Có nhiều cách định nghĩa về lòng trắc ẩn, nhưng tựu trung phẩm chất này sẽ phát triển qua 3 giai đoạn: Thông cảm - nhận biết cảm xúc của người khác; đồng cảm - đặt mình vào vị trí của người khác và bắt đầu nảy sinh cảm xúc quan tâm; cuối cùng là muốn hành động để sẻ chia, giúp đỡ.
Từ cách khái quát trên, phụ huynh có thể tham khảo một vài gợi ý sau đây để giúp con trẻ nuôi dưỡng tình yêu thương và lòng trắc ẩn.
Gọi tên cảm xúc
Để nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, đầu tiên trẻ phải gọi tên được cảm xúc của mình và sử dụng vốn từ vựng phong phú để mô tả cảm xúc đó. Các nhà tâm lý học khuyên rằng cha mẹ nên tạo nhiều không gian để trẻ được nói ra cảm giác của mình, từ đơn giản đến phức tạp.
Cha mẹ có thể đưa ra nhiều câu hỏi tùy theo độ tuổi như: “Con đang cảm thấy buồn phải không?”, “Con có thấy hạnh phúc không?”. Với trẻ lớn hơn, phụ huynh có thể hỏi: “Tại sao con có cảm giác như vậy?”.
Cha mẹ nên tạo cơ hội để con nói và thể hiện cảm xúc của mình. |
Nhìn thấy những tình huống như một trẻ khác bị ngã, một chú chó bị nhốt, người đi đường ướt mưa, cha mẹ hãy đặt thêm câu hỏi nâng cao hơn để trẻ dần làm quen cách nhận biết cảm xúc của người khác: “Con cảm thấy thế nào?”, “Nếu con ở trong tình huống đó con sẽ ra sao?”, “Con từng gặp chuyện tương tự bao giờ chưa?”…
Việc cùng trẻ đọc sách hàng ngày và thảo luận về những tình huống trong sách cũng là cơ hội tốt giúp trẻ rèn luyện kỹ năng đoán cảm xúc của người khác, từ đó biết đặt mình vào vị trí của họ để suy nghĩ sâu sắc hơn. Khi nhận diện được cảm xúc bên trong, trẻ bắt đầu nảy sinh sự đồng cảm - nền tảng quan trọng để tiến tới nhân cách lớn là lòng trắc ẩn.
Cùng trẻ đọc sách hàng ngày và thảo luận về các tình huống trong sách là cách dạy trẻ về lòng trắc ẩn. |
Thực hành lòng trắc ẩn từ những hành động nhỏ nhất
Bất cứ hành động nào của trẻ hướng đến việc chia sẻ cảm xúc với người khác đều là biểu hiện của lòng trắc ẩn. Đó có thể là một cái ôm, thái độ an ủi, nhường đồ chơi, nói chuyện với bạn khi bạn đang buồn,… miễn là hành động đó được xây dựng từ sự cảm thông, đồng cảm.
Phụ huynh có thể cùng trẻ đọc sách, xem các chương trình truyền hình mang tính nhân văn, chia sẻ về những hành động đẹp như nhường đường cho xe cấp cứu, dắt người lớn tuổi qua đường, nhường ghế cho phụ nữ mang thai khi ngồi trong phòng chờ máy bay, trên xe buýt… Tất cả điều này là cơ hội để trẻ từng bước xây dựng lòng trắc ẩn.
Bất cứ hành động nào để chia sẻ cảm xúc với người khác đều là biểu hiện của lòng trắc ẩn. |
Đặc biệt, trẻ thường có thói quen bắt chước người lớn. Cách cha mẹ hành động và cư xử với người xung quanh sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhận thức của trẻ. Thầy Lester Stephens - Hiệu trưởng Trường mầm non và tiểu học Sài Gòn Pearl (ISSP) tại quận Bình Thạnh, TP.HCM - chia sẻ cha mẹ trong đời sống hàng ngày cần biết cách quản lý cảm xúc để làm gương cho con trẻ.
Thay vì tức giận, la mắng khi trẻ phạm lỗi, hãy biết lắng nghe, thể hiện sự đồng cảm với trẻ bằng những câu hỏi quan tâm như: “Mẹ hiểu”, “Mẹ biết là con đang rất buồn”, “Con có thể nói cho mẹ nghe chuyện gì đã xảy ra? Vì sao con buồn? Con đang suy nghĩ gì?”… Khi cha mẹ là người biết quan tâm chia sẻ, trẻ sẽ chủ động noi theo một cách tự nhiên mà không cần nhắc nhở.
Ngoài phạm vi gia đình, trường học cũng là nơi khơi dậy cho trẻ tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Thầy Lester Stephens chia sẻ thêm: “Một trường học nhân văn sẽ tạo ra một đứa trẻ nhân văn. Đó là lý do trường ISSP đã khởi xướng và đưa vào chương trình học những nội dung thiết thực như làm vườn trong khuôn viên trường; hoạt động Ngày thứ hai xanh giúp các em hiểu về việc canh tác thương mại và tác động đối với hành tinh; chương trình giáo dục ngoài trời tại Tà Lài cho phép học sinh trồng lúa, thu hoạch lúa và trao tặng gạo thu hoạch được đến những mảnh đời khó khăn”.
Vườn trường ISSP là nơi các em phát triển trách nhiệm, lòng trắc ẩn với thiên nhiên cũng như những người xung quanh. |
Theo thầy Stephens, học sinh cần hiểu được vai trò của mình với thế giới và những gì con có thể làm để biến thế giới trở thành nơi tốt đẹp hơn cho mọi người. “Chúng tôi luôn tin rằng hành động nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực cho những người xung quanh là một phần quan trọng để trở thành người có ích cho xã hội, giàu lòng nhân ái và tình yêu thương”, thầy Lester Stephens nhận định.
Bình luận