Những năm gần đây, danh ca Phương Dung thường xuyên về Việt Nam hoạt động. Bà sống ở Úc lẫn Mỹ nhưng ca hát chủ yếu ở châu Âu. Phóng viên Zing.vn gặp “Nhạn trắng Gò Công” vào những ngày đầu năm, bà thong dong trải lòng về dòng nhạc tâm huyết và cuộc sống hiện tại.
Đàm Vĩnh Hưng và Cẩm Ly đưa nhạc bolero đến gần khán giả trẻ
Phương Dung kể Tết năm nào bà cũng tranh thủ về quê nhà vì không khí nơi đây ấm cúng và hạnh phúc. Ở nước ngoài cũng có hoa mai, hoa đào và bánh chưng nhưng lại thấy lạc lõng, khác với cảm giác được hiện diện trên quê hương. “Ở Mỹ vẫn đón Tết nhưng tôi thấy buồn nên dù bận rộn cỡ nào cũng phải về Việt Nam”, bà nói.
Một vài năm trở lại đây, truyền hình thực tế trong nước phát triển, tạo điều kiện cho các ca sĩ hải ngoại về Việt Nam hoạt động. Thế nhưng, lại có ý kiến cho rằng các nghệ sĩ ấy đang “lợi dụng” cơ hội để PR tên tuổi và kiếm tiền.
Nghe vậy, nữ danh ca nói: “Tôi về Việt Nam nhiều để làm các chương trình từ thiện. Thời gian tôi đứng trên sân khấu không còn nhiều. Tôi muốn có những thước phim để con cháu tôi biết về quê hương, xứ sở. Nhưng nếu người ta nói rằng tôi đang lợi dụng game show để được đi hát thì tôi không đồng ý”.
Mới đây, khi bolero trở nên phổ biến và được yêu chuộng nhiều hơn, các nhà sản xuất cũng tranh thủ mời các giọng ca nổi tiếng về nước làm giám khảo. Trước sự thay đổi của thị trường, Phương Dung vui mừng xen lẫn tự hào. Bà cho biết dòng nhạc trữ tình có hơn 8.000 ca khúc nhưng chỉ mới được phép chưa đến 200 bài.
“Tôi rất xúc động và cảm ơn ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Cẩm Ly. Họ là người đầu tiên xin cấp phép cho 2 bài hát của dòng nhạc này. Nhờ đó, khán giả trẻ tò mò nên mới tìm nghe lại nhạc bolero.
Những ca sĩ bây giờ tuy không cùng thế hệ nhưng với tôi nhưng họ đã có công lôi kéo giới trẻ tìm về dòng nhạc xưa”, bà không giấu niềm vui.
Thế nhưng, có không ít người nghe phản ánh ca sĩ trẻ hiện chỉ chạy theo trào lưu, chưa thật sự thẩm thấu tinh thần bài hát. Lý giải điều này, danh ca Phương Dung bảo ngày xưa nhạc sĩ họ viết ca khúc cho một ca sĩ hát. Thế nên, nhạc sĩ truyền đạt tâm tư, nguyện vọng cho ca sĩ để họ thể hiện đúng nguyên bản.
Bà tâm sự thêm ngày xưa nhạc sĩ thường lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của họ ngoài đời để viết nhạc. Phương Dung nói bà quen với nhạc sĩ Anh Bằng nên khi ông viết bài Anh còn nợ em và Linh hồn tượng đá, bà biết ông viết cho ai. Bởi thế, ca sĩ ngày ấy hát bằng cả trái tim, “rút cả ruột gan” để truyền tải thông điệp.
“Còn bây giờ các ca sĩ trẻ họ chỉ nghe lại và copy nhưng không được 80%. Họ hát Bolero để làm mới mình nên không được truyền cảm và chưa được hay. Đôi khi, các em hát theo ca sĩ Hoàng Oanh, Giao Linh… nhưng lại hát sai lời”, bà nói thêm.
Dứt lời, bà ngân một đoạn trong bài Tha la xóm đạo của nhà thơ Vũ Anh Khanh rồi bảo thời của bà, giọng hát rất đơn sơ nhưng lại chất chứa nhiều tâm sự.
'Mua mảnh đất trồng rau, nấu cơm cho người nghèo'
Cả đời chỉ hát nhạc xưa, bởi thế khi nghe người ta nói bolero là “bò leo rào”, danh ca Phương Dung rất giận. Bà bảo dòng nhạc này len lỏi vào đường tơ kẽ tóc, thấm vào tim vào máu một cách nhẹ nhàng nhưng đầy thổn thức.
Lời bài hát cũng đầy chất thơ như Anh đừng hẹn hay Chuyến đò không em, ca từ ẩn chứa sự tinh tế, sâu xa mà không phải ai nghe cũng hiểu.
Thế nhưng, giận cũng chẳng được gì, bà chỉ biết gửi trọn tình yêu của mình vào trong từng bài hát và sẽ giữ tình yêu thủy chung với bolero cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Từ nhiều năm nay, bà về Việt Nam sống cùng với chồng. Phương Dung mua mảnh đất nhỏ, tự trồng rau và chăm sóc khu vườn. Cứ mỗi tháng, bà tự tay nấu cơm mang đến bệnh viện chia sẻ với người nghèo.
Hỏi bà tuổi này sao không nghỉ ngơi lại phải cực nhọc đến thế, cứ ủng hộ tiền bạc rồi sẽ có người làm giúp. Bà lắc đầu nói ngày còn sống, ba bà thường dặn thà đừng cho gì cả, nhưng một khi đã cho, phải làm bằng tất cả sự tử tế.
'Nhạn trắng Gò Công' cười tươi trước khi kết thúc câu chuyện: “Tôi cũng biết xài tiền chứ, nhưng nghĩ lại còn biết bao người đang chờ mình, nên quyết làm thì phải từ tâm”.