Năm 2020, giới truyền thông quốc tế nhắc đến Psycho nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của tuyệt phẩm do đạo diễn Alfred Hitchcock thực hiện.
Với khán giả hiện đại, tác phẩm có thể bị coi nhẹ do họ đã quá quen với những bộ phim có mức độ máu me, ghê rợn hơn nhiều. Song, không vì thế mà Psycho mất đi những giá trị lịch sử nhờ hàng loạt nỗ lực để vượt vòng kiểm duyệt gắt gao lẫn kỹ thuật kể chuyện bậc thầy.
Những chiêu bài vượt thoát kiểm duyệt của bậc thầy điện ảnh
Psycho công chiếu vào năm 1960, thời điểm luật Hays (các quy định kiểm duyệt ở Mỹ) đang thoái trào. Tác phẩm dài 109 phút được xem như ví dụ tiêu biểu cho các bộ phim dần phá bỏ rào cản trong cách thể hiện tình dục và bạo lực.
Trước đó, Hitchcock vốn đã hay phá luật, như trong Notorious (1946). Để tuân thủ quy định cảnh hôn không kéo dài quá ba giây, ông đã cho hai nhân vật chính cứ thế chạm môi ba giây lại tách ra rồi tiếp tục.
Psycho mang đến nhiều trắc trở hơn về chuyện kiểm duyệt cho bậc thầy điện ảnh. Cảnh đầu phim, nhân vật nữ Marion Crane (Janet Leigh) mặc áo ngực và thân mật cùng tình nhân là Sam Loomis (John Gavin). Theo quy định khi đó, cảnh các đôi chưa kết hôn ở chung giường là điều cấm kỵ.
Hai tình tiết gây tranh cãi khác trong phim là lúc cô gái xả nước trong bồn cầu và việc hung thủ có thể bị hiểu nhầm là người đàn ông thích mặc trang phục phụ nữ (transvestite).
Cảnh nồng nàn của bộ đôi được giữ lại sau khi Hitchcock đấu tranh với hội đồng duyệt. Ảnh: Paramount. |
Một điểm thuận lợi dành cho Psycho là những người duyệt phim cũng đang dần trở nên thoáng hơn theo đà phát triển của văn hóa Mỹ thập niên 1960. Còn Alfred Hitchcock nổi tiếng là giỏi đối phó với họ để bảo vệ tác phẩm.
Theo Alexandre O. Philippe, tác giả phim tài liệu 78/52: Hitchcock’s Shower Scene, lối nói chuyện hài hước, thân mật của Hitchcock thuyết phục được hội đồng giống như “một trò ảo thuật”. Còn theo Janet Leigh, một chiến thuật Hitchcock hay dùng là cố đưa vào những cảnh quá trớn đến mức chắc chắn sẽ bị yêu cầu cắt bỏ. Khi đó, đạo diễn dùng chúng để thương lượng với ban kiểm duyệt nhằm giữ lại một tình tiết nhẹ hơn.
“Ông ấy sẽ đưa vào tình tiết mức độ C và A, hy vọng thỏa thuận để đạt B - điều nhắm đến ngay từ đầu. Hitchcock sẽ nói nếu bỏ điều này thì phải giữ lại cho ông ấy điều khác”, minh tinh tiết lộ.
Như khi ban kiểm duyệt phản đối chuyện Janet mặc áo ngực trong cảnh thân mật đầu phim, Hitchcock đề nghị không cắt, đổi lại ông sẽ bỏ một cảnh lộ mông (của diễn viên đóng thế cho Janet). Sau đó, ông đồng ý quay lại cảnh thân mật đầu phim dưới sự giám sát của hội đồng, nếu được giữ lại cảnh phòng tắm. Nhưng ở buổi quay lại, không thành viên nào xuất hiện nên Hitchcock không đưa ra thay đổi nào.
Ở đoạn án mạng phòng tắm, Hitchcock sử dụng sốt chocolate giả máu, dùng nhiều cú cắt để mô tả diễn biến, thay vì thể hiện trực diện. Một số thành viên hội đồng duyệt cho rằng đã nhìn thấy một bên ngực diễn viên - điều bị cấm thời bấy giờ.
Hitchcock giữ bản phim trong vài ngày, không sửa gì và nộp lại. Lúc này, những người đã nhìn thấy phần ngực lại cho rằng không thấy, còn người không thấy thì lúc này lại bảo thấy. Ở bản chiếu rạp, đó là một khoảnh khắc rất nhỏ mà ngực nữ diễn viên xuất hiện mờ trong khung hình. Đây cũng có thể là một chiêu của đạo diễn nhằm làm phân tâm hội đồng duyệt.
