Kid Mai Death Awareness Cafe ở Bangkok, là quán cà phê đặc biệt, nơi khách hàng có thể tham gia vào trải nghiệm "nhận thức về cái chết". Trong đó, nổi bật nhất là việc thử nằm trong một quan tài màu trắng, đặt ở giữa quán. |
Đây là quán cà phê có không gian mở, trang trí với cây xanh, ao cá, tượng Phật, nội thất hiện đại cùng danh sách đồ ăn, thức uống không giống nơi đâu. |
Thực đơn của quán là các loại đồ uống được đặt tên theo chủ đề liên quan đến cái chết như "cái chết", "ra đời", "đau đớn", "một năm còn lại" hay "ngày cuối cùng". |
Bên cạnh các loại đồ uống với tên gọi lạ, quán còn có nhiều loại bánh kẹo hình dạng kỳ quặc, được bày bán để giáo dục mọi người về cái chết. “Tôi cảm thấy giống như mình đang ở trong một đám tang”, Duanghatai Boonmoh, 28 tuổi, chia sẻ khi đang nếm thử một viên “kẹo tử thần” tại quán. |
Chia sẻ về quán cà phê, Veeranut Rojanaprapa, chủ nhân của quán nói rằng, ý tưởng quán cà phê "cảm nhận về cái chết" của ông không phải là một chiêu dụ khách hàng hay đánh bóng tên tuổi mà là một phần trong luận án tiến sĩ về triết học và tôn giáo của mình. |
Veeranut mong muốn quán cà phê này trở thành một nơi giúp người dân Thái Lan, với khoảng 90% dân số theo đạo Phật, biết được lợi ích của việc "nhận thức về cái chết". Ông nói rằng, Đức Phật dạy khi một người suy nghĩ và cảm nhận được về cái chết của mình, họ sẽ giảm được "cái tôi" của bản thân, từ đó con người có thể bớt tham lam và giận dữ. Veeranut tin rằng, đó chính là chìa khóa để loại bỏ những vấn đề nhức nhối trong xã hội như bạo lực hay tham nhũng tại Thái Lan. |
"Khi một người nằm xuống quan tài và nhân viên của chúng tôi đóng nắp lại, vì bóng tối, vì không gian nhỏ, họ sẽ tự ý thức được và nhớ lại những điều họ vẫn chưa làm". Sau trải nghiệm trong quan tài, khách hàng sẽ ghi lại cảm nhận trong một cuốn sổ của quán và Veeranut cũng chia sẻ thêm rằng bản thân ông mỗi đêm đều tự xem xét về cái chết của chính mình. |
Bên cạnh đó, quán cà phê còn xây dựng một hành lang công cộng màu đen, được gắn những tấm bảng ghi các câu hỏi chất vấn về cuộc sống như "Mục đích sống của bạn là gì?”, “Hôm nay bạn có mệt mỏi không?”, khiến mỗi người đi qua đều phải suy nghĩ. Tuy nhiên, hành lang này nhận khá nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có nhiều người thường tránh lối đi này. |
Tuy nhiên, Veeranut nói rằng ông hoan nghênh mọi tranh cãi như một dấu hiệu của sự thành công, "Tôi yêu tất cả những lời than phiền, bởi vì nếu họ phàn nàn nó có nghĩa là họ đang nghĩ và nhận thức được về cái chết". |
Ở Thái Lan, quán cà phê của Veeranut Rojanaprapa không phải địa điểm duy nhất cung cấp trải nghiệm về cái chết và sự hồi sinh. Một ngôi đền bên ngoài thủ đô Bangkok còn có dịch vụ tổ chức tang lễ tượng trưng cho những người muốn thay đổi bản thân, xóa bỏ nghiệp chướng. |