Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Quán cà phê ở TP.HCM bị chỉ trích vì có gương 1 chiều, chỉ nam nhìn nữ

Khách nam có thể quan sát, lựa chọn khách nữ từ căn phòng tối sau tấm gương một chiều. Nhiều người lo ngại nguy cơ quay lén, môi giới mại dâm ở quán cà phê này.

Hôm 1/6, mạng xã hội xuất hiện nhiều bài đăng nói về một quán cà phê ở đường Nguyễn Trãi, quận 1, TP.HCM. Quán cà phê này tự giới thiệu theo hình thức "blind date" (hẹn hò giấu mặt) và "random date" (hẹn hò ngẫu nhiên) nhưng lại có nhiều điểm gây lo ngại.

Đầu tiên, khách nam và nữ tới đây được đưa đến hai căn phòng khác nhau. Hai căn phòng này được ngăn cách bởi một lớp kính hai chiều, trong đó phòng tối của nam có thể dễ dàng quan sát phòng sáng dành cho nữ nhưng phía nữ thì không thể.

Khách nam còn được quyền "pick" (lựa chọn) khách nữ nếu muốn tới phòng riêng tư trò chuyện.

"Quán không 'blind date' hoàn toàn mà chỉ có bên nữ bị 'blind'... Trong lúc bạn nữ đang ngồi tự nhiên thì luôn có người nhìn chằm chằm, đánh giá sau đó 'pick' như một món hàng để 'làm quen'", một người viết trên Facebook.

guong mot chieu anh 1

Tấm gương một chiều, chỉ khách nam quan sát và lựa chọn khách nữ ở quán cà phê tại TP.HCM.

Thứ hai, quán cà phê này còn bị chỉ trích vì bố trí ghế ngồi trong phòng nam thấp hơn ghế trong phòng nữ. Điều này khiến nhiều người lo ngại về hành vi nhìn trộm, quay lén.

Thứ ba, để thu hút khách hàng nữ, quán cà phê này thường đăng bài lên các hội nhóm sinh viên, tìm kiếm việc làm hoặc học ngoại ngữ với những lời giới thiệu như "được tặng nước miễn phí", "có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài", kiếm tiền từ việc "dẫn khách du lịch nước ngoài"...

Nhiều người nghi ngờ các khách nữ khi đến quán cà phê này không hề biết về chiếc gương một chiều cũng như chuyện bị khách nam quan sát, lựa chọn.

Ngược lại, với khách nam, quán này tập trung vào các nhóm du khách đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Một số clip review bằng tiếng Hàn hoặc tiếng Trung nhấn mạnh về "chiếc gương thần", căn phòng dành cho khách nam, chuyện quan sát và lựa chọn nữ giới.

Những clip, bài đăng này xuất hiện từ cuối tháng 5 với các cụm từ như "tìm sugar daddy/sugar baby", "nữ sinh đại học", "vợ Việt Nam" và một số thu hút gần 300.000 lượt xem.

Sau khi bị chỉ trích, quán hiện tại đã đóng các trang mạng xã hội. Lina, quản lý quán cà phê, khẳng định quán "vẫn mở cửa bình thường vì không làm gì vi phạm pháp luật", chỉ đóng các trang mạng vì vấn đề hình ảnh khách hàng, chứ không phải do bị phản đối.

"Chúng tôi tạo ra mô hình này để cho bạn nam quyền chủ động kết đôi, đồng ý hay không là quyền bạn nữ. Tôi nghĩ mô hình còn quá mới và nội thất, thiết kế dễ gây hiểu lầm, nhạy cảm", quản lý nói với Tri thức - Znews.

Khi được hỏi 100% khách hàng, đặc biệt là khách nữ, có được thông báo rõ về sự tồn tại của chiếc gương và phòng quan sát trước khi vào quán hay không, quản lý này thừa nhận "đôi lúc nhân viên quên". "Và đôi khi chúng tôi có nói nhưng khách nữ không hiểu lắm. Ngày trước chúng tôi không nghĩ là chuyện lớn, nhưng từ hôm qua khi khách vào, nhân viên đều nhấn mạnh và hỏi 'Chị có cảm thấy thoải mái không?'".

Về vấn đề quay lén, đại diện quán cho biết "có quy định nghiêm cấm", nhưng "đôi khi khách đông, có thể mắc sai sót". Giải thích việc bố trí ghế trong phòng khách nam thấp hơn ghế khách nữ, quản lý nói: "Vì thường khách nam sẽ đứng, khách nữ thì ngồi".

Cuối cùng, đại diện quán cà phê này khẳng định "quán không làm gì liên quan đến mại dâm, chỉ thiên về xu hướng kết bạn". "Nhưng nếu hai bên có thỏa thuận với nhau thì quán không kiểm soát được vì không thể xâm phạm quyền riêng tư của khách", người này cho hay.

'Điểm mù' trong vụ gần 40 triệu người xem clip quay lén phụ nữ

Các clip quay lén lan truyền có thể thúc đẩy hành vi lạm dụng, bạo lực đối với phụ nữ ngoài đời thực, nhưng vẫn đang là "điểm mù" trong chính sách an toàn của nền tảng mạng xã hội.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm