Ngày 31/1, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM), cho biết hiện trên địa bàn quận 1 có 580 hộ bán hàng rong, trong đó quận đã điều tra, khảo sát được 260 hộ nghèo. Có 130/260 hộ nghèo chấp nhận chuyển đổi ngành nghề.
Ông Thuận cho hay thời gian vừa qua, song song việc ra quân dẹp vỉa hè trên địa bàn 10 phường, lãnh đạo quận đã tạo điều kiện, giới thiệu cho những người dân thuộc các hộ nghèo chuyển sang nghề giúp việc nhà, làm bảo vệ, nhân viên vệ sinh…
Ông Trần Thế Thuận (giữa) đi khảo sát Công viên Bạch Đằng, địa điểm dự kiến tổ chức chợ phiên cuối tuần cho người dân bán hàng rong vào buôn bán. Ảnh: H.B. |
Hơn 130 hộ nghèo không đăng ký chuyển đổi ngành nghề, quận đã có kế hoạch tổ chức, sắp xếp cho 100 hộ trong số này được buôn bán tại 2 khu vực thí điểm đã được UBND TP chấp thuận, là Công viên Bạch Đằng và đường Nguyễn Văn Chiêm.
Những hộ nghèo không có khả năng chuyển đổi ngành nghề, cũng không thể buôn bán vì đa phần là người già, quận có hướng tạo việc làm, kiếm thu nhập ổn định cho người dân.
"Chúng tôi đã vận động Ban quản lý chợ Bến Thành phổ biến cho 1.200 hộ kinh doanh trong chợ Bến Thành chấp thuận chuyển từ túi nilon sang túi giấy. Những hộ nghèo chưa chuyển đổi sẽ được sắp xếp gia công túi giấy, cung cấp cho các hộ kinh doanh trên", ông Thuận nói.
Tại cuộc họp báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý I/2017, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh các quận, huyện sau khi lập lại trật tự vỉa hè, cần tổ chức sắp xếp công ăn, việc làm cho người dân bán hàng rong.
Đề án xây dựng chợ phiên cuối tuần ở Công viên Bạch Đằng và khu phố ẩm thực trên đường Nguyễn Văn Chiêm đang được xây dựng để trình UBND TP. Các quận Tân Bình, Tân Phú cũng đã sắp xếp các hộ bán hàng rong vào buôn bán tập trung ở chợ Phạm Văn Hai và một khoảng đất trống ở phường Tây Thạnh.