Câu chuyện về Thakolrat Jin Prongsuwan, người mắc hội chứng Down làm nghề pha chế cà phê được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông tại Thái Lan.
Theo Channel News Asia, sự nổi tiếng của chàng trai 28 tuổi khiến quán cà phê nhỏ, vắng khách nơi anh làm việc bỗng chốc trở nên nhộn nhịp lạ thường. Khách hàng thích ghé qua, thưởng thức cà phê và chụp ảnh cùng Jin.
“Tôi pha cà phê đến 16 giờ chiều, từ thứ hai đến thứ sáu. Tôi thích uống cappuccino và espresso với đá”, Jin chia sẻ.
"Một. Hai. Ba. Bốn thìa”, Jin nhẩm tính khi cho thêm đường vào cốc đo dung lượng. Bên trong quán, các nhân viên pha chế di chuyển giữa các máy pha cà phê, bồn rửa, tay liên tục xay đậu, vắt sữa với tất cả sự tập trung.
Thakolrat Jin Prongsuwan là một trong 650.000 người tại Thái Lan bị khuyết tật về mặt trí tuệ. |
Tháng 5 năm ngoái, Jin bắt đầu công việc pha chế tại cửa hàng Panya Cafe cùng một đồng nghiệp khác mắc chứng tự kỷ. Mỗi ngày, Jin nhận mức lương khoảng 300 baht.
Panya Cafe được điều hành bởi Tổ chức phi lợi nhuận Vì Phúc lợi cho Người chậm phát triển trí tuệ tại Thái Lan. Tổ chức này hiện hỗ trợ cho khoảng 500 người bị khuyết tật trí tuệ có thể thích nghi với cộng đồng.
Jin tham gia tổ chức từ lúc anh mới 7 tuổi, khi anh không thể nói một từ nào. Là một người mắc bệnh Down, chỉ số IQ của Jin chỉ bằng một đứa trẻ 10 tuổi.
Tại tổ chức, Jin và các sinh viên khác được đào tạo nghề trong các lĩnh vực từ nghệ thuật và thủ công đến nông nghiệp. Khoảng 100 sinh viên đã được các tổ chức khác nhau thuê để làm các công việc pha cà phê, phục vụ trong các bếp ăn hoặc hỗ trợ giáo viên tại trường học.
Nhiều khách hàng bày tỏ sự ủng hộ với công việc pha chế của Jin. |
Theo Bộ Y tế Thái Lan, cả nước có khoảng 650.000 người bị khuyết tật trí tuệ, nhưng chỉ có 10% trong số họ được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc và phục hồi chức năng thích hợp.
Ở Thái Lan, một số cha mẹ vẫn khó chấp nhận con mình mắc chứng rối loạn phát triển trí tuệ. Nhiều bậc cha mẹ không nhận ra con mình bị chậm phát triển cho đến khi chúng đi học và phải vật lộn với việc học trên trường.
Nhưng ngay cả với những đứa trẻ được chăm sóc đúng cách và hưởng giáo dục đặc biệt, chúng cũng khó tìm được chỗ đứng trong xã hội khi lớn lên.
Người khuyết tật trí tuệ vẫn phải chịu sự kỳ thị ở xã hội Thái Lan. Mặc dù họ đã nhận được cái nhìn cảm thông nhiều hơn trước, 90% số người này vẫn không có việc làm và trở thành gánh nặng cho gia đình.