Anh Bình là một trong số hàng nghìn bệnh nhân được ghép tế bào gốc tạo máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội). Không chỉ nhắc tới anh Bình, suốt cuộc trò chuyện với Zing, bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, có thể kể rành rọt về từng bệnh nhân của mình với niềm vui khó che giấu.
Tiến bộ vượt bậc của nhân loại
Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ảnh: CT. |
- Xin bác sĩ cho biết tế bào gốc là gì? Tại sao ghép tế bào gốc có thể chữa được bệnh?
- Tế bào gốc là nguyên thủy nhất của cơ thể, có thể biến đổi thành nhiều tế bào của các cơ quan khác nhau. Tế bào gốc tạo máu là loại tế bào có thể biến đổi thành tế bào máu mang chức năng khác nhau như hồng cầu để vận chuyển oxy, tiểu cầu chống chảy máu, bạch cầu tạo miễn dịch bảo vệ cơ thể.
Từ khi hiểu rõ vai trò của tế bào gốc tạo máu trong cơ thể cũng như cơ chế tổn thương tế bào gốc với các bệnh về máu, người ta đã tìm cách thay thế những tế bào gốc bị bệnh bằng loại khỏe mạnh để giúp khắc phục triệu chứng do bệnh gây ra.
Ghép tế bào gốc tạo máu là một trong những tiến bộ vượt bậc của nhân loại ngày nay. Nhờ ghép tế bào gốc tạo máu, nhiều trường hợp bệnh nan y đã có khả năng chữa khỏi với 2 cơ chế.
Thứ nhất, khi ghép vào cơ thể, tế bào gốc đó sinh máu sẽ hỗ trợ việc truyền hóa chất mạnh hơn, nhằm tiêu diệt tối đa tế bào ung thư. Mục tiêu thứ 2 là nhờ tế bào gốc của người hiến, tế bào sinh máu trong cơ thể bệnh nhân được hồi phục, đặc biệt là tế bào miễn dịch. Từ đó, quá trình hồi phục, khỏi bệnh được đẩy nhanh.
Ghép tế bào gốc tạo máu gồm ghép đồng loài (lấy tế bào gốc tạo máu người thân cùng huyết thống hoặc người cho không cùng huyết thống truyền cho người bệnh), ghép tự thân (lấy khối tế bào gốc tạo máu của người bệnh được thu gom và lưu trữ, sau đó truyền trả lại cho người bệnh).
Ghép tự thân là dùng tế bào gốc của bệnh nhân ghép cho họ nên chỉ hỗ trợ quá trình truyền hóa chất. Điều này giúp vượt qua giai đoạn tủy tổn thương rất sâu, tức là chỉ đẩy lui được bệnh chứ không thể khỏi hoàn toàn. Để khỏi được bệnh, phải đảm bảo mục tiêu thứ 2 kể trên. Điều đó có nghĩa chỉ ghép đồng loài, người mắc mới khỏi bệnh.
- Nhiều người nghĩ rằng ung thư là chết. Ung thư máu lại càng khó sống hơn. Bác sĩ nghĩ sao về điều này?
- Hầu hết nhóm bệnh ung thư máu khi dừng lại ở điều trị hóa chất, người mắc chỉ đẩy lui được bệnh, thời gian ngắn hay dài tùy thuộc vào từng thể bệnh. Nếu chỉ dừng lại ở đó, không có những phương pháp tích cực, bệnh nhân thường không thoát khỏi tử thần. Ung thư máu khó hơn bởi có những biến chứng nhanh. Nhưng như đã nói, bệnh nhân ung thư máu vẫn có thể khỏi bệnh khi ghép tế bào gốc đồng loài.
Thực tế, rất nhiều bệnh nhân có cơ hội sống lâu. Khả năng cũng như tỷ lệ khỏi bệnh khác nhau, phụ thuộc từng thể, tình trạng bệnh nhân cũng như tình trạng trước khi đi vào ghép. Nếu bệnh nhân có chỉ định, kế hoạch ghép sớm, xác suất điều trị khỏi cao hơn.
Trên thế giới, với nhóm bệnh ác tính, một trong những biến chứng vẫn làm đau đầu các nhà khoa học là bệnh nhân tái phát tình trạng ác tính, có thể dẫn tới tử vong và thất bại của việc ghép tế bào gốc. Nhưng bằng những tiến bộ trong quy trình ghép, phương pháp, chiến lược mới, ví dụ điều trị dự phòng tái phát sau ghép, thuốc mới..., tỷ lệ thành công trên thế giới đã cao hơn, khoảng 70-80%.
Hiện tại, ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư máu gộp chung các giai đoạn có cơ hội khỏi chiếm 60%. Với những nhóm lành tính, cơ hội chữa khỏi cao hơn, đạt 70-80% nếu điều trị kịp thời, đúng thời điểm và có kế hoạch tốt cho bệnh nhân.
