Bagan từng là kinh đô hưng thịnh nhất của vương quốc Pagan giai đoạn thế kỷ 11-13, và là nơi đầu tiên thống nhất các lãnh chúa, hợp thành đất nước Myanmar ngày nay. Hơn 14.000 ngôi đền bằng đất nung đã sụp đổ sau những biến cố lịch sử và trận động đất năm 1975; nay chỉ còn hơn 2.000 ngôi đền dưới bóng bạt ngàn những cây nim và cây arabica, loại cây bóng mát tán rộng và có mùi thơm như hoa thiết mộc lan.
Dưới đây là 9 gợi ý cho bạn trải nghiệm một ngày ở Bagan.
Săn ảnh bình minh từ góc chụp trên cao
Dưới màn sương sớm dày đặc, xe ngựa đưa bạn đi qua những con đường mòn nhỏ và dừng trước ngôi đền Buledi - nơi lý tưởng để ngắm bình minh khi đến Bagan. Trèo lên những nấc thang đá dốc và cao, bạn sẽ lên đến vị trí lý tưởng ở gần chóp đền. Quanh đỉnh tháp, du khách tập trung đông đúc, chọn vị trí thuận lợi hướng về phía mặt trời sắp mọc. Trước chỗ đứng của mỗi người là những chiếc máy ảnh gắn sẵn trên giá đỡ của chân máy.
6h, mặt trời nhô lên từ phía chân trời, chiếu rọi những tia sáng đầu tiên, tạo ra những sắc màu khác nhau như đỏ hồng, da cam và vàng hổ phách; đồng thời xua tan lớp mây mù. Hàng nghìn chóp đền lớn nhỏ đặc trưng vùng Bagan hiện ra thấp thoáng phía xa, đỏ rực dưới ánh nắng ban mai.
Hàng nghìn chóp đền lớn nhỏ đặc trưng vùng Bagan hiện ra thấp thoáng phía xa. |
Chân trần vào đền viếng Phật
Ở Myanmar, trước khi bước vào các ngôi đền chùa, với lòng thành kính, mọi người phải tháo giày, dép, tất vớ và để ở bên ngoài. Những ngôi đền, chùa cổ ở Bagan được làm bằng gạch nung. Sân đền trải dài vài trăm mét hấp thụ nhiệt nóng bừng vào buổi trưa như muốn đốt cháy những đôi chân trần của các tín đồ Phật giáo và du khách.
Song khó khăn ấy không làm nản lòng những du khách phương xa, bởi những đền đài có nét đẹp quá huyền diệu qua thời gian. Các ngôi chùa đẹp đẽ với những bức tượng Phật khổng lồ trong tư thế ngồi xếp bằng và được dát vàng lấp lánh.
Tìm hiểu tục lệ cúng dường của người dân Myanmar
Đến với ngôi chùa Manuha, bạn sẽ thấy lạ lẫm trước chiếc chuông vàng to hơn một mét được đặt trên bệ xi măng ngay giữa gian phòng lớn của chùa. Cạnh tháp chuông là một chiếc thang bắc từ dưới đất lên miệng chuông.
Người Myanmar xem chùa như nhà, bởi nơi đây mang đến cho họ sự bình yên trong tâm hồn. Dù cuộc sống khó khăn, việc cúng dường cho đền chùa là niềm hạnh phúc của họ. Người dân địa phương xếp thành một hàng dài, từng người leo lên thang để thả tiền vào bên trong lòng chuông. Trước chuông có một nhóm người dân ngồi chờ cho bớt người rồi lên chuông, bỏ tiền vào.
Chiêm ngưỡng kiến trúc chùa Mahabodhi
Chùa Mahabodhi là một địa điểm nổi bật, có tên và kiến trúc rất giống với ngôi đền Bồ Đề Đạo Tràng Bodhigaya nguyên gốc ở Ấn Độ. Bồ Đề Đạo Tràng ở Bihar Ấn Độ bị tàn phá bởi quân Thổ xâm lược, và lãnh đạo Phật giáo Bagan đã cử đoàn nghệ nhân sang giúp xây dựng lại. Sau đó khi trở về Myanmar, những nghệ nhân này đã xây dựng ngôi chùa theo nguyên mẫu Bodhigaya.
Ngôi chùa có một tầng đế và một tầng tháp. Tầng đế có gian rộng thờ Phật, điểm khác biệt so với các đền chùa khác ở chỗ có cánh cửa sơn son thếp vàng và được khóa bằng một ổ khóa thép chế tạo riêng cho Nữ hoàng nước Anh. Tầng tháp có 4 mặt với hàng trăm bức phù điêu khắc họa cuộc đời đức Phật.
Chùa Mahabodhi có tên và kiến trúc rất giống với ngôi đền Bồ Đề Đạo Tràng Bodhigaya nguyên gốc ở Ấn Độ. |
Thăm ngôi đền có hình dạng kim tự tháp
Xe ngựa leng keng lướt trên những con đường, đưa bạn đến ngôi đền lớn nhất và có những bức tường gạch đầy đặn nhất ở Bagan mang tên Dhammayangyi. Bạn sẽ ấn tượng trước ngôi đền có hình dạng theo khối hình kim tự tháp.
Dhammayangyi còn có tên gọi khác “ngôi đền vận rủi” bởi nơi này mang một quá khứ đau buồn. Vào thế kỷ 12, vua Narathu tàn nhẫn đã ra lệnh giết hết các nô lệ không ghép được những viên gạch xây đền chặt khít đến mức không thể lách một chiếc kim vào giữa.
Sau trận động đất năm 1975, những mảnh tường vỡ ra cho thấy, người xưa không xây các hàng gạch đều nhau mà cứ vài hàng ngang thì đến một hàng gạch thẳng hay nghiêng để chia lực tác động của thiên nhiên. Vữa xây được làm từ xương trâu nghiền, trộn với bột gỗ cây arabica. Do vậy, bên trong ngôi đền không bị phá hủy và đã lưu giữ được những bức tượng Phật đẹp.
Đến Bagan là phải ghé đền đá Ananda
Di tích nổi tiếng nhất vùng mà bất cứ du khách nào đến Bagan cũng phải ghé thăm là đền đá Ananda, với lối kiến trúc hình thập tự và những pho tượng Phật đứng khổng lồ.
Tháp chính của đền cao 54 m, có bốn mặt nhìn ra bốn hướng, mỗi mặt là mỗi gian thờ với những tượng Phật cao gần 10 m. Người dân Bagan tin rằng sự khác nhau giữa những nét mặt Phật sẽ khiến cho con người ý thức được việc làm của mình khi đến nơi này và bước ra thế giới.
Dừng chân ở Thatbyinyu - ngôi đền cao nhất Bagan
Sẽ là thiếu sót nếu đến Bagan mà không ghé thăm Thatbyinyu Phaya để được nhìn thấy tại mọi điểm ở vùng đất này. Ngôi đền được xây dựng vào giữa thế kỷ 12 với độ cao khoảng 66 m, nay đã ngả màu thời gian và nằm bên trong bức tường thành cổ đã sụp đổ gần hết.
Ngắm hoàng hôn ở “ngôi đền mặt trời lặn”
Hành trình đến với thành cổ Bagan kết thúc hoàn hảo khi ngắm hoàng hôn tại nơi đẹp nhất Bagan - ngôi đền Shwesandaw hay còn gọi là “ngôi đền mặt trời lặn”. Đền có 5 tầng tháp và một tháp stupa hình chuông úp trên đỉnh. Theo truyền thuyết, ngôi đền này được xây dựng vào năm 1057 để lưu giữ một trong 8 sợi tóc của Phật Thích Ca mang về từ Ấn Độ.
Trong quãng thời gian 30 phút, cảnh sắc cả vùng Bagan dần biến đổi khi mặt trời đỏ rực chầm chậm hạ thấp khỏi bầu trời, nhuộm tím hàng nghìn ngọn tháp phía xa rồi nhường lại không trung cho bóng tối.
Đền Shwesandaw là nơi đẹp nhất ở Bagan để du khách ngắm hoàng hôn. |
Thưởng thức bữa cơm đậm chất địa phương
Trước khi rời Bagan để đến với địa danh khác ở đất nước Myanmar, bạn đừng quên dùng bữa cơm chiều theo kiểu Myanmar với đầy đủ các món mặn được dọn ra kín bàn ăn như thịt lợn kho, gà kho cà ri, cá chiên giòn, đậu que xào bông cải, ăn kèm với gỏi xoài thái nhuyễn và các loại rau xanh. Lạ hơn cả là món tráng miệng nhai kết hợp cùng ba thứ: lá trà, xoài sợi và đậu ván.