Quá nhiều 'sạn' trong thẻ học thông minh
Thẻ học thông minh được cho là ưu thế của Alpha Books trong thị trường sách truyện dành cho thiếu nhi hiện nay. Tuy nhiên, bộ thẻ mới nhất của Alpha Books vừa ra mắt đáng tiếc lại có một số “sạn”.
Lỗi chính tả trong sách. |
Hè này, Alpha Books liên tục cho ra mắt 5 sản phẩm Thẻ học thông minh nâng tổng số Thẻ học thông minh đã phát hành của công ty này thành 25 sản phẩm. Trong đó có bộ “Từ đồng nghĩa - Tiếng Việt giàu và đẹp”, “Từ đồng âm - Tiếng Việt giàu và đẹp” dành cho độ tuổi 6+. Tuy nhiên bộ thẻ về từ đồng nghĩa đã đưa ra một số cụm từ không chính xác.
Thẻ học thông minh được giới thiệu là công cụ học tập hiện đại do nhóm biên soạn của Alpha Books dày công nghiên cứu và phát triển phù hợp với văn hóa, tâm lý theo chuẩn giáo dục Việt Nam.
Ở bộ thẻ thông minh từ đồng nghĩa, mỗi nhóm từ đồng nghĩa được minh họa sinh động theo chuỗi 3-4 thẻ giúp trẻ dễ dàng nhận biết và phân biệt từ đồng nghĩa. Chẳng hạn, cụm từ đồng nghĩa: Má/ Mẹ/Mạ khá dễ hiểu với hình ảnh đẹp và đặc trưng của bà mẹ Nam/ Bắc/Trung hay các cụm từ đồng nghĩa Hy sinh/Băng hà/Chết; Hổ/Hùm/Cọp…
Thẻ cụm từ đồng nghĩa. |
Bộ thẻ được in khá đẹp và bắt mắt. Tuy nhiên, khi xem nội dung của một số từ đồng nghĩa trong bộ thẻ này, người giật mình trước một vài cụm từ như: Thái/Băm/Chặt hoặc Giận/Dỗi/Tức/Phẫn nộ. Cụm từ Thái/Băm/Chặt còn có thể được coi là đồng nghĩa, nhưng quá khó đối với bọn trẻ, còn cụm từ Giận/Dỗi/Tức/Phẫn nộ, thì từ Dỗi khác hẳn với ba từ kia.
Đem thắc mắc này hỏi PGS -TS Phạm Văn Tình, chuyên gia ngôn ngữ học. Ông cho biết: “Từ đồng nghĩa là những từ phải thay thế được cho nhau, có thể sắc thái khác nhau. Thái/Băm/Chặt thực ra là ba động tác khác nhau, dù ở một tiểu trường nghĩa nào đó thì chúng giống nhau. Do đó, đưa ba từ này là đồng nghĩa sẽ làm trẻ lúng túng. Giận/Dỗi/Tức/Phẫn nộ thì Tức và Phẫn nộ là đồng nghĩa, nhưng hai từ kia thì khác hẳn, không thể gọi là đồng nghĩa”.
Một trường hợp khác, chiếc thẻ trích dẫn: Con trai Văn Cốc, lên dốc bắn cò, đứng lăm le, cười khanh khách/Con gái Bát Chàng, bán hàng thịt ếch, ngồi châu chẫu, nói ương ương, từ đó cho rằng hai cụm từ Cốc/Cò/Le/Khách và Chàng/Ếch/Chẫu/Ương là những cụm từ đồng nghĩa. Đã thế, con gái Bát Tràng lại được in thành Bát Chàng.
Theo PGS- TS Phạm Văn Tình, các con vật này có nhiều điểm giống nhau, nhưng là các con vật hoàn toàn khác nhau. Nếu cho chúng là những từ đồng nghĩa thì không đúng. Đại diện truyền thông của Alpha Books cũng thừa nhận, đây là sơ suất ở khâu biên tập.
Theo Tiền Phong