Anh Lâm Tiến Bình chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khó khăn của mình. Ảnh: Công Thắng. |
Như được sinh ra lần thứ 2
- Chắc hẳn có nhiều bệnh nhân đã được sống khỏe mạnh như vậy?
- Một trường hợp mà tôi rất nhớ là bé gái - con 2 người đồng nghiệp của tôi. Bé được chẩn đoán suy tủy xương vào năm 2013. Cùng năm đó, cha của bé qua đời vì ung thư gan. Trước khi mất, anh nói với vợ tâm nguyện muốn con gái được ghép tủy tại viện chúng tôi. Trước đó, họ sinh thêm một bé trai và lưu trữ máu dây cuống rốn tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).
Với sự tin tưởng của người cha đã khuất, chúng tôi quyết tâm nhưng cũng thấy rất áp lực khi thực hiện ca ghép cho bé. Tỷ lệ tử vong liên quan ghép có thể lên đến 20-30% tuỳ phương pháp ghép. Thêm nữa, liều tế bào gốc đơn vị máu dây rốn đã có chưa đủ cho cháu bé.
Ê-kíp từ Bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ gây mê và lấy thêm tế bào gốc ở tủy xương của em trai lúc đó mới gần 4 tuổi. Với bé này, trong quá trình ghép cũng không thuận lợi hoàn toàn, vì liều tế bào gốc ở tủy xương và máu dây rốn có được thấp hơn máu ngoại vi nên mảnh ghép chỉ đạt 70-80% trong những tháng đầu sau ghép. Nhưng dần đến tháng thứ 9, mảnh ghép của cháu ổn định và xét nghiệm máu hoàn toàn bình thường.
Sau 6 năm ghép, bé rất hạnh phúc vì có thể tự đạp xe đến trường, việc trước đó bé không thể làm. Mẹ cháu cho biết cháu học giỏi môn sinh, quyết tâm thi vào ngành y. Tôi rất mừng.
Một bệnh nhân khác bị ung thư máu khi vợ vừa sinh con. "Quan điểm của em là sẽ sống mãi để con biết cha hoặc con sẽ không bao giờ biết tới cha luôn" – bệnh nhân quyết tâm ghép tế bào gốc từ em trai. Thành quả là bây giờ, bạn trở về hoạt động bình thường, sống với vợ con hạnh phúc.
Lưu trữ tế bào gốc máu dây rốn tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ảnh: Công Thắng. |
- Nhưng thực tế, quá trình ghép cũng không hẳn dễ dàng, người ghép tế bào gốc phải trải qua giai đoạn khó khăn như thế nào?
- Mặc dù đây là kỹ thuật điều trị hiện đại, hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, không phải không có một số biến chứng. Những biến chứng của ghép tế bào gốc đồng loại chủ yếu liên quan độc tính của phác đồ điều kiện hóa, nhiễm trùng do hậu quả của thuốc ức chế miễn dịch hay biến chứng ghép chống chủ cấp hay mạn và vấn đề tái phát bệnh.
Trong quá trình ghép tế bào gốc, người bệnh phải trải qua khoảng thời gian dài (1-3 tháng) trong phòng cách ly. Người bệnh phải vượt qua quá trình điều trị hóa chất liều cao, có tác dụng mạnh hơn. Điều này giúp tiêu diệt tế bào ác tính, tế bào miễn dịch tồn dư trong cơ thể, tạo điều kiện tốt để khi tế bào gốc vào cơ thể có thể phát triển ổn định. Hóa chất liều cao đồng thời cũng tiêu diệt các tế bào lành tính, dẫn đến tình trạng thiếu máu, nhiễm trùng, xuất huyết, viêm loét...
Đối với người bệnh, quá trình ghép tế bào gốc là hành trình đầy khó khăn và thử thách cả về tinh thần và thể chất. Nhiều người bệnh gọi đó là cuộc chiến "sinh tử", "như được sinh ra lần thứ 2".
Người bệnh thực sự rất cần thêm kiến thức từ các chuyên gia/bác sĩ để có biện pháp chăm sóc, duy trì sức khỏe. Đồng thời, họ cũng cần sự chia sẻ, động viên, được truyền thêm hy vọng và động lực từ những người bệnh đã ghép tế bào gốc để vượt qua cuộc chiến cam go bệnh tật.
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thành lập Câu lạc bộ Bệnh nhân ghép tế bào gốc là vì thế. Hy vọng rằng câu lạc bộ sẽ trở thành điểm tựa tinh thần của người bệnh, là cầu nối để đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc, hỗ trợ tốt hơn cho người bệnh ghép.