"Đây là trà Rooisbos hạnh nhân latte, xin mời thưