Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Qua ống kính trẻ thơ' - khóa học làm phim nhiều ý nghĩa

Không chỉ là khóa học làm phim, “Qua ống kính trẻ thơ” còn là cách Tập đoàn Panasonic khuyến khích học sinh theo đuổi đam mê, phát triển kỹ năng, trở thành công dân toàn cầu.

Trong bối cảnh các hoạt động cổ vũ thế hệ thanh thiếu niên sống với đam mê, phát triển kỹ năng mềm đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khóa học làm phim “Qua ống kính trẻ thơ” thực sự là sân chơi bổ ích giúp các em thể hiện quan điểm bản thân về những vấn đề xã hội.

Mang triết lý giáo dục vì đam mê

Thế kỷ 21 chứng kiến nhiều cải cách trong lĩnh vực giáo dục. Các nước phát triển khuyến khích thế hệ trẻ không ngừng khám phá cuộc sống, độc lập trong tư duy và phát triển các kỹ năng mềm.

Phần Lan từ lâu được xem là một trong những quốc gia đi đầu về chất lượng giáo dục. Bí quyết thành công của đất nước này được nguyên Bộ trưởng giáo dục Krista Kiuru bật mí: “Trẻ em không nên có bài tập về nhà. Chúng nên có nhiều thời gian tận hưởng những đặc quyền của tuổi thơ, để trưởng thành từ những trải nghiệm và trân trọng vẻ đẹp của thế giới”.

Trong khi đó ở Nhật Bản, Bộ Giáo dục đưa ra định hướng 2020 là “Đam mê dẫn lối tương lai”, đánh dấu bước cải tiến trong chương trình giảng dạy.

Hơn bao giờ hết, phong trào cổ vũ thế hệ thanh, thiếu niên sống với niềm hứng khởi và say mê, phát triển kỹ năng mềm thiết yếu có tác động mạnh mẽ đến thế. Các em được tham gia hàng loạt chương trình, cuộc thi quy mô, nơi đem đến những trải nghiệm đáng nhớ, chắp cánh cho hành trình trưởng thành.

Panasonic anh 1
Sau 30 năm, “Qua ống kính trẻ thơ” trở thành sân chơi giúp công dân toàn cầu thể hiện quan điểm của bản thân về những vấn đề xã hội.

Một trong những sự kiện được thanh thiếu niên quốc tế quan tâm là “Qua ống kính trẻ thơ” (Kid Witness News) - hoạt động thường niên được Panasonic tổ chức từ năm 1989. Khóa học làm phim này khuyến khích thế hệ trẻ tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ, thể hiện quan điểm cá nhân trước thực trạng xã hội.

Bằng cách giúp đỡ học sinh ở lứa tuổi tiểu học, trung học dựng lên những thước phim ngắn, phản ánh thế giới xung quanh, các vấn đề xã hội về gia đình, trường lớp, môi trường, phân biệt chủng tộc, phòng chống ma túy…, “Qua ống kính trẻ thơ” mở ra cánh cửa để người lớn bước vào thế giới của các bạn trẻ, thấu cảm quan điểm của con em mình.

Song hành với trải nghiệm này, các bạn nhỏ học được những kỹ năng xã hội, làm việc nhóm. Đối với nhiều bạn nhỏ, đây là cơ hội để thể hiện tri thức và niềm tự hào vượt ra ngoài lãnh thổ.

Giàu tính nhân văn

Tại Việt Nam, chương trình “Qua ống kính trẻ thơ” ghi được dấu ấn đậm nét sau 13 năm tổ chức. Bên cạnh đào tạo làm phim tại studio chuyên nghiệp, các bạn nhỏ có cơ hội tham gia chương trình quay phim dã ngoại, truyền tải những thước phim ngoại cảnh sinh động, cũng như hòa mình vào các hoạt động tập thể để kết giao bạn mới và trải nghiệm các lớp học rèn luyện kỹ năng sinh tồn.

Năm nay, từ khi khởi động, chương trình nhận được sự quan tâm của hàng nghìn học sinh 10-18 tuổi tại Hà Nội, với 154 kịch bản ấn tượng, khai thác nhiều chủ đề như môi trường, giao tiếp, thể thao và phát triển bền vững. Trong đó, phát triển bền vững là chủ đề mới, khuyến khích học sinh hiểu hơn về các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Các kịch bản năm nay phản ánh những góc nhìn đa diện của các bạn trẻ về cuộc sống. Sự nghiêm túc, say mê trong quá trình xây dựng kịch bản và nỗ lực áp dụng những bài học làm phim đầu tiên, dù còn nhiều bỡ ngỡ, vẫn cho thấy tâm huyết của các đoàn làm phim nhí trong quá trình đồng hành cùng “Qua ống kính trẻ thơ”.

Panasonic anh 2
Đội Flames với bộ phim Con nhà người ta giành giải nhất lứa tuổi 10-12.

Ông Kazuhiro Matsushita, Tổng giám đốc Panasonic Việt Nam, chia sẻ: “Mỗi bộ phim kể với tôi một câu chuyện riêng. Thông qua các tác phẩm, tôi cảm nhận được sự quan tâm của các em học sinh về trái đất, môi trường, gia đình, bạn bè... Thông qua việc học làm phim, các em có thể hiểu hơn những gì đang diễn ra xung quanh cuộc sống hàng ngày, đồng thời nói lên tiếng nói của mình về các vấn đề đó”.

Năm nay, giải nhất lứa tuổi 10-12 thuộc về nhóm Flames với bộ phim Con nhà người ta, phản ánh vấn đề về sự so sánh của cha mẹ và áp lực thành tích vô hình mà các bạn nhỏ đang gánh trên vai. Không kém phần ấn tượng, tác phẩm Sân chơi giành giải nhất lứa tuổi 13-18 của nhóm Emmanuel hoàn toàn chinh phục ban giám khảo khi thể hiện sự thiếu hụt không gian thể thao, giải trí, truyền tải mong ước của bao thế hệ trẻ em sống tại thủ đô.

Panasonic anh 3
Đội Emmanuel giành giải nhất lứa tuổi 13-18 tuổi với bộ phim Sân chơi.

Như lăng kính đầy màu sắc hướng về thế giới tuổi thơ trong sáng, “Qua ống kính trẻ thơ” hình thành dựa trên nền tảng của sự thấu hiểu, chân thành, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, khuyến khích trẻ phát huy tính tò mò, năng lực sáng tạo, gom đầy những trải nghiệm trong hành trình “học làm người lớn” đang chờ đợi phía trước.

Mộc Trà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm