Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Psychokinesis’: Phim siêu anh hùng Hàn Quốc về giấc mơ của kẻ yếu thế

Sau thành công của bom tấn ‘Train to Busan’ (2016), đạo diễn Yeon Sang-ho tiếp tục mang đến cho khán giả tác phẩm siêu anh hùng giàu ý tưởng và thông điệp mang tên “Psychokinesis”.

Trailer đầu tiên bộ phim 'Psychokinesis' Bộ phim tiếp theo của đạo diễn Yeon Sang-ho sau "Train to Busan" (2016).

Thể loại: Giả tưởng, tâm lý
Đạo diễn: Yeon Sang-ho
Diễn viên chính: Ryu Seung-ryong, Shim Eun-kyung
Zing.vn đánh giá: 7/10

review phim Psychokinesis anh 1
Psychokinesis là bộ phim tiếp theo của đạo diễn Yeon Sang-ho sau Train to Busan (2016) Tác phẩm gây ra không ít tranh cãi tại quê nhà sau khi ra mắt và không thực sự ăn khách.

Nhân vật chính của Psychokinesis là Shin Seok-heon (Ryu Seung-ryong) - nhân viên bảo vệ của một trung tâm chăm sóc sức khỏe. Một lần tình cờ, ông uống phải thứ hợp chất lạ tiết ra từ mảng thiên thạch bí ẩn rơi xuống gần nơi mình sinh sống.

Sau đó, Seok-heon cảm thấy cơ thể mình bắt đầu có nhiều biểu hiện khác lạ, và khám phá ra bản thân nay sở hữu siêu năng lực giúp di chuyển vật thể từ xa. Ông quyết tâm dùng khả năng trời cho để giúp đỡ Roo-mi (Shim Eun-kyung) - cô con gái mà Seok-heon từng bỏ rơi từ nhiều năm trước.

Lúc này, Roo-mi xinh xắn đang phải đối đầu với một công ty xây dựng muốn cưỡng chế di dời khu đất mà cô cùng nhiều tiểu thương khác đang chật vật kiếm ăn. Ban đầu chẳng mấy mặn mà với sự xuất hiện của Seok-heon, nhưng Roo-mi dần cảm nhận rõ hơn về tình cảm mà người cha xa cách bấy lâu muốn bù đắp cho mình.

Psychokinesis là tác phẩm mới nhất của đạo diễn Yeon Sang-ho - tác giả bom tấn cực kỳ thành công Train to Busan hồi mùa hè 2016. Nếu từng xem qua các đoạn phim quảng cáo, khán giả có thể dự đoán bộ phim mới của ông mang dáng dấp của một tác phẩm giải trí mang đậm chất hành động, hài hước, với tâm điểm là nhân vật chính Seok-heon cùng hành trình khám phá siêu năng lực của ông.

Song, sự thật thì Psychokinesis diễn ra hoàn toàn khác so với kỳ vọng của số đông, nhất là khi bộ phim lấy cảm hứng từ bi kịch có thật tại khu Yongsan, Seoul hồi 2009.

Tác phẩm tâm lý mang đậm tính thời sự

Psychokinesis có phần mào đầu rất tươi sáng, với đoạn phóng sự giới thiệu quán gà rán bình dân đông khách của cô chủ trẻ tuổi Roo-mi. Nhưng ngay sau đó, cũng tại chính quán ăn mới xuất hiện trên sóng truyền hình, một sự kiện bi thảm xảy ra, kéo tụt toàn bộ bầu không khí tác phẩm.

Tạm gác qua Seok-heon và siêu năng lực của ông, về bản chất, Psychokinesis là tác phẩm tâm lý, khai thác đề tài tuy cũ nhưng vẫn mang đậm tính thời sự: cưỡng chế di dời người dân khỏi các khu vực đất đai đã quy hoạch giải tỏa.

review phim Psychokinesis anh 2
Đề tài trung tâm của Psychokinesis không mới nhưng vẫn mang đậm tính thời sự.

Tâm điểm chính của bộ phim là hành trình đấu tranh của các tiểu thương kinh doanh trong một khu đất nhỏ với nhóm công nhân hung hãn đến từ công ty xây dựng Taishen. Chúng là những kẻ được nhóm đầu tư giấu mặt trao quyền giải tỏa đất đai.

