Thăm làng Việt kiều ở Pakse
Vùng đất Nam Lào vẫn còn là ẩn số đối với nhiều khách du lịch Việt Nam. Để có trải nghiệm khác biệt, tôi chọn đi ngược từ cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) qua Pakse (tỉnh Champasak) thay vì từ Lao Bảo (Quảng Trị) đến thủ đô Viêng Chăn.
Ngay khi xe rời cửa khẩu Bờ Y tiến vào địa phận Lào, sự khác biệt rõ rệt giữa hai vùng đất biên giới hiện ra bởi một khung cảnh núi rừng hoang vu, heo hút, gió rít ghê người. Những con đường mòn xuyên núi hẹp đến độ có những khúc cua chỉ đi lọt một xe. Khách trên xe thỉnh thoảng lại thót tim vì cứ ngỡ mình sắp rơi xuống vực, vậy mà anh tài xế và những người buôn hàng qua lại cửa khẩu cứ tỉnh bơ như không.
Chúng tôi đến Pakse, tỉnh lỵ của Champasak lúc 5h chiều. Chị Cúc (quê ở Huế), đi cùng chuyến xe, ở trọ chung phòng với tôi tại một nhà nghỉ khá xinh xắn với giá 110.000 kíp (khoảng 225.000đ). Chị cùng chồng sang Áttapư (cách Pakse khoảng 220 km về phía Nam) sinh sống và làm ăn 10 năm nay nên nói tiếng Lào khá sõi. Hai vợ chồng chị buôn bán phụ tùng xe máy. Nhờ chị Cúc, tôi có nhiều thuận tiện khi ở Pakse.
Biết tôi là người Việt, mọi người ở làng Việt kiều Pakse kéo ra nói chuyện rôm rả. Họ sống hiền lành, chân chất và ít bon chen. Các cô gái Lào đánh giá rất cao đàn ông Việt. Chị Vân, cô vợ Lào của anh Hưng (quê Quảng Trị) tâm sự: “Đàn ông Việt biết làm ăn, vun vén cho gia đình. Còn gì hơn khi bị cảm, được chồng nấu cho bát cháo hành thịt băm”.
Một lần, nhớ mãi
Đến Lào, tôi như bị bỏ bùa mê và “tương tư” nhiều ngày sau đó. Từ con người đến phong cảnh đều hiền hòa và dễ chịu. "Sabaidee" là từ đầu tiên tôi học được bởi đi đến đâu tôi cũng nghe người ta chào nhau như vậy với cái chắp tay nghiêm cẩn và nụ cười thân thiện. Không chỉ ở các điểm du lịch mà khi đi sâu vào các chợ nhỏ địa phương, tôi vẫn nghe người bán nói “sabaidee” và “khop chai” (cảm ơn) với người mua. Người Lào buôn bán như chơi, chẳng chèo kéo, “chặt chém”, cạnh tranh gì nên đi mua sắm ở đây rất thoải mái, chẳng sợ bị “ăn chửi”.
Ngoài chùa chiền, cung điện khá nguy nga thì cảnh vật ở Lào bình dị, gần gũi. Người Lào rất khéo léo và sáng tạo trong việc biến dòng Mekong thành một điểm tham quan với nhiều hoạt động ngoài trời thú vị như chèo thuyền kayaking, canoeing, tubing, caving, leo vách đá, cưỡi voi….
Hàng ngàn dân phượt trên thế giới đã đổ về đây, sáng dắt voi ra sông tắm, trưa chèo thuyền thăm thú, xế chiều lại nằm trên chiếc phao, vừa nhấp ngụm bia Lào, vừa lim dim mơ màng, mặc cho dòng nước đưa đẩy rồi cùng nhau ăn dưới ánh hoàng hôn bên dòng sông lãng mạn. Tôi ấn tượng nhất về sự sáng tạo của họ là ở trò caving. Trò chơi đơn giản, ngồi lên phao là một chiếc xăm ô tô bơm căng, bám lấy sợi dây thừng để vào trong một cái hang nhỏ, vậy mà hồi hộp, thích thú. Vui nhộn nhất là thỉnh thoảng lại nghe tiếng “bùm” thật to, tội nghiệp, có một anh chàng hơi quá khổ vừa bị lật phao!
Các món ăn của Lào dân dã, nhưng rất dễ gây nghiện. Ai đã từng ăn món cá sông Mekong nướng muối sả thì có lẽ không bao giờ quên được cái mùi vị đậm đà ấy. Người Lào có một bí quyết ướp thức ăn bằng lòng cá độc đáo khiến cho món nướng của họ có hương vị đặc trưng.
Sau nhiều ngày lang thang từ Nam tới Bắc Lào, tôi nhận ra rằng du khách khắp nơi thích đến Lào, có người ở lại đây đến vài ba tháng là vì họ cảm thấy rất thoải mái. Người dân địa phương sống chan hòa với khách du lịch như thể họ là láng giềng, bạn bè lâu năm của nhau chứ không xa cách như chủ và khách. Ở họ luôn có một nét duyên ngầm đầy lôi cuốn khiến khách thập phương cứ muốn tìm hiểu và khi về cứ nhớ mãi.