Như chúng ta đã biết, các cung đường phượt, nhất là các cung đường miền cao, vùng núi luôn tiềm ẩn vô số những hiểm họa không dành cho những tay lái non, hay phượt thủ mới chập chững những chuyến đi đầu tiên. Tuy vậy, sức quyến rũ của các cua đường vùng cao luôn mời gọi khiến những trái tim yêu khám phá không thể cưỡng lại, nhất là vào mùa này, khi các cung đường núi đang ở độ đẹp rực rỡ.
Đừng dại dột nghe theo những lời quảng cáo của các tay lão làng, kiểu như: "Đi dễ lắm", "Anh đi suốt có sao đâu". Hãy nhớ, họ là những người cứng tay lái trong những chuyến đi đường trường và bạn không phải là họ. Hãy chuẩn bị thật kỹ cho mình những kiến thức cần thiết để chắc chắn rằng, đây không phải là... lần cuối cùng bạn ngồi trên yên xe máy.
Và để bạn đọc có thể mường tượng ra những gì mình cần phải chuẩn bị cũng như đi thế nào để giảm thiểu tối đa khả năng gặp tai nạn trên các cung đường phượt, hôm nay, hãy cùng chúng tôi gặp một vài phượt thủ và lắng nghe những chia sẻ của họ về cách tự bảo vệ mình trong những chuyến phiêu lưu.
1. Công đoạn chuẩn bị
Trong mọi chuyến đi, công đoạn chuẩn bị bao giờ cũng là quan trọng nhất. Bạn cần phải tìm hiểu mọi thứ về nơi mình định đến, các cung đường mình đi qua, tính toán thế nào để tìm ra một cung đường vừa đẹp, vừa an toàn lại đảm bảo là không quá dài để tiết kiệm thời gian và sức lực. Cũng đừng quên tìm hiểu những số điện thoại cứu hộ, các trạm xăng, trạm nghỉ dọc đường. Rồi sau đó, kiểm tra thật kỹ tình trạng xe của bạn, đổ đầy bình xăng, chuẩn bị các loại mũ, áo, giáp bảo hiểm. Lên đường khi hiểu rõ mình cần làm gì và tự tin vào các thiết bị sẽ giúp nâng cao sự an toàn cho chuyến đi của bạn.
"Tôi được học về hướng đạo sinh trong thời gian du học nên ít nhiều được trang bị kiến thức cũng như chuẩn bị cho mọi hành trình dã ngoại. Tôi không dám dùng từ 'phượt' vì thực sự chưa hiểu rõ về nghĩa của nó. 'Quân trang' cho mỗi chuyến đi phụ thuộc hoàn toàn vào độ dài thời gian, hành trình... Nhưng ít nhất những thứ cơ bản nhất về bảo hộ nếu đi xe máy tôi tương đối cẩn thận và đầy đủ, bịt gối, khuỷu tay, kính kín, mũ bảo hiểm loại tốt, ghế gấp, bếp ga du lịch, chocolate, bông băng thuốc đỏ, đèn pin, la bàn, GPS…", anh Trí - một "dân du lịch đường trường" nổi tiếng chia sẻ về hành trang chuyến đi của mình.
Anh Trí trong một chuyến phượt vùng cao. |
Còn bạn Tidus Fair - vốn là một bạn trẻ mê phượt và từng đi khắp Trung Quốc, Singapore, Campuchia, Lào, các thành phố ở Việt Nam theo hình thức hitchhiked (du lịch đường bộ, bắt xe nhờ đường, ngủ lều...) và đi xe máy cũng chia sẻ về cách chuẩn bị cho một chuyến du lịch đường trường bằng xe máy: "Đi xe máy thì bạn cần mang xe ra hãng bảo dưỡng, kiểm tra toàn bộ xe, thay lốp chuyên có gai bám tốt vì đi đường dài thường nhiều đá dăm do xe tải chở rơi vãi, dễ gây tai nạn. Bạn cũng cần mua các thiết bị bảo hộ như mũ bảo hiểm xe máy loại tốt, có che tai và cằm, mặc giáp bảo vệ tay chân, lưng, cột sống. Bình xăng phải được đảm bảo luôn đổ đầy bình và cần có một bộ vá xe dự phòng để có thể thay ngay trên đường. Bạn cũng nên mua một bugi dự phòng nữa. Khi chạy xe quá nóng, bạn không được dội nước vào xe. Lỗi này nhiều người mắc phải vì tưởng dội nước vào xe, xe sẽ nguội. Nhưng sự thật thì ngược lại, dội nước vào dễ có nguy cơ nổ xe do nguồn nhiệt khác nhau, dẫn đến gây nứt vỡ".
Bạn Tidus Fair đưa ra lời khuyên cần phải chuẩn bị thật kỹ các thiết bị bảo hộ như mũ bảo hiểm, giáp tay, lưng... |
Công Thành, cũng là một dân mê du lịch bụi, du lịch đường trường cho biết: "Bạn cần chuẩn bị tiền, xăm xe và dụng cụ thay xăng, đồ sửa xe, hộp cứu thương nhỏ, bản đồ, điện thoại cũng cần sạc pin đủ dùng, bộ đàm nếu đi theo đoàn đông, các SĐT cứu hộ ở những khu vực đi qua. Tùy theo thời tiết mà mình chuẩn bị hành lý khác nhau. Ví dụ như mùa đông thì mình sẽ mang theo áo và quần chống gió, chống nước và áo giữ ấm. Còn đồ bảo hộ thì mình mang theo mũ bảo hiểm loại tốt, găng tay, giày cao cổ (loại cổ cứng chứ không phải vải)".
Ngoài ra, theo chỉ dẫn từ các diễn đàn về phượt thì trong thời tiết lạnh của mùa đông, khi đi phượt lên vùng núi, bạn không nên mặc quá nhiều áo ấm, như vậy sẽ khiến bạn khó điều khiển xe máy. Thay vào đó, bạn nên mặc ấm, gọn gàng và mặc thêm một lớp áo mưa mỏng bên ngoài để chắn gió cho dù có mưa hay không.
Bạn cũng cần phải xem mình sẽ đi cùng bao nhiêu người trong chuyến phượt này và những người đó như thế nào. Con số tối đa mà cộng đồng phượt đưa ra khi đi một chuyến xe máy đường trường là 10 xe (20 người). Con số này giúp đảm bảo cả nhóm đi có sự gắn kết, bao quát lẫn nhau, không ai bị bỏ lại đằng sau và trưởng đoàn dễ kiểm soát.
Anh Trí, cho biết: "Sự lựa chọn bạn đồng hành với tôi là một tiêu chí quan trọng hàng đầu cho mỗi chuyến đi. Sẽ có những sự hiểu ý, tâm đồng về quan điểm, lối sống, thực phẩm và có thể hiểu nhau trong từng ánh mắt. Có một lần cả nể và chấp thuận một anh bạn 'bắc cầu' đi cùng trong chuyến xuyên Việt. Do chuyến đi dài hơn so với dự kiến, tôi mới phát hiện ra anh bạn mới quen bị bệnh tim bẩm sinh và đã phẫu thuật. Anh bạn tôi không mang đủ thuốc chống đông máu, chuyến đi của chúng tôi ngập trong sự lo âu bởi những cơn đau ngực thất thường của anh bạn. Thật may mắn, chúng tôi trở về an toàn. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ về bạn đồng hành. Nhóm chúng tôi đi đều dưới 7 xe và không có 'ôm'. Xe đi đầu, giữa và cuối đều có bộ đàm để liên lạc với nhau, nhắc nhở về tốc độ, hành trình cũng như thông báo ngay về chướng ngại vật".
2. Trên đường đi
Câu hỏi được đặt ra là chuẩn bị như thế rồi thì bạn sẽ làm thế nào để đảm bảo an toàn tối đa cho mình trên đường phượt. Đi với tốc độ chậm, không vượt ô tô luôn là những điều bạn cần ghi nhớ đầu tiên. Bạn cần hạn chế chạy sát các xe có trọng tải lớn vì những xe này khi chạy thường tạo ra lực hút xung quanh rất lớn, nếu tay lái không vững bạn có thể bị gió tạo ra từ đây hút vào gầm xe. Khi vượt phải bạn cần xi nhan và còi liên tục, đi vào khu vực gương chiếu hậu và chỉ vượt khi đã nhận được tín hiệu đồng ý vượt. Nhưng bên cạnh đó, còn khá nhiều bí quyết bạn nên biết để xử lý các tình huống trên quãng đường đi của mình.
"Để đảm bảo an toàn tối đa, bạn cần dán phản quang cho xe, mỗi đoàn sẽ phải tự thống nhất các dán ra sao để có thể tự nhận ra thành viên trong đoàn. Các thành viên luôn đi theo sự sắp xếp của lead, không được vượt, mỗi ngã rẽ phải chờ nhau. Vận tốc trung bình giữ ở mức 40 cho người mới. Mỗi khúc cua giảm tốc, lên số, xuống số theo độ dốc, đều đặn tay ga. Thường không nên đi vào mép đường phía chân núi vì cây cỏ rủ xuống, dẫn nước theo khiến đường bị bám rêu, gây trơn trượt cũng như sỏi đá trên núi rơi xuống và những lúc không xử lý kịp sẽ lệch bánh, vướng vào các khe. Khi gặp xe lớn, luôn phải bấm còi và xin xi-nhan về tay trái, sau đó vượt trái lên, không được phép vượt phải vì tài xế ngồi bên trái, thường họ sẽ đánh xe về phía bên phải để tránh mình. Dừng xe ban đêm, bạn nên bật máy và để xi nhan về lề đường. Do không có đèn đường trên núi nên đây là cách để tránh việc các xe khác đâm vào. Khi đi gặp sương mù thì bạn nên bật đèn chĩa xuống dưới chứ không chĩa lên trên, sẽ bị phản sáng", bạn Tidus Fair chia sẻ một vài kinh nghiệm đi xe máy trên đường núi của mình.
Anh Trí cũng mang đến một vài kinh nghiệm trong các chuyến đi núi: "Nhóm chúng tôi đều là những người bạn thân và có quá trình trải nghiệm với nhau trong nhiều chuyến đi nên các kỹ năng sống tương đối hiểu nhau. Bọn tôi tự qui ước tốc độ tối đa với xe gắn máy là max 80km/h mặc dù xe đều là loài chuyên dụng, có thể nói là rất tốt. Khoảng cách mỗi xe dựa trên nguyên tắc an toàn tốc độ chia 2. Ví dụ 60km/h thì khoảng cách tối thiểu là 30 km/h. Trong các tình huống vượt thì đều nhường nhau vượt từng xe và chiều ngược lại đảm bảo thông thoáng mới vượt. Một phần do có bộ đàm nên việc thông báo nhau về chướng ngại vật, điều kiện vượt đều khá luận lợi. Những lúc rảnh rỗi chúng tôi có những buổi tập kỹ năng điều khiển xe máy tại bãi cạn sông Hồng nên việc đi lại địa hình tương đối đều nhau, các cung đường đều dưới mức khó so với bài tập của chúng tôi".
Anh Trí thường phượt với nhóm bạn thân và thật sự hiểu nhau về kỹ năng sống. |
"Đi trên đường bạn phải tuân thủ chỉ dẫn của lead, không được đi chậm hơn chốt đoàn. Đoàn lớn thì nên có một người đi trước thăm dò (trong trường hợp có bộ đàm). Nếu không thì không xe nào được vượt xe dẫn đoàn. Tùy vào địa hình thì đoàn sẽ có những đội hình đi khác nhau. Ví dụ đi đường núi, trời tối thì sẽ đi thẳng hàng, cách nhau 40 - 60m với tốc độ vừa phải. Nếu đi trong thành phố sẽ đi thành hàng đôi nhưng xe so le", bạn Công Thành chia sẻ.
3. Và khi gặp các vấn đề
Đều là những người yêu du lịch bụi, yêu du lịch đường trường và có nhiều kinh nghiệm "lăn lộn" trên các cung đường nguy hiểm, nhưng không phải là những nhân vật trong bài viết này chưa bao giờ gặp "tai nạn" trên đường.
Anh Trí kể lại lần bị tai nạn của mình: "Tôi đã từng bị ngã trên đường đi vào thác Bản Giốc do tuyến đường đang thi công như đại công trường và trời mưa quá lớn. Sau khi ngã tôi bị rách cơ bả vai trái và phải điều trị kéo dài gần 2 tháng. Tôi vẫn điều khiển xe tốc độ chậm được vài km để ra tới đường lộ và đi về theo xe tải."
"Chúng tôi đi theo nhóm và có những sự chuẩn bị thiết yếu về những nguy cơ như tai nạn nhẹ, gãy xương, rắn cắn... nên tương đối tin tưởng vào sự hỗ trợ lẫn nhau của nhóm. Trước khi đi vào khu vực nguy hiểm, mất sóng điện thoại chúng tôi đều có thông báo với bộ đội biên phòng, công an địa phương trong quá trình nghỉ ngơi trước đó. Ngoài ra thông tin hỏi từ người địa phương cũng rất quan trọng, nếu có cảm giác ngoài tầm kiểm soát, tôi sẽ đề nghị nhóm chuyển hướng đi an toàn và vui vẻ hơn". Anh Trí chia sẻ về cách xử lý tình huống khi gặp các vấn đề bất chợt dọc đường.
"Bạn nên tìm hiểu trước các số điện thoại cứu hộ xe 24/7 ở các vùng núi để khi có sự cố, bạn có thể gọi cho người ta đến giúp. Còn những người đi tụt lại phía sau, trước khi đi, mỗi người trong đoàn đều phải được phát một tờ danh sách số điện thoại liên lạc của từng người trong đoàn để có thể liên hệ được khi đi lạc. Bạn nên mang theo các thiết bị có GPS để có thể biết đích đến của mình ở đâu. Nhưng thường là phải chờ đợi nhau, tuyệt đối không được tách đoàn", bạn Tidus Fair đưa ra các lời khuyên cho bạn để tránh tối đa việc bị lạc lại đằng sau và gặp sự cố giữa vùng rừng núi vắng vẻ.
4. Có ý thức với chính mình
Tất nhiên, mọi ý kiến và sự chia sẻ ở trong bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát nhất về những gì mình cần phải chuẩn bị và kinh nghiệm khi đi trên các cung đường nguy hiểm. Vẫn sẽ còn rất nhiều điều phải học, nhiều thứ phải chuẩn bị và hàng loạt những vấn đề cần lo trong mỗi chuyến đi mà bạn cần phải đọc thật nhiều, tìm hiểu thật kỹ trên các diễn đàn, trang tin, báo chí về du lịch. Đừng ngại hỏi những "bậc lão làng", lắng nghe những kinh nghiệm và chia sẻ của họ. Và cuối cùng: Đừng bao giờ chủ quan. Sự chủ quan mới chính là kẻ thù lớn nhất của bạn trên các cung đường phượt.