Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quán cà phê ở TP.HCM hối hả đào tạo nhân viên khi chờ được bán tại chỗ

Trong khi TP.HCM vẫn chưa cho phép quán ăn phục vụ tại chỗ, nhiều chủ tiệm cà phê đã tranh thủ tổ chức lớp tập huấn kỹ năng, nâng cao tay nghề cho nhân viên.

Sáng 25/10, Đình Thiện bắt đầu ca làm việc tại tiệm cà phê Saigon Coffee Roastery (quận 3) bằng việc rửa sân, lau chùi quầy bar, máy móc.

Chia sẻ với Zing, nhân viên 25 tuổi cho biết quán đã bán mang về vài ngày nay.

"Giống như nhiều khách hàng, tôi có chút hụt hẫng khi chưa thể bán hàng tại chỗ. Thế nhưng, tiệm sẽ chấp hành quy định phòng dịch, chờ hướng dẫn chi tiết từ thành phố", anh nói.

Quan ca phe o TP.HCM thap thom cho duoc don khach tai cho anh 1

Đình Thiện hy vọng sớm được phục vụ thực khách tại quán.

Hồi hộp chờ hướng dẫn cụ thể

Một tuần trước, Đình Thiện và các đồng nghiệp bắt đầu dọn dẹp, bày trí lại không gian ở tiệm, nhằm tạo không khí cho quán.

Sau một thời gian không được dọn dẹp đều đặn, sân vườn, bờ tường quán mọc rêu, bàn ghế cũng phủ lớp bụi mỏng.

"Chúng tôi rửa sân, lau chùi bàn ghế, kiểm tra thiết bị và dụng cụ pha chế. Quán chỉ phục vụ cà phê trong thời gian này vì thức uống đảm bảo chất lượng tốt khi ship, được nhiều người ưa chuộng hơn", anh nói.

Dù vui mừng khi được quay lại với công việc yêu thích, Đình Thiện cũng như các nhân viên ở tiệm vẫn nhớ cảm giác được gặp gỡ khách hàng.

"Tôi nhớ cảm giác được trò chuyện với khách khi pha ly cà phê thơm, nhớ bầu không khí tấp nập trước dịch. Khi khách ngồi tại chỗ, quán sẽ có thêm sinh khí", anh chia sẻ.

Quan ca phe o TP.HCM thap thom cho duoc don khach tai cho anh 2

Quán của Trần Hân lên kế hoạch cho việc mở quán bán tại chỗ.

Trần Hân (27 tuổi), quản lý tiệm cà phê Bosgaurus Coffee Roasters (quận Bình Thạnh), cũng đang thấp thỏm chờ đợi chỉ thị chính thức về việc mở bán tại chỗ.

Chị cho biết ngay khi có đề xuất như trên, quán đã lên một số kế hoạch hoạt động phù hợp, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

"Chúng tôi đã lên kế hoạch bố trí lối ra - vào riêng biệt, phân công nhân viên đứng ngoài hướng dẫn quét QR, sát khuẩn tay... Với đội ngũ nhân sự hiện tại, vốn chưa đủ như thời điểm trước do nhiều bạn về quê, chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để vừa phục vụ chu đáo, vừa đảm bảo quy định", Trần Hân chia sẻ.

Tích cực đào tạo nhân viên

Quán cà phê Early Morning - Tea & Coffee (quận Phú Nhuận) của chị Lê Thụy Vy (30 tuổi) ngừng hoạt động để sửa chữa và thay đổi mô hình kinh doanh từ tháng 4 đến nay.

Đầu tháng 10, khi UBND TP.HCM cho phép các dịch vụ ăn uống mở lại theo hình thức bán mang đi, vợ chồng chị phải tự nhận đơn, pha chế do hầu hết nhân viên đã về quê tránh dịch.

Trong thời gian chờ đợi, chị tổ chức một số lớp training kỹ năng pha chế, nâng cao kiến thức về cà phê, trà và quy trình phục vụ cho nhân viên.

Từ khi bắt đầu giãn cách, chị đã trang bị đầy đủ những vật dụng phòng dịch như buồng khử khuẩn, nước rửa tay, đồ bảo hộ, khẩu trang để đảm bảo an toàn cho nhân viên, đội ngũ shipper và khách hàng.

Ngoài ra, chị cũng lên kế hoạch cho các chương trình ưu đãi, quà tặng, cập nhật menu.

“Chỉ được bán mang về nhưng ngày nào tôi cũng dọn dẹp, lau sạch bàn ghế để quán có sinh khí hơn. Mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ chờ ngày chính thức đón khách thôi”, bà chủ 30 tuổi bày tỏ.

Còn ở Là Việt Coffee (quận 3), đội ngũ nhân viên đang dần thích ứng với guồng làm việc sau giãn cách.

Gia Văn (24 tuổi), nhân viên tại quán, cho biết mỗi ca làm hiện có 3 người, luân phiên xoay tua để tránh tập trung đông người, đảm bảo sức khỏe.

"Khi mở bán mang đi, quán duy trì bán 100-150 ly cà phê/ngày qua các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến và khách tới mua về. Tuy nhiên, cảm giác không thể nào hào hứng bằng đón khách trực tiếp, được thấy phản ứng của họ khi thưởng thức cà phê".

Tương tự một số tiệm cà phê khác, Là Việt Coffee sẽ triển khai các biện pháp quét QR, giãn cách chỗ ngồi, yêu cầu khách sát khuẩn tay... khi ăn uống tại chỗ.

Mong chờ được trở lại quán cà phê

Tranh thủ buổi sáng trống tiết học, Minh Thi và Gia Huy (cùng 19 tuổi, quận Tân Bình) rủ nhau dạo quanh các địa điểm nổi tiếng để ngắm nhìn đường phố.

Khi đi ngang qua quán cà phê quen thuộc trên đường Công Trường Lam Sơn (quận 1), đôi bạn dừng chân để mua những món nước đã lâu chưa thưởng thức.

“Mình thấy cà phê ngon hơn khi uống tại chỗ, chắc vì quá trình di chuyển khiến thức uống bị phai vị và kém hấp dẫn. Ngoài ra, không khí ở đây còn khiến mình được kết nối với người khác”, Huy nói.

Quan ca phe o TP.HCM thap thom cho duoc don khach tai cho anh 7

Huy cùng bạn ghé qua quán cà phê quen thuộc.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, Thi và Huy thường hẹn nhau học bài, làm việc ở các quán gần nhà. Cả hai chọn những nơi có không gian lớn, nhiều ổ điện, mức giá tạm ổn để tiện cho việc trao đổi.

“Mình hay ngồi khoảng 4-5 tiếng và lần nào đi cũng gọi 2 ly cà phê để uống thoải mái. Nghe tin sắp được ngồi tại quán, mình cũng khá háo hức nhưng sẽ chờ thêm vài hôm nữa vì ngại cảnh tụ tập đông đúc”, Huy nói với Zing.

Trên đường về nhà, Dan (38 tuổi) và Guia (37 tuổi), cùng đến từ Mỹ, hiện ngụ tại phường Đa Kao (quận 1), ghé qua quán quen để mua cà phê hạt mang về.

Quan ca phe o TP.HCM thap thom cho duoc don khach tai cho anh 8

Dan và Guia mua bột cà phê để mang về nhà pha.

Vốn là những người yêu thích cà phê, thức uống này là thứ không thể thiếu với họ khi chào đón ngày mới. Từ lúc các cơ sở ăn uống tạm đóng cửa, cả hai đành tự pha cà phê tại nhà.

Tuy nhiên, điều này khiến việc thưởng thức món nước yêu thích kém hấp dẫn hơn một chút.

“Tôi thích dùng tại quán hơn vì có thiết bị chuyên dụng và các bạn barista phục vụ rất chu đáo khiến cà phê chuẩn vị hơn, ngon hơn. Hồi trước dịch, tôi thường gặp gỡ bạn bè và giải quyết công việc ở đây. Tôi rất mong chờ ngày được thưởng thức cà phê tại quán”, Dan nói với Zing.

Ngày 25/10, liên quan quan đến đề xuất quán ăn uống, nhà hàng được phục vụ tại chỗ, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương, cho biết UBND TP.HCM và các sở, ngành đang xem xét, cân nhắc cách làm, tiêu chí đánh giá để mở lại hoạt động này.

“Việc mở lại quán ăn uống phục vụ tại chỗ vẫn đang trong quá trình trao đổi và còn cần làm rõ lại nhiều vấn đề. Sau khi thống nhất, Sở Công Thương sẽ thông báo đến báo chí", ông Tú nói.

Hậu giãn cách, dân văn phòng TP.HCM tự nấu cơm trưa mang đi làm

Trong khi nhiều quán cơm trưa văn phòng bán hàng trăm suất mỗi ngày thì một số nơi khác hoạt động khá dè dặt, hạn chế nhận đơn số lượng lớn do thiếu nguyên liệu, nhân lực.

Trang Minh - Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm