Phim ảnh
Phim chiếu rạp
Quá trình ‘tiến hóa’ của ma cà rồng trên màn ảnh
- Thứ tư, 15/10/2014 10:06 (GMT+7)
- 10:06 15/10/2014
Ma cà rồng là những sinh vật gieo rắc nỗi kinh hoàng trên màn ảnh kể từ thuở bình minh của điện ảnh. Nhân vật này không ít lần “thay đổi hình dạng” trong suốt lịch sử phim ảnh.
|
Dracula thời kỳ đầu: Dracula, chúa tể ma cà rồng, xuất hiện lần đầu tiên trong bộ phim câm The Vampire năm 1913 của đạo diễn Robert G. Vignola. Nhưng để trở thành chuẩn mực và thành công nhất phải nhắc đến hai phim Nosferatu: A Symphony of Horror (1922) của đạo diễn F.W. Murnau người Đức và Dracula (1931) của hãng Universal. |
|
Dracula thường là một người đàn ông có vóc dáng cao lớn, mái tóc màu đen, khuôn mặt trắng bệch, sở hữu những chiếc răng nanh sắc nhọn, mặc áo choàng dài. Dracula thích ngủ trong quan tài và hút máu từ cổ nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ.
|
|
Dracula có nhiều quyền năng như hóa dơi, biến đổi thời tiết, tạo khói, dịch chuyển tức thời, bất tử qua thời gian. Để tiêu diệt Dracula, người ta phải sử dụng cọc gỗ, nước thánh hoặc nhờ đến ánh sáng mặt trời.
|
|
Dracula trong các phim của của hãng Hammer: Loạt phim Dracula do Christopher Lee thể hiện đem đến hình ảnh một ma cà rồng đầy quyến rũ, có cuộc sống hai mặt, lúc là một bá tước giàu có, lúc lại là một con quái vật khiến hàng ngàn người khiếp sợ.
|
|
Christopher Lee là diễn viên thủ vai Bá tước Dracula nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh. Nhân vật ma cà rồng của ông lúc nào cũng ham muốn tình dục, giết chóc, máu me, nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiếu nữ và có kẻ thù truyền kiếp là một thợ săn ma cà rồng.
|
|
Ma cà rồng của thập niên 1980: Trong thập niên 1980, các ma cà rồng mang một màu sắc mới, không bị bó buộc trong những bộ trang phục cồng kềnh hay áo choàng dài, không còn sống một mình trong các tòa lâu đài cổ, không ngủ trong những chiếc quan tài.
|
|
Thay vào đó, ma ca rồng vận trên mình những bộ trang phục bụi bặm, hiện đại, sống theo bầy đàn với một thủ lĩnh. Tính bạo lực, tình dục, việc lạm dụng rượu và ma túy cũng trở nên phổ biến trong các phim thuộc thể loại này. Các tác phẩm ma cà rồng tiêu biểu có thể kể tới trong thời kỳ này là Fright Night (1985) và The Lost Boys (1987).
|
|
Ma cà rồng trong loạt phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Stephen King và Anne Rice: Những con ma cà rồng trong nguyên tác của Stephen King thường được miêu tả khá thú tính, sống bản năng, đầy ranh mãnh. Chúng xấu xí, hôi hám, tuy không biết bay nhưng lại có thể nhảy khá xa. Ai bị chúng hút máu đều biến thành ma cà rồng.
|
|
Lũ ma cà rồng này chỉ có thể bị giết bởi đạn bạc và cọc gỗ. Một số tác phẩm ma cà rồng nổi tiếng được chuyển thể từ tiểu thuyết của Stephen King là loạt phim truyền hình Salem's Lot (1979) và phim điện ảnh The Night Flier.
|
|
Trái ngược với phong cách của Stephen King, ma cà rồng trong Queen of the Damned và Interview with the Vampire: The Vampire Chronicles của Anne Rice lại là những sinh vật tuyệt đẹp, có làn da trắng ngần, đôi môi đỏ mọng, mắt màu hổ phách. Không có dòng máu ma cà rồng thuần chủng, họ thường bị cắn và bất đắc dĩ trở thành loài quái vật không tuổi.
|
|
Ma cà rồng của Anne Rice rất lãng mạn, sống chết vì tình yêu. Khi bị cắn và biến đổi, họ buộc phải tìm người kế nhiệm. Có những ma cà rồng thậm chí có thể sử dụng phép thuật và chỉ có thể bị tiêu diệt bằng cách dùng cọc gỗ đâm thẳng vào tim.
|
|
Ma cà rồng hiện đại: Các ma cà rồng biến đổi thành muôn hình vạn trạng trong vòng hai thập kỷ qua: như ma cà rồng đồng tính nữ (The Vampire Lovers), ma cà rồng chiến binh (Blade), ma cà rồng đột biến do virus (I Am Legend), ma cà rồng chịu được ánh sáng mặt trời (Abraham Lincoln: The Vampire Hunter) hay cộng đồng giáo phái ma cà rồng trong phim truyền hình True Blood.
|
|
Ma cà rồng Trung Quốc - Cương thi: Ma cà rồng Trung Quốc mang đặc điểm rất khác so với ma cà rồng của Hollywood. Chúng nổi bật với đôi mắt màu đỏ, làn da tái xanh, mắt đỏ ngầu, trước trán dán một lá bùa và có móng vuốt cong. Trong các bộ phim về cương thi, ban ngày chúng nằm trong quan tài hoặc ẩn nấp tại những nơi tối tăm như hang động, đến đêm thì đi lại lang thang với hai cánh tay duỗi thẳng về phía trước.
|
|
Tuy không hút máu người, nhưng cương thi lại hấp thú “khí” sinh tồn của nạn nhân. Trang phục dễ nhận thấy của cương thi là trang phục quan lại thời nhà Thanh. Một số phim cương thi Trung Quốc nổi bật như: Tôi có hẹn với cương thi, Thiên sứ bắt ma, Cương thi tiên sinh, Chạm trán cương thi…
|
|
Ma cà rồng trong The Twilight Saga: Trở lại với thế hệ ma cà rồng hiện đại, không thể không nhắc tới loạt phim Chạng vạng được chuyển thể từ nguyên tác văn học cùng tên của Stephenie Meyer. Các nhân vật trong phim đưa người xem đến với một khái niệm hoàn toàn mới mẻ về ma cà rồng khi họ không còn phải lẩn trốn trong bóng đêm, cơ thể phát sáng lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời.
|
|
Mỗi ma cà rồng sẽ có một năng lực đặc biệt riêng, sống trong giàu có và nhung lụa, không phụ thuộc vào máu người khi họ có thể uống máu động vật thay thế, không còn là kẻ giết người tàn nhẫn và luôn bị giằng xé bởi tình yêu. Tuy nhiên, The Twilight Saga lại bị các fan ma cà rồng “ném đá” bởi họ cho rằng Stephenie Meyer đã phá hỏng tạo hình thuần khiết của chủng loài này.
|
|
Nguồn gốc mới về ma cà rồng: Trong năm 2014, bộ phim Dracula Untold sẽ kể lại câu chuyện mới về nguồn gốc của chúa tể ma cà rồng Dracula. Những hành động giết người man rợ của Vlad the Impaler trước khi biến thành ma cà rồng được giải thích cặn kẽ và việc nhân vật lịch sử này biến thành Dracula được mô tả như một sự hy sinh cần thiết cho người dân vùng Transylvania.
|
Dracula
Dracula Untold