Thời gian gần đây trên các tuyến phố Hà Nội xuất hiện một loại quả đẹp mắt, có màu tím, chín mọng, to như mận, hình dáng giống quả dâu tằm và được gọi là thanh mai. Bên cạnh đó, loại quả này được người bán hàng quảng cáo như một đặc sản của núi rừng.
Về nguồn gốc, chị Mai (bán hàng tại phố Chùa Bộc, Hà Nội) chia sẻ thanh mai mọc trên đỉnh núi cao Yên Tử, Quảng Ninh. Thanh mai, tác dụng mát gan, chống lão hóa, nhuận tràng, chỉ có trong 1-2 tuần. Vì vậy, mặc dù giá bán khá cao dao động từ 150.000-180.000 đồng, song rất nhiều người dân thủ đô vẫn chọn mua loại quả này.
Thanh mai đang được bán khá nhiều tại khắp các tuyến phố của Hà Nội. Ảnh: HQ. |
Thanh mai là quả gì?
Bác sĩ Nguyễn Thị Liễu cho hay thanh mai thuộc họ Dâu rượu Myricaeae. Tên gọi này thường chỉ thấy ghi trong một số sách thực vật, dựa theo tên Trung Quốc của cây. Riêng nước ta, nhân dân thường chỉ gọi là cây dâu, dâu rượu hoặc dâu tiên.
Về đặc điểm, loại cây này cao khoảng 0,4-0,5 m. Cành cây thường có phủ lông tơ, lá xanh tươi quanh năm. Quả có đường kính 5 mm đến 1 cm khi chín có màu đỏ tím, mọng nước trên mặt rất nhiều gợn thoạt trông giống như quả dâu tằm. Mùa hoa thanh mai từ tháng 10-11, mùa quả từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau (tính theo âm lịch).
Loại cây này mọc hoang tại nhiều tỉnh phía bắc nước ta, đặc biệt là miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế nhưng duy chỉ có vùng Quảng Bình nhân dân khai thác để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Cây còn mọc ở Ấn Độ, Malaixia, miền nam Trung Quốc, Nhật Bản.
Vào mùa quả chín (tháng 12 đến 3 âm lịch) ở Quảng Bình, nhân dân thường thu hái, phơi khô, sau đó đem đồ để bảo quản không bị mọt.
Bác sĩ Liễu cho biết chưa có tài liệu nghiên cứu về các thành phần hóa học có trong quả thanh mai. Tuy nhiên, theo bà, quả xanh có axit hữu cơ, tanin, vitamin C, quả chín chứa đường, sắc tố anthoxyan.
Loại quả này chứa 7-10% đường, 0,5-1% axit hữu cơ và rất ít myrixetin. Lá chứa 0,02-0,03% tinh dầu, tanin và taraxerol.
Dùng thanh mai như thế nào?
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của giáo sư Đỗ Tất Lợi, thanh mai được ghi dùng làm thuốc đầu tiên trong Khai Tống bản thảo sau đến Bản thảo cương mục. Tài liệu cổ ghi loại quả này có vị chua, ngọt, tính bình, có tác dụng lý khí, tán ứ, thanh thấp nhiệt.
Vào mùa hạ, người ta thu quả phơi khô chữa đau bụng, lỵ, ngày dùng 8-12 g vỏ khô sắc với nước uống trong ngày. Để chữa lở ngứa, dân gian thường dùng vỏ thân hoặc vỏ rễ sắc nước để rửa nơi bị ngứa.
Cách làm: Quả chín rửa sạch, cho thêm đường, men rượu, ủ trong 2-3 ngày. Loại rượu này hòa tan các chất trong quả trong đó có các sắc tố anthoxyan nên có màu tím đỏ đẹp, vị hơi chua và ngọt giống rượu vang. Nhiều người còn mua quả, sau đó cho thêm rượu vào ngâm hoặc chế thành mứt.
Bác sĩ Liễu cho biết thêm, nước ta ít dùng loại quả này làm thuốc. Đến mùa quả chín, trẻ con hái ăn hoặc bán để ngâm rượu.
Tại Trung Quốc, người ta còn dùng thanh mai để chữa ho, đau dạ dày, tiêu chảy, lỵ. Hạt được dùng chữa mồ hôi chân. Vỏ thân, rễ dùng dưới dạng sắc để điều trị vết loét ngoài da hoặc ngộ độc do thạch tín. Tại Ấn Độ, Nhật Bản những cây to được dùng để làm nguyên liệu tanin, nhuộm màu vàng cho ruốc cá.
Điều này chứng tỏ nước ta chưa khai thác triệt để công dụng của thanh mai. Đa phần người dân chỉ mua về ăn hoặc ngâm thành nước uống giải nhiệt cho mùa hè.