Ngày 10/7, hot girl Hong Kong Sofia Cheung (32 tuổi) tử nạn khi đi chơi cùng nhóm bạn tại công viên Ha Pak Lai.
Khi đang chụp ảnh selfie ở rìa thác nước tại khu vực Pineapple Mountain của công viên, một địa điểm nổi tiếng với những người đi bộ đường dài vào lúc hoàng hôn, Cheung đã bị trượt chân và rơi xuống từ độ cao 5 m.
Sau khi truyền thông đưa tin, nhiều người dùng để lại các bình luận chia buồn, thương tiếc tại bức ảnh cuối cùng Cheung đăng trên mạng xã hội, theo NBC News.
Cheung tử vong sau khi trượt chân lúc đang selfie. Ảnh: Sofia Cheung. |
Tuy nhiên, cái chết của Cheung bị một số người đem ra giễu cợt, chế nhạo hot girl quá cố thích "sống ảo", bất chấp tính mạng.
Trên Twitter, một tài khoản chia sẻ về vụ tai nạn kèm chú thích “Sao mạng vừa rơi hạng”, mỉa mai việc ngã từ trên cao của nạn nhân. Bài đăng này có hơn 5.700 lượt like.
Những bình luận vô tâm về sự ra đi của hot girl Hong Kong lần nữa thể hiện thái độ độc hại của một bộ phận người dùng với các influencer (những người có ảnh hưởng trên mạng).
Bắt nạt, quấy rối sao mạng nữ
Mức độ căm ghét, quấy rối với sao mạng càng tăng lên trong thời gian người dân ở nhà tránh dịch, thời lượng sử dụng Internet tăng mạnh. Trong đó, nữ giới có xu hướng bị chỉ trích nặng nề hơn.
“Nhiều người gọi tôi là đồ xấu xí, béo phì, giả tạo. Họ nói đủ thứ kinh khủng về tôi và gia đình, thậm chí gửi tin nhắn đe dọa. Tôi cảm thấy bất lực trong việc ngăn chặn bởi họ liên tục tạo tài khoản mới”, Erim Kaur, một blogger về phong cách sống và làm đẹp, kể lại vào năm ngoái.
Các chuyên gia phân tích có nhiều lý do khiến các influencer trở thành nạn nhân của bắt nạt, quấy rối trực tuyến. Trong đó, tính ẩn danh, không lộ danh tính của người bình luận và sự ác cảm với nghề nghiệp, giới tính nhắm vào nữ giới là hai nguyên nhân chính.
Sau khi tin tức hot girl qua đời được đăng tải, nhiều người dùng vào trang cá nhân của cô để lại các bình luận chia buồn. Ảnh: Sofia Cheung. |
“Dù cả nam và nữ đều làm công việc người sáng tạo nội dung, phụ nữ không được coi trọng bằng. Giống như khi phụ nữ tham gia bất kỳ nghề nghiệp nào, việc trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội và kiếm tiền từ nó không được nhìn nhận công bằng như với nam giới”, Brooke Erin Duffy, phó giáo sư truyền thông tại Đại học Cornell (Mỹ), cho biết.
“Họ bị đánh giá, soi xét với các tiêu chuẩn khắc nghiệt hơn nhiều”, cô nói thêm.
Phó giáo sư cho biết đối tượng người có ảnh hưởng bị đăng tải trên các blog “ném đá” người nổi tiếng như Influencer in the Wild, Get Of My Internet chủ yếu là phụ nữ. Trong nhiều trường hợp, những người buông lời miệt thị, xúc phạm chính là nữ giới.
Nghi ngờ dàn dựng
Ngoài ra, các chuyên gia còn đưa ra khái niệm “sự nổi tiếng không được công nhận”, tức là những ngôi sao mạng bị đánh giá là không có tài năng hay đóng góp thực sự cho xã hội mà đơn giản là ăn may kiếm tiền.
“Nhiều người theo dõi ghen tị, khó chịu với sự giàu có và chú ý các influencer nhận được. Vì nghề làm người ảnh hưởng còn rất mới, không lạ khi những nghi ngờ về nó xuất hiện”, Scott W. Campbell, chủ nhiệm khoa Truyền thông của Đại học Michigan (Mỹ), cho biết.
Theo ông Campbell, các bài đăng của sao mạng thường bị đặt dấu hỏi chấm về tính xác thực. Liệu có sự sắp đặt nào được dựng sẵn để thu hút người xem? Sự nghi hoặc nảy sinh ngay cả ở những hình ảnh về tai nạn, bi kịch.
Bức ảnh kể về tai nạn xe máy của cô gái Tiffany Mitchell từng bị chỉ trích là cố tình tạo yếu tố giật gân, gây thương xót để quảng cáo nước uống trá hình. Ảnh: Forbes. |
Năm 2019, ngôi sao mạng Tiffany Mitchell đăng tải hình ảnh kể lại chuyện cô bị tai nạn xe mô tô và bị thương ở cánh tay. Tuy nhiên, đa số người xem cho rằng cô gái này dàn dựng và thực chất đây là một bài quảng cáo sản phẩm nước giải khát trá hình.
Lý do nằm ở chỗ hình ảnh Tiffany nằm bên vệ đường có chất lượng tốt, được chỉnh màu kỹ càng. Ngoài ra, một chai nước xuất hiện ở vị trí trông như ai đặt vào thay vì ngẫu nhiên.
Sau đó, nhãn hàng lên tiếng cho biết họ không mời Tiffany hợp tác. Còn chính chủ khẳng định vụ tai nạn là thật và cô chỉ biết những bức ảnh sau khi hồi phục.
Tiffany được minh oan sau khi Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Williamson và báo cáo y tế từ bệnh viện xác nhận vụ tai nạn xảy ra.
“Không gian bức ảnh trông đầy tính thương mại hóa nên không khó hiểu khi người xem ngờ vực vụ tai nạn là giả”, Emily Hund, thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Văn hóa và Xã hội Kỹ thuật số thuộc Đại học Pennsylvania, phân tích.
Theo Hund, sự hoài nghi ấy dẫn đến những bình luận tàn nhẫn khi thấy các sao mạng gặp xui xẻo, tai nạn. Trường hợp mới nhất của hot girl Hong Kong là một ví dụ.