Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Project Runway: Đề thi 'độc' có tạo nhà thiết kế hay?

Cắt trang phục của bạn cùng thi để làm ra những trang phục mới, sử dụng phế liệu để may đồ dạ hội, làm việc theo nhóm để đáp ứng đơn đặt hàng từ một hãng thời trang... là những đề tài hóc búa giúp cuộc thi đang chinh phục nhiều người xem.

Project Runway: Đề thi 'độc' có tạo nhà thiết kế hay?

Cắt trang phục của bạn cùng thi để làm ra những trang phục mới, sử dụng phế liệu để may đồ dạ hội, làm việc theo nhóm để đáp ứng đơn đặt hàng từ một hãng thời trang... là những đề tài hóc búa giúp cuộc thi đang chinh phục nhiều người xem.

Với nững phần thi khó, nhiều người đặt câu hỏi, liệu có đào tạo ra các tên tuổi trong làng thời trang hay đây chỉ là một cuộc chơi thuần mang tính giải trí cho khán giả truyền hình?

Kỳ vọng

Lần đầu tiên trên truyền hình Việt xuất hiện một chương trình thi thố ở một lĩnh vực rất gần nhưng cũng khá xa với đại đa số người Việt là thiết kế thời trang. Gần mà xa vì sàn diễn thời trang đã quá quen thuộc, hình ảnh các cô người mẫu tràn ngập trên tất cả các loại tạp chí nhưng biểu diễn thời trang vẫn được xem là hoạt động giải trí.

Đa số khán giả, thậm chí ngay cả một số người được gán cho cái danh "tín đồ thời trang", khi đến một cuộc trình diễn thời trang vẫn chủ yếu để xem người mẫu và… thể hiện bản thân. Vì vậy, rất dễ hiểu khi đa số khán giả xem Project Runway với tinh thần xem một chương trình giải trí, như ý nghĩa vốn có của một chương trình truyền hình thực tế.

Tuy nhiên, những người tham gia làm nên Project Runway phiên bản Việt kỳ vọng nhiều hơn thế. Bà Lê Quỳnh Trang, Giám đốc sản xuất chương trình, bày tỏ, công ty Multimedia JSC của bà đầu tư sản xuất Project Runway với mong muốn tạo ra các nhà thiết kế thực sự cho thời trang Việt.

Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường, giám khảo của chương trình, khẳng định, đây không phải là chương trình giải trí mà là một cuộc thi đúng nghĩa. Ngoài việc tìm ra một quán quân, mục đích chính của ê-kíp thực hiện, ban giám khảo là cho khán giả hiểu thật chính xác về thời trang với tư cách một nghề nghiệp rất quan trọng, là ngành công nghiệp có thể thúc đẩy nền kinh tế của cả một quốc gia.

 
Thí sinh bới rác tìm chất liệu.

Hóc búa và thực tế

Điều dễ thấy nhất là những đề thi như sử dụng trang phục cũ để tạo ra trang phục mới, bới rác tìm chất liệu may đồ dạ hội... cho khán giả biết thời trang chẳng phải những thứ xa vời mà là những gì rất gần gũi với cuộc sống, môi trường xung quanh.

Việc thí sinh phải sửa từ những trang phục đã sử dụng thành những mẫu trang phục mới hoàn toàn, khác hẳn với mẫu đã phá đi khiến người ta liên tưởng đến vấn đề xử lý những bộ quần áo đã lỗi mốt nhưng còn dùng tốt khi chủ nhân không nỡ vứt đi, cũng ngần ngại mặc. Đây là tình huống hầu hết mọi người đều phải đối mặc trong cuộc sống bình thường, dù là người phải tằn tiện trong chi tiêu hay kẻ kinh tế khá giả.

Không gì hóc búa hơn đề bài bới rác may đồ dạ hội, điều này bắt nhà thiết kế phải tìm cảm hứng từ khắp nơi, ngay cả những nơi ít tính nghệ thuật nhất như bãi rác thải công nghiệp, những thứ tưởng vứt đi cũng trở thành chất liệu của thời trang.

 
Những sản phẩm được làm ra từ rác.

Trên một bình diện khác, đề thi hãy tạo thành nhóm và thiết kế bộ sưu tập theo đơn đặt hàng của một nhãn hiệu thời trang ứng dụng ở tập thứ ba đã để các nhà thiết kế trẻ phải đối mặt thật sự với cái gọi là bộ máy sản xuất hàng thời trang. Họ phải dẹp bỏ cá tính, rời xa chủ nghĩa cá nhân, coi mình là trên hết, dẹp bỏ sự sáng tạo theo khuynh hướng nghệ sĩ, thể hiện bản thân để làm ra được những món hàng phục vụ nhu cầu của thị trường và đặt mục tiêu doanh thu lên cao nhất. Việc được chọn hay không được chọn làm việc với ê-kíp mình mong muốn và phải làm việc thế nào khi không được ai chọn và bản thân cũng không hài lòng với mọi thành viên trong nhóm cũng là bài học quý với nhà thiết kế.

Không chỉ các đề thi, những cuộc đối thoại giữa giám khảo và thí sinh cũng cho thấy nhiều quan điểm về thời trang cũ kỹ cần được loại bỏ. Chẳng hạn ở tập đầu tiên, thí sinh Diễm My đan móc quá nhiều chi tiết rườm rà cho sản phẩm, giám khảo Đỗ Mạnh Cường đã thẳng thắn: "Thời trang cao cấp không phải là thủ công - làm bằng tay".

Hay khi thí sinh "Tóc xanh" Hoàng Minh phản ứng vì đồ bị chê là xấu "anh thấy xấu nhưng em rất hài lòng với sản phẩm của mình", giám khảo này khẳng định: "Thời trang là kinh doanh, em không thể làm ra một bộ trang phục chỉ để cho mình thích mà không bán được, như thế là thất bại".

Mỗi giám khảo một ý, người chê không tiếc lời, người khen tận mây xanh, người chỉ nói đơn giản "tôi không thích", người lại reo lên "tôi rất thích"... cũng chính là phản ứng từ thị trường mà những người kinh doanh thời trang phải đối mặt. 

Tuy nhiên cũng có những thử thách chưa thật sự hay với thí sinh, chẳng hạn như ở tập 4 của chương trình sáng tạo theo chủ đề Cảm hứng Việt Nam. Nhà thiết kế, kinh doanh thời trang Chương Đặng, chủ thương hiệu Kujeans với dòng sản phẩm mang tính điểm nhấn là những trang phục có tính dân tộc cao, nhận xét: "Tôi cho rằng những thiết kế của các thí sinh không có tính ứng dụng cao. Có lẽ áp lực cạnh tranh và mong muốn thuyết phục ban giám khảo đã khiến các thí sinh đẩy thiết kế của họ sang hẳn việc trình diễn. Tính thương mại của những sản phẩm thời trang phụ thuộc vào rất nhiều thứ trong khuôn khổ cuộc thi khó lòng đáp ứng được. Những thiết kế lấy cảm hứng từ văn hóa dân tộc lại càng cần nhiều sự đầu tư từ ý tưởng, việc nghiên cứu, khả năng phát triển mẫu thiết kế ra thực tiễn song song với những tương tác tối đa với người sử dụng.

Khác với những lần trước, cá nhân tôi nhận thấy, cách ra đề bài lần này không thú vị lắm, nó giống như một cuộc chơi thời trang của giới sinh viên hơn. Việc yêu cầu những nhà thiết kế trẻ tạo ra các mẫu thiết kế lấy cảm hứng từ văn hóa Việt đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về phương tiện, ở đó ngay chính chất liệu sử dụng trong kịch bản để dẫn dắt câu chuyện phải thể hiện tính thẩm mỹ cao. Đồng thời cần đưa ra cách nhìn về những nét đẹp xưa trong con mắt của người đương đại.

Dù ban tổ chức đã ý nhị đưa thiết kế áo dài cách điệu trong phần trang phục của Ngô Thanh Vân như một gợi ý nhỏ, nhưng có vẻ như các thí sinh đã thiếu bình tĩnh để nhận ra. Những thiết kế của họ có vẻ đi khá xa với đề bài và những giải thích của họ chưa thật thuyết phục".

Sản phẩm được làm ra từ rác.

Hiệu quả trong mắt người làm thời trang

Nhận xét về Project Runway sau 4 tập phát sóng, Hương Color, Giám đốc sáng tạo kỳ cựu trong làng tạp chí thời trang, người từng giữ vai trò giám tuyển các mẫu thiết kế cho những fashion show lớn trong nước, nói: "Còn quá sớm để kết luận liệu thí sinh của cuộc thi này có làm ra được những sản phẩm thời trang đúng nghĩa hay bản thân họ có thành danh sau cuộc thi nhưng có thể thấy ngay đây là một chương trình hữu ích. Trước đây người ta chỉ biết về thiết kế thời trang là 'nghệ thuật trang trí lên ngôi', chương trình này cho thấy thiết kế thời trang là cấu trúc, chất liệu, màu sắc và nhà thiết kế phải tạo ra được những sản phẩm hoàn hảo từ tất cả công đoạn, không chỉ là vẽ mẫu. Tuy nhiên, chương trình cần hấp dẫn hơn và giám khảo cần phải nhận xét sao cho cả thí sinh và khán giả đều thu nhận được thêm kiến thức về thời trang".

Còn nhà thiết kế Chương Đặng nhận xét: "Cuộc thi này rất có ích khi nó cho thấy các nhà thiết kế phải làm việc ở tất cả các khâu từ chọn chất liệu, vẽ, may cho đến trang điểm cho người mẫu để có thể đưa ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Làm như thế họ sẽ không bao giờ rơi vào tình trạng khâu này chưa tốt do người phụ trách công đoạn này làm chưa tới vì họ sẽ kiểm soát được hết mọi công đoạn. Tôi rất đồng tình với những nhận xét của ban giám khảo, mỗi người một ý, đôi khi hoàn toàn trái ngược nhau nhưng đó chính là cuộc sống, mỗi người một quan điểm".

Project Runway dễ tạo liên tưởng đến Vietnam’s Next Top Model, chương trình từng bị dư luận lên án là nhiều phần thi mang tính "hành xác" thí sinh để mua vui cho khán giả cũng do VTV3 và Multimedia SJC phối hợp sản xuất. Không thể phủ nhận, ngay từ mùa đầu tiên, Vietnam’s Next Top Model đã đưa ra thế hệ người mẫu có phong cách làm việc chuyên nghiệp, tư duy về nghề đúng đắn và đến gần được với môi trường làm việc quốc tế. Liệu Project Runway có được thành quả như vậy hay không, mọi thứ còn ở phía trước.

Theo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Theo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bạn có thể quan tâm