thi hát và vẫn gắn bó với hải quân. Phương Anh hiện mang quân hàm thiếu tá và giành nhiều HCV trong các đợt hội diễn toàn quân.

“Cơ quan luôn tin tưởng, nâng đỡ và tạo rất nhiều cơ hội cho tôi. Đoàn văn công hải quân hiện chưa có văn phòng ở Sài Gòn nên nếu dọn hẳn vào đây sinh sống thì tôi sẽ không thể làm việc cho đoàn nữa.

Tôi thật sự không muốn rời xa Hà Nội hay Đoàn văn công hải quân - nơi mình đã gắn bó gần 20 năm qua...” - cô trải lòng khi đã một đôi lần “Nam tiến” nhưng rồi lại nhanh chóng quay về Hà Nội.

Giọng dày, trầm ấm, sự chân thành, giản dị cùng những trải nghiệm phong phú của một nghệ sĩ - chiến sĩ, của một người vợ - người mẹ đã giúp Phương Anh “hát như không” những tác phẩm không dễ thể hiện của Phú Quang, từng được rất nhiều ca sĩ thế hệ trước hát thành công: Em ơi Hà Nội phố, Gửi bạn nơi xa, Mẹ, Một dại khờ, một tôi, Mùa thu giấu em, Nỗi nhớ mùa đông, Romance, Về lại phố xưa, Chuyện bình thường (7), Dương cầm lạnh.

“Việc ra một sản phẩm mới không có nghĩa là tôi sẽ xuất hiện ồ ạt trở lại, nhưng đây sẽ là lực đẩy để tôi tiếp tục với những dự án âm nhạc khác trong tương lai” - giọng ca gốc Hải Phòng nói.

“Khi cô ấy hát, cảm giác đầu tiên của tôi là ngạc nhiên, thoáng chút sững sờ. Cô ca sĩ nhỏ bé của ngày xưa bây giờ đã hát với tâm thức của một người đàn bà hát" - Nhạc sĩ Phú Quang

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20151205/phuong-anh-co-thieu-ta-theo-dao-hoi-hat-em-oi-ha-noi-pho/1015147.html

Theo Quỳnh Nguyễn/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm