Con phố ăn đêm Tống Duy Tân không phải điểm xa lạ của người Hà Nội. Thông thường, các quán ở đây đã bắt đầu nhộn nhịp từ khoảng 20h và kéo dài đến 4h sáng hôm sau. Đôi khi, các bạn trẻ còn chọn ngủ luôn ở một số quán cà phê tới sáng. Các quán ăn cũng mở xuyên đêm để phục vụ cái bụng đói của những "cú đêm". |
Ông Nguyễn Minh Phụng, quản lý một cửa hàng cơm trong phố, ngồi lướt điện thoại trước cửa khi đồng hồ gần điểm 0h. Theo ông Phụng, vốn dĩ, khách của cửa hàng toàn ăn luôn tại chỗ. Từ khi bán mang về, lượng khách đã giảm đi 80-90%. Trong căn nhà còn đang sáng đèn, 2 nhân viên của quán vẫn giữ nếp ăn đêm vào khoảng 23h. Ông Phụng nói quán thường mở tới tận sáng nên việc ăn đêm cũng thành thói quen. |
Một góc đìu hiu ở cuối con phố Tống Duy Tân sầm uất. Ký ức về tiếng nói cười rôm rả suốt đêm giờ chỉ còn là dĩ vãng. |
Chiếc máy gắp thú được nhiều bạn trẻ yêu thích giờ cũng chỉ nằm không, chẳng ai ngó ngàng. |
Hơn 0h, anh shipper tên Phan Anh vẫn ngồi một mình bên ngoài quán cà phê đầu phố Đinh Liệt. Trả lời Zing, Phan Anh cho biết mình đã đóng lựa chọn "Giao đồ ăn" trên ứng dụng được khoảng 2 tuần. "Cước giao đồ ăn thấp lắm, ai dân chuyên mới chạy thôi. Thực ra, đợt này cũng có nhiều đơn giao đồ ăn đêm, cước cũng cao hơn ban ngày. Thỉnh thoảng vào cao điểm, đơn nhiều mà thiếu shipper, giá còn cao nữa. Tuy nhiên, tôi thấy cũng chẳng thấm so với chạy xe ôm hay giao hàng", anh tâm sự. |
Con phố chỉ cần "nhắc tên đã thấy lên nhạc" trong lòng giới trẻ thủ đô: Tạ Hiện. Những ngày dịch Covid-19 còn đang "ngủ quên", hình ảnh con phố lúc quá nửa đêm trái ngược hoàn toàn lúc này. Hàng quán dựng bàn tràn lòng đường. Tiếng cười nói rôm rả của những thực khách và cả âm thanh sôi động từ các quán bar tạo nên sức sống cho con phố. |
Dù vậy, cũng đã lâu, người Hà Nội không còn được cảm nhận cái hồn của Tạ Hiện như trước. |
Quán bar 1900 - tụ điểm ăn chơi của giới trẻ - giờ cũng im lìm như cả con phố. Đây là một quán khá nổi tiếng khi có nhiều tên tuổi trong giới giải trí tới diễn. |
Con phố Tây náo nhiệt chẳng còn chút dấu ấn của những ngày huy hoàng... |
Đôi khẩu trang mà ai đó vứt bỏ nằm lọt thỏm bên lề đường. Trước kia, các hàng quán thường chủ động dọn dẹp vệ sinh khu phố trước khi đóng cửa. |
Hình ảnh những bộ bàn ghế úp ngược trở nên quá đỗi quen thuộc vì dịch bệnh. |
Các tín đồ ăn đêm không lạ gì góc phố giao Hàng Đường, Hàng Chiếu này. Nơi đây vốn là điểm kinh doanh của hàng phở gánh nổi tiếng Hà thành. Trước đây, khoảng 2h, nhiều bạn trẻ đã có mặt ở đây. Tới khoảng 2h30-3h, cô chủ với gánh phở bắt đầu xuất hiện. Những người đến sớm được ưu tiên ngồi bàn chờ. Ai tới muộn sẽ phải đứng, đôi khi tới hơn 1 giờ đồng hồ để có phở ăn. Vào những đêm lạnh ở Hà Nội, được ăn một bát phở sốt vang nóng của quán là niềm vui với nhiều người. |
Không hẳn tất cả quán ăn đêm nổi tiếng đều đóng cửa. Một số vẫn mở và chuyển sang hình thức bán mang về để "cầm cự" qua những ngày Covid. Trong ảnh, quán bánh mì dân tổ nổi tiếng trên phố Trần Nhật Duật. Ngày thường, thực khách ăn đêm thường thấy một xe đẩy dựng bên lề phố. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch, họ phải tạm thay đổi hình thức buôn bán với người làm chính bên trong nhà và nhân viên nhận đơn đứng ngoài đón khách. |
Quán phở Hằng nổi tiếng với giới ăn đêm trên đường Yên Phụ cũng chỉ còn lác đác vài khách đến mua mang về. Trước dịch, quán bán từ 0h đến khoảng 9h sáng hôm sau. Trung bình mỗi buổi được khoảng 400, 500 bát. Tuy nhiên, từ khi phải chuyển sang bán mang về, doanh thu còn không bằng 1/3 lúc trước. |
Bà Nguyễn Bích Hằng, chủ quán, chia sẻ: "Tôi phải cho nhân viên nghỉ sạch, còn mỗi 2 bạn nữ này. Đứa nào cũng có con nhỏ rồi, giờ cho nghỉ các em lấy gì mà nuôi gia đình. Tôi cũng không thể bỏ tiền ra trả lương không được, nhà bên này cũng đi thuê mà. Tinh thần là mọi người làm nuôi nhau thôi. Trước khi có dịch, tôi cũng dặn các nhân viên phải tiết kiệm. Lỡ lúc dịch bùng phát, không có tiền thì chết đói". |