Quà 20/11, khen giầy cô đẹp để lấy số đo
Chuyện quà cáp thầy cô nhân ngày 20/11 năm nào cũng là chủ đề được bàn tán rộn ràng. Chỉ cần lướt qua một vài trang web dành cho các bậc cha mẹ, có thể dễ dàng thấy những “topic” nóng này luôn được cập nhật hằng ngày.
Phong bì vẫn là lựa chọn số 1
Rất nhiều phụ huynh đồng ý với phương án tặng thầy cô “bao thư”, vừa nhanh, tiện, lại đúng ý. Dù hơi thực dụng, nhưng theo giải thích của các mẹ thì hoa tươi chỉ bày được mấy ngày rồi bỏ đi, rất phí phạm. Ngày này, thầy cô được tặng nhiều hoa, có khi còn phải cho bớt đi. Quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm… thì không biết cô dùng loại nào, thích gì, có vừa hay không nên rất khó mua. Phong bì vẫn là tiện nhất, để các cô mua đúng ý mình, mua đồ mình thực sự cần.
Nhiều cha mẹ không ngần ngại thừa nhận tất cả các dịp lễ tết phong bì trao tay, từ 20/10, 20/11, 8/3, Tết dương, Tết âm…
“Mình thấy bây giờ đi quà các thầy cô chủ yếu là phong bì cho tiện. Nhiều khi mua quà cô không vừa ý, không dùng cũng phí, tiện nhất là đi phong bì. Mình cũng thường làm vậy vào các dịp như đầu năm, lễ , tết... để cô quan tâm để ý đến bé hơn”, một mẹ chia sẻ trên webtretho.
Mẹ Akami cũng đồng tình với ý kiến này: “Mình cũng tặng cô phong bì, 20-10, 8/3... đều phong bì tất, đỡ phải đau đầu nghĩ gì vì mình mua chắc gì cô đã thích, mình thấy các cô toàn cho họ hàng, bè bạn mà. Không tặng thì lại lo lắng cho con, thôi thì có vẫn hơn, dẫu biết có cô không quan trọng việc đó”.
Theo các mẹ thì “thời buổi này chẳng cô nào thích sữa tắm, dầu gội đâu, cứ phong bì là tiện nhất”. Nhiều mẹ tế nhị hơn thì mua một tấm thiệp, quyển sổ hay một món quà nho nhỏ rồi kẹp phong bì bên trong. “Ngày trước, mình hay mua đồ lưu niệm hay đồ dùng xinh xinh (tất, khăn tay,...) rồi nhét phong bì vào đó”.
Hay như một mẹ khác chia sẻ: “Mình cũng hay mua quà rồi đưa cho con tặng cô, nếu có phong bì thì khéo léo gài thêm vào gói quà không cho con biết!” Mẹ có nickname Nga Nhím thì tiết lộ món quà vừa thực tế vừa tận dụng được “cây nhà lá vườn”: “Nhà mình sẽ đi 5- 10kg Cam Vinh cây nhà lá vườn và phong bì cho cô nữa”.
Một phụ huynh khác đưa ra lý do khá hợp lý cho việc tặng phong bì thay vì hoa, quà: “Đúng là đi phong bì làm hư thầy cô, nhưng các mẹ cứ thử nghĩ xem, giờ mua bó hoa tặng cô cũng 200 nghìn rồi, mà hoa thì chả đùng được bao nhiêu. Nếu 200 nghìn đó cho vào phong bì thì các cô còn dùng được nhiều cái thiết thực hơn”.
Cũng có nhiều bố mẹ ủng hộ việc tặng quà cho thầy cô, cho dù là hoa, quà hay phong bì. Một mẹ phân tích rất hợp tình hợp lý: “Em cũng nghĩ là chẳng vì 100-200 nghìn mà các cô ghét cháu. Hoặc đơn giản là nếu cả lớp đều "quan tâm" cô thì cô cũng chẳng thể ưu ái đặc biệt cho cháu nào. Nhưng mình thấy cả năm cô cũng quần quật với cháu, nên không có quà tặng cô vào ngày đấy thì cũng tủi, mà tặng thì hoa với quà hoá ra lại lãng phí”.
Một mẹ khác cũng chia sẻ rằng tặng quà cô “không hề thấy tiếc” vì cô chăm bé khá kĩ. Việc tặng cô bao nhiêu là tùy tấm lòng và điều kiện mỗi người, không nhất thiết phải có giá chung hay nhất định phải là phong bì.
Hàng hiệu: độc, xịn
Một ông bố giấu tên chia sẻ, vài năm gần đây, quà tặng thầy cô không chỉ có phong bì mà còn rộ mốt tặng hàng hiệu. Hiện tượng này xuất hiện chủ yếu ở các trường công – môi trường mà việc quà cáp được đặt nặng hơn cả. Các gia đình “chịu chơi” cũng là những phụ huynh có điều kiện bởi một món quà hàng hiệu bình thường nhất cũng phải vài ba triệu.
Hài hước hơn cả là để tặng quà hợp với sở thích, nhu cầu và vừa vặn với thầy cô, các bậc phụ huynh đã phải dùng đến những mẹo nhỏ để biết được chính xác các thông tin mà vẫn tế nhị.
Ví dụ như muốn tặng cô một đôi giày, các mẹ có thể dùng chiêu khen giày của cô đẹp, rồi mượn cô ướm thử để đoán kích cỡ chân to bé thế nào. Hay để biết cô thích áo, túi màu gì, phụ huynh có thể khơi gợi, trò chuyện với cô về phong thủy, tuổi, mệnh… Hoặc nếu có quen người nhà của cô thì nhờ hỏi xem cô thích gì, loại nào… Nhìn chung, cách này vừa tốn kém hơn lại khá công phu, vất vả với các phụ huynh, tuy nhiên với hi vọng quà “độc”, xịn sẽ giúp cô quan tâm tới các con hơn, vẫn có những ông bố bà mẹ dám chi và chấp nhận sự vất vả đó.
Vẫn còn những phụ huynh dám “làm liều”
Tuy nhiên, bên cạnh những ý tưởng có phần thực tế, nhanh gọn của đại đa số phụ huynh, vẫn có nhiều mẹ ủng hộ những món quà truyền thống, mang nhiều ý nghĩa mặc dù về mặt kinh tế cũng không hề rẻ hơn. Thậm chí, các mẹ còn phải mất công tự làm, tự thiết kế món quà.
Nhiều mẹ đưa ý kiến nên tặng cô những lọ hoa lụa giá từ 100-300 nghìn, hoặc có thể mua nguyên liệu về tự làm, vừa đẹp vừa để được lâu, không nhanh tàn như hoa tươi. Hay có mẹ kể chuyện cô giáo được tặng một bức tranh thêu chữ thập (một thú vui của khá nhiều bà mẹ hiện đại), được cô giáo rất thích và treo ngay phòng khách.
Phần lớn các ông bố bà mẹ đều không ủng hộ việc tặng phong bì, tuy nhiên do tâm lý sợ con em mình thiệt thòi, không bằng bạn bè, nên đành nhắm mắt làm theo số đông. Rất ít phụ huynh dám “làm liều” đi ngược lại.
Cá biệt có nickname metysusu tâm sự không ủng hộ việc đưa phong bì cho cô và nảy ra sáng kiến tổ chức tiệc ngọt cho các cô cùng học sinh, mục đích chỉ để vui vẻ.
Ủng hộ quan điểm này và dám làm theo chỉ có một vài phụ huynh. “Chắc tại em hơi cổ hủ chứ em ko thích trẻ con biết đến chuyện đưa tiền sớm quá nên em với các chị nhà em toàn cho bọn trẻ con tặng cô giáo cái khăn, mảnh vải hay lọ hoa lụa (cái này nhà em trồng được) rồi tự tay các con viết thiếp chúc mừng cô thôi!”.
Không giống nhiều phụ huynh nhận định, một bạn trẻ có bố là giáo viên tâm sự, không phải quà cho giáo viên hầu hết đều là phong bì, thầy cô cũng nhận được nhiều món quà khác tuy không có giá tri vật chất nhưng giá trị tinh thần thì rất lớn. Có những món quà rất dễ thương như một con ngựa bằng len vì thầy cô tuổi ngựa, hay một đôi tất, hộp kẹo…
Nghĩ về sự trong sáng, giản dị của tình thầy trò ngày xưa, một mẹ bùi ngùi kể về một lần hai mẹ con lóc cóc đạp xe đến tặng cô một chiếc nón, nhỏ bé nhưng vô cùng ý nghĩa, để rồi mỗi lần nhìn thấy cô đội chiếc nón ấy, chị lại thấy vui trong lòng.
Theo VietNamnet