Vừa có mặt tại một sân bay ở Tây Ban Nha, James và gia đình nhận thông tin chuyến bay của mình không thể cất cánh.
Sau 2 năm dịch bệnh, vợ và hai con của anh mới có thể từ Hong Kong sang châu Âu gặp người nhà. Giờ đây, họ mong muốn quay trở về nhưng gặp khó khăn hơn bao giờ hết bởi các quy định phòng dịch của Hong Kong liên tục thay đổi.
Chia sẻ trên SCMP, James cho biết anh mua vé máy bay của hãng hàng không Turkish Airlines với lộ trình dự kiến từ Tây Ban Nha quá cảnh tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), sau đó hạ cánh xuống Hong Kong.
Ngày 8/4, Hong Kong phát hiện 3 hành khách có kết quả dương tính nCoV trên chuyến bay của Turkish Airlines về từ Istanbul. Ngay sau đó, chính quyền yêu cầu tạm dừng tiếp nhận tất cả chuyến bay xuất phát từ thành phố này trong 7 ngày. Những hành khách như James chịu ảnh hưởng và không kịp trở tay.
"Chúng tôi không thể làm được gì. Ở sân bay, có nhiều người dân Hong Kong khác cũng mắc kẹt như chúng tôi, một số người đã bật khóc", doanh nhân người Anh nói.
Hành khách mệt mỏi
Sự cố dừng bay nêu trên chỉ là khởi đầu cho hàng loạt khó khăn mà gia đình James phải đối mặt. Suốt một tuần lễ sau đó, anh kiên trì tìm kiếm lộ trình khác để bay.
Cuối cùng, anh quyết định mua vé của Turkish Airlines để bay đến Bangkok (Thái Lan), sau đó chuyển sang một hãng hàng không khác để về Hong Kong.
"Tôi thật sự rất căng thẳng, không biết còn điều gì đột xuất nữa hay không", anh chia sẻ trên SCMP và cho biết thêm gia đình mình tiêu tốn thêm 20.000 HKD (tương đương 2.550 USD) do bị trì hoãn lịch trình.
Hành khách chịu tổn thất về thời gian, tài chính và tinh thần khi Hong Kong liên tục cấm bay. Ảnh: SCMP. |
Ngoài James, nhiều hành khách khác cũng bày tỏ sự áp lực, mệt mỏi khi Hong Kong thông báo lệnh cấm bay, không chỉ một mà nhiều lần. Một số người quyết định cùng lúc đặt mua vé máy bay của nhiều hãng hàng không để đề phòng tình huống bị hủy chuyến.
Ông Leo (60 tuổi), một người Hong Kong làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, cho biết đã mua vé cho chuyến bay của hãng hàng không Qatar Airways với lộ trình từ London (Anh) về Hong Kong, quá cảnh tại Doha (Qatar) vào ngày 16/4. Ngày 6/4, ông nhận thông báo chặng bay này bị đình chỉ.
Thế nhưng ông Leo vẫn thấy may mắn bởi trước đó, ông đã trả 11.000 HKD để mua thêm một vé máy bay khác của hãng Turkish Airlines. Hành trình thứ 2 may thay không bị cấm.
"Để về được Hong Kong trong thời gian này, chúng tôi phải làm việc vất vả hơn, chi trả số tiền nhiều hơn để mua được vé máy bay và đặt phòng khách sạn. Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và điều kiện để theo đuổi đến cùng", ông nói.
Hãng hàng không dè chừng
Trong khi đó, theo các chuyên gia, Hong Kong luôn thể hiện mình là một trung tâm hàng không quốc tế, nhưng giờ đây hình ảnh này đang bị tổn hại.
Từ đầu năm cho đến nay, Hong Kong ban hành 65 lệnh cấm bay. Riêng trong tuần qua, chính quyền đình chỉ 11 chặng bay, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của 9 hãng hàng không.
Ngoài Turkish Airlines, các lệnh cấm hoạt động một tuần được áp dụng với KLM Royal Dutch Airlines, Qatar Airways, All Nippon Airways, Cathay Pacific Airways, Emirates Airlines, Japan Airlines, Singapore Airlines và Ethiopian Airways.
Từ đầu năm cho đến nay, Hong Kong ban hành 65 lệnh cấm bay. Ảnh: SCMP. |
Với các quy định hạn chế nghiêm ngặt của Hong Kong, các hãng hàng không trở nên thận trọng hơn trong việc mở lại các chuyến bay thương mại đến vùng lãnh thổ này.
Emirates Airlines, hãng hàng không bị đình chỉ đến 7 lần trong 4 tháng đầu năm, cho biết vẫn cam kết tổ chức các chuyến bay hàng ngày từ quốc tế đến Hong Kong nhưng không có kế hoạch khai thác mở rộng, đẩy mạnh thêm hoạt động tại đây.
Virgin Atlantic Airways xác nhận sẽ không nối lại các chuyến bay từ London tới Hong Kong cho đến tháng 9/2022. Trong khi đó, British Airways trả lời sẽ không bay đến Hong Kong, ít nhất là đến ngày 29/5.
Ông Simon Lee Siu-po, thành viên Viện Kinh doanh Châu Á - Thái Bình Dương, Đại học Trung Quốc, cho rằng các hãng hàng không buộc phải có kế hoạch nhằm ứng phó với các quy định phòng dịch.
Bản thân ông cũng chịu ảnh hưởng bởi lệnh cấm bay của Emirates Airlines từ Bangkok đến Hong Kong và phải đặt mua một vé mới để quá cảnh qua Singapore. Ông khuyến nghị du khách nên mua bảo hiểm du lịch để đề phòng tình huống phải đổi chuyến bay hoặc ở tại khách sạn trong lúc chờ đợi.
Đồng thời, ông Lee cho biết mình không lạc quan về triển vọng phục hồi của Hong Kong với tư cách là một trung tâm hàng không, đặc biệt khi những nơi khác, như Singapore, đã mở cửa gần như hoàn toàn cho khách du lịch quốc tế.
"Các hãng hàng không sẽ phải mất một thời gian dài để xây dựng lại kế hoạch khai thác. Tôi không nghĩ rằng giao thông hàng không quốc tế sẽ nhanh chóng nhộn nhịp trở lại tại Hong Kong", ông nói.