Janet Leigh mang vẻ đẹp gợi cảm rất được ưa chuộng vào thập niên 1960. Cảnh án mạng khiến cô ngại dùng buồng tắm đứng suốt đời. Ảnh: Paramount. |
Tìm mọi cách giữ kín nội dung tác phẩm
Không chỉ chứa đựng yếu tố gây sốc, Psycho còn là minh chứng cho tài năng của Alfred Hitchcock - người được mệnh danh bậc thầy tạo ra sự hồi hộp. Đến nay, tác phẩm vẫn được xem là ví dụ kinh điển cho cách dùng nhân vật chính giả. Phần đầu phim xoay quanh Marion Crane - nữ thư ký bỏ trốn cùng khoản tiền lớn.
Janet Leigh là ngôi sao đình đám thời đó, khiến nhiều khán giả tin rằng Marion là nhân vật chính. Nhưng cô gái đột ngột bị sát hại chỉ sau vài chục phút phim. Tình tiết gây sốc và tạo ra bầu không khí bí ẩn lên phần sau câu chuyện.
Từ khâu kịch bản, Hitchcock cùng biên kịch Joseph Stefano đã chuẩn bị cho cách kể này. Chuyện về Marion chỉ chiếm hai trong số 17 chương ở tiểu thuyết gốc Psycho, nhưng trên màn ảnh tốn gần nửa thời lượng. Còn nhân vật Norman Bates (Anthony Perkins) hoàn toàn bị giấu đi lúc đầu.
“Không có khách đến phim trường, không phỏng vấn, không tóm tắt câu chuyện, không công bố hình ảnh phim, không có buổi chiếu sớm”, tạp chí Variety tóm tắt cách Hitchcock giữ bí mật tác phẩm. Lúc sản xuất, ông đánh lừa báo chí rằng mình đang quay một phim về thần thoại Hy Lạp mang tên Psyche.
Đạo diễn cũng được cho là đã thu mua toàn bộ tiểu thuyết gốc Psycho đang bán. Lúc quảng bá phim, Janet Leigh và Anthony Perkins bị cấm đến các buổi phỏng vấn với truyền hình, báo chí và radio. Trailer gốc của phim dài sáu phút, chỉ gồm cảnh Hitchcock giới thiệu trường quay và một cô gái thét lên trong phòng tắm.
Alfred Hitchcock trong trailer Psycho. Ảnh: Paramount. |
Nổi tiếng nhất trong chiến dịch của Hitchcock là quy định khán giả không được vào rạp muộn. Theo Janet Leigh, đạo diễn cho rằng nếu những người vào muộn không thấy nữ chính, họ sẽ cảm thấy bị lừa.
Ban đầu, các chủ rạp phản đối ý tưởng này do sợ ảnh hưởng xấu đến doanh thu. Tuy nhiên, sau ngày đầu tiên, họ hài lòng với dòng người xếp hàng dài trước rạp. “Không vào trễ” trở thành cụm từ gắn liền với sự lan tỏa của Psycho trong công chúng. Hitchcock cũng không ngại gieo ác cảm cho giới phê bình khi không cho họ xem trước tác phẩm, mà phải đến rạp cùng khán giả bình thường.
Khéo léo cài cắm dụng ý
Kỹ thuật kể chuyện bằng hình ảnh tài tình của Hitchcock giúp đẩy cao kịch tính và nhiều lần đánh lạc hướng người xem. Cảnh đầu phim chứa đầy dụng ý với cú máy từ trên cao, dần tiến qua khe cửa sổ đen tối, thăm dò bên trong như một kẻ soi mói.
Cùng dòng chữ “2 giờ 43 phút, chiều” trên màn hình và hình ảnh Leigh nằm bất động trên giường, phân cảnh giống như đang giới thiệu một vụ án. Nội dung thật chỉ là mối quan hệ giữa đôi nam nữ, nhưng mang tính báo trước số phận nhân vật.
Trong bộ phim đen trắng, ánh sáng - bóng tối được sử dụng nhuần nhuyễn để nhấn mạnh chủ đề tác phẩm. Khi Marion rời thành phố cùng khoản tiền, cô giống như đang lao vào bóng tối. Ánh sáng - thay vì tạo sự ấm áp - đôi khi được đưa vào kiểu chói lóa để tượng trưng cho sự nguy hiểm, tiêu biểu như cảnh phòng tắm với một ngọn đèn sau lưng kẻ sát nhân.
Hitchcock dùng ánh sáng để tạo sự khó chịu, căng thẳng trong vụ án mạng. Ngoài ra, góc quay ngược sáng giúp ẩn mặt nhân vật. Ảnh: Paramount. |
Cảnh án mạng buồng tắm còn được khen ngợi suốt nhiều năm sau về thẩm mỹ. Trong bảy ngày, Hitchcock cùng ê-kíp thực hiện hơn 70 góc máy và 50 cú cắt cho ba phút phim. Hầu hết cú máy là cận cảnh với thời lượng ngắn để truyền tải nỗi kinh hoàng từ góc nhìn chủ thể của nạn nhân.
Một thay đổi của đạo diễn là không để nữ chính bị chặt đầu như nguyên tác văn học. Thay vào đó, cô nằm gục trong buồng với đặc tả xoáy nước và ánh mắt bàng hoàng, sợ hãi trước khi qua đời. Để tăng tính bi kịch, Hitchcock khéo léo cài vào một phân cảnh cho thấy ngay trước đó, Marion đã chuẩn bị quay về trả lại tiền trộm.
Hình ảnh chim xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm, từ họ của Marion là Crane (con sếu), tên thành phố (Phoenix - phượng hoàng), đến loạt ảnh chim trên tường khách sạn. Lần đầu xuất hiện, Norman Bates tạo ấn tượng như một chàng trai hiền lành, vô hại. Nhưng ở cảnh Norman ngồi trò chuyện với Marion, cách dàn cảnh của Hitchcock với góc quay chếch từ dưới lên cùng chú chim bên trái chỉ ra sự nguy hiểm của gã.
Trường tồn với thời gian
Nhà phê bình Serge Kaganski gọi Psycho là phim giật gân đầu tiên mang yếu tố phân tâm học. Ba tầng nhà của Norman Bates đại diện cho ba tầng trong tâm lý con người theo học thuyết của Freud.
Khi thực hiện Parasite, Bong Joon-ho đã xem lại Psycho nhiều lần do thích ngôi nhà của Bates, đồng thời nói Hitchcock là nguồn cảm hứng lớn. Tác phẩm của Bong cũng có một kiến trúc ba tầng mang ẩn ý, đồng thời ảnh Hitchcock được “giấu” vào một phân đoạn như cách tri ân bậc thầy người Anh.
Cách dàn cảnh khiến Norman Bates dần bộc lộ góc khuất mờ ám. Ảnh: Paramount. |
Khi ra mắt, Psycho đón nhận khen chê trái chiều, trong đó không ít cây bút chỉ trích yếu tố bạo lực, tình dục và rối loạn tâm thần trong tác phẩm. Nhưng phim vẫn khiến công chúng mê mẩn với doanh thu 50 triệu USD, trong khi kinh phí sản xuất chỉ tiêu tốn 800.000 USD.
Phim nhận bốn đề cử Oscar, trong đó có hạng mục Đạo diễn xuất sắc, và được đánh giá tích cực hơn theo thời gian. Đến nay, Psycho được xem như một trong những bộ phim hay nhất của Alfred Hitchcock, đồng thời lưu dấu ấn sâu sắc trong việc kiểm duyệt phim ở Mỹ.
Theo học giả Thomas Doherty, từ sau Psycho, luật kiểm duyệt gần như chỉ còn là “hữu danh vô thực”. Tác phẩm được xem là tiên phong cho dòng phim chặt chém (slasher), đồng thời thúc đẩy giới làm phim khai phá các chủ đề nhạy cảm.
Bret Easton Ellis - tác giả tiểu thuyết American Psycho - cho rằng tác phẩm của Hitchcock giống như lời thông báo rằng sát nhân được chấp thuận như một hình thức giải trí. “Từng có bạo lực trong phim Mỹ, nhưng chưa từng có thứ gì giống như Psycho trước đó. Chưa bao giờ có thứ bạo lực mang tính riêng tư, có chủ đích, tàn nhẫn như vậy”, ông nói trong phim tài liệu 78/52.
Còn Alexandre O. Philippe cho rằng Psycho là bước tiến về nghệ thuật, để lại di sản về ngôn ngữ điện ảnh, nhưng cũng có góc tối là đã mở ra “chiếc hộp Pandora” cho loạt phim chặt chém thiếu chiều sâu. Không ít đạo diễn cố chạy theo yếu tố gây sốc, nhưng không đủ tài năng điện ảnh để tạo ra tác phẩm chất lượng như Hitchcock.
Ngay chính thương hiệu Psycho cũng không giữ được chất những năm sau này. Sau khi Hitchcock qua đời năm 1980, bốn đạo diễn khác làm tiếp phần hậu truyện hoặc remake, nhưng không phim nào xứng tầm tác phẩm ban đầu.
Năm 2001, Viện Phim Mỹ chọn Psycho là tác phẩm giật gân hay nhất mọi thời đại. Tám bộ phim khác của Hitchcock cũng nằm trong top 100 là North by Northwest, The Birds, Rear Window, Vertigo, Strangers on a Train, Notorious, Dial M for Murder và Rebecca.