Từ đầu đến cuối tác phẩm là bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt, với sự đấu tranh giữa hai phe điển hình. Một bên là nhóm tiểu thương hiền lành, làm ăn lương thiện ở vai trò yếu thế. Còn ở phía bên kia chiến tuyến là cả một tổ chức hùng hậu với thái độ côn đồ, hung hãn, sẵn sàng hành động bất chấp lý lẽ, đạo đức.

Trong khi những người dân yếu đuối phải co cụm lại với nhau để duy trì tinh thần đấu tranh qua từng ngày, cố gắng sử dụng các bằng chứng, công cụ hợp pháp, thì phía bên kia tỏ ra không hề kém cạnh khi áp dụng đủ mọi thủ đoạn để “hợp pháp hóa” công việc của mình. Chính tính thời sự của đề tài giúp Psychokinesis dễ tạo ra sự đồng cảm nơi khán giả.

Hình tượng “siêu anh hùng” thực dụng và đời thường

Trở lại với Seok-heon, hình tượng của ông có lối xây dựng hoàn toàn khác biệt so với những nhân vật sở hữu siêu năng lực đến các tác phẩm của phương Tây. Ông không phải người hùng bách chiến bách thắng, sở hữu lý tưởng chống lại kẻ xấu để bảo vệ người yếu thế hay hòa bình thế giới một cách vĩ đại, phô trương.

Nhân vật chính của Psychokinesis “đời” hơn rất nhiều. Là một người cha từng ruồng bỏ gia đình, sống cô độc lay lắt qua ngày, cuộc đời Seok-heon ngẫm lại chỉ còn duy nhất cô con gái là điều quý giá nhất.

review phim Psychokinesis anh 3
Siêu anh hùng Seok-heon tỏ ra rất gần gũi và thực tế.

Khi đột nhiên sở hữu siêu năng lực, điều đầu tiên ông nghĩ đến đơn giản chỉ là làm sao tận dụng nó để kiếm ra tiền. Nhân vật chẳng hề muốn trở thành người hùng bất đắc dĩ của nhóm tiểu thương, chẳng muốn truy cầu công lý hay bảo vệ nhóm yếu thế.

Trên thực tế, ông chỉ muốn bảo vệ con gái và bản thân. Mục tiêu của Seok-hoon là kéo Roo-mi ra khỏi mớ rắc rối không cần thiết để sống cuộc đời yên ổn, bình dị.

Nhân vật chính của Psychokinesis có thể mang tư duy quá thực dụng và có phần ích kỷ. Nhưng đây là điều hợp lý và hoàn toàn phù hợp với bối cảnh thực tế của bộ phim.

Siêu năng lực hay giấc mơ viển vông của kẻ yếu thế

Với sự góp mặt của một nhân vật mang siêu năng lực, đạo diễn Yeon Sang-ho có dịp đi sâu, hé lộ thêm nhiều mặt khác trong tâm lý con người ở phe yếu thế trong cuộc chiến thiện - ác quen thuộc.

Với những tiểu thương trong phim nói riêng và bất cứ nhân vật yếu thế nào ngoài đời thực nói chung, một nhân vật mang năng lực siêu phàm như Seok-heon hệt như giấc mơ. Bị cô lập, đơn độc, không còn sự bảo vệ từ các cơ quan công quyền, họ buộc phải tự mình tranh đấu một cách yếu ớt.

Và sự xuất hiện của siêu năng lực vượt ngoài tầm khả năng của họ chẳng khác nào “đấng cứu thế”, dù chỉ mang chất tính tạm thời và không biết liệu có thể giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề. Với họ, chỉ cần an toàn, yên ổn qua một vài đêm thâu cũng đã là điều đáng qúy.

review phim Psychokinesis anh 4
Đạo diễn Yeon Sang-ho cố gắng đào sâu về tâm lý của kẻ yếu thế khi một siêu anh hùng xuất hiện và giúp đỡ họ.

Nhưng dường như mọi chuyện, kể cả siêu anh hùng, cũng phải làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Rốt cuộc, ước mơ siêu anh hùng chỉ là điều viển vông và ấu trĩ. Bởi khả năng dẫu có siêu phàm tới đâu, mỗi cá nhân sống trong xã hội không thể hành động vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật, chống lại chính quyền và lực lượng hành pháp một cách vô lối.

Đây chính là thực tế phũ phàng mà ngay từ ban đầu, khán giả và nhân vật Seok-heon đã phần nào hiểu được, trong khi chỉ có nhóm tiểu thương trong phim là cố chấp không chịu thấu hiểu.

Psychokinesis cũng không thiếu các chi tiết mỉa mai, châm biếm. Sau khi chứng kiến siêu năng lực của Seok-heon, nhóm tiểu thương yếu thế lập tức quên đi vấn đề của bản thân, mà chỉ chăm chăm tìm hiểu xem… làm sao để kiếm tiền từ chuyện đó.

Họ cũng chẳng biết tận dụng điều đó một cách mới mẻ, hiệu quả hơn, mà luôn tỏ ra thụ động, cố gắng duy trì cách đấu tranh cũ đầy vô vọng.

Rốt cuộc, người có vẻ ích kỷ, thực dụng như Seok-heon, hay đám công ty xây dựng và chủ đầu tư tưởng như tàn bạo, vô đạo đức, suy cho cùng lại là những cá nhân tỉnh táo, lý trí nhất, bất chấp cách thức thực hiện lý tưởng có phần tà đạo. Psychokinesis vì thế mang ý nghĩa xã hội khá sâu cay và đáng suy ngẫm.

Nhiều lý tưởng nhưng kết hợp chưa hiệu quả

Mong muốn kết hợp nhiều ý tưởng lạ, nhưng đạo diễn Yeon Sang-ho thực tế chưa thực sự thành công trong việc kể câu chuyện đến cho khán giả.

Ngay từ đầu, nhà làm phim miêu tả phía công ty xây dựng là những kẻ phản diện điển hình, với thái độ côn đồ, hành động tàn bạo, bất chấp đạo đức, thậm chí cả pháp luật.

Điều đó giúp xây dựng hình tượng nhóm nhân vật mang tính tiêu cực cao, gây ra sự khó chịu, chán ghét, đồng thời giúp tạo nên sự đồng cảm, ủng hộ dành cho bên yếu thế.

review phim Psychokinesis anh 5
Ranh giới thiện - ác trong phim càng về cuối càng khó xác định, dù khán giả bị áp đặt ngay từ đầu.

Nhưng càng về cuối, khán giả càng cảm thấy khó khăn trong việc phân định xem ai đúng ai sai. Nhóm tiểu thương là bên yếu thế, nhưng điều họ làm có đúng pháp luật quy định? Cả bộ phim, đạo diễn không nêu ra giúp họ bất cứ bằng chứng, lý lẽ thuyết phục nào, dù về tình hay về lý.

Công ty xây dựng thô bạo, nhưng đó là việc họ làm theo thỏa thuận có hợp pháp hay không? Những chi tiết ấy không xuất hiện, khiến việc phân định phải - trái, đúng - sai trong phim ngày một trở nên nhập nhằng, khó đoán định.

Do đó, việc phân chia nhân vật thiện - ác rõ ràng ngay từ ban đầu của Yeon Sang-ho là bước đi liều lĩnh, có phần áp đặt tư tưởng cho khán giả. Hậu quả là Psychokinesis trở nên thiên lệch, thiếu khách quan.

Bên cạnh đó, hai tuyến truyện của nhân vật Seok-heon và nhóm tiểu thương kết hợp với nhau chưa thực sự nhuần nhuyễn. Một bên được xây dựng hài hước, tươi sáng, trái ngược với bầu không khí căng thẳng, vô vọng của bên kia.

Mỗi lần nhân vật chính xuất hiện có thể đem lại chút tiếng cười giúp làm giãn tiết tấu. Nhưng trái lại, loạt chi tiết khiến mạch phim bị gãy, tỏ ra thiếu nghiêm túc khi cần thiết.

Nhìn chung, Psychokinesis là trải nghiệm mới mẻ của đạo diễn Yeon Sang-ho khi ông cố gắng kết hợp yếu tố giả tưởng với các vấn đề xã hội một cách hài hước, sâu cay. Tuy nhiên, bộ phim cần đầu tư tốt hơn nữa về mặt kịch bản để có thể trở nên sâu sắc và tạo ra hiệu quả mong đợi.

Tác giả bom tấn ‘Train to Busan’ trở lại bằng phim dị nhân

Dự án tiếp theo của Yeon Sang-ho - “Psychokinesis” - xoay quanh một dị nhân có khả năng điều khiển đồ vật, và dự kiến ra rạp trong đầu năm 2018.






Khánh Hưng

Ảnh: Netflix

Bạn có thể quan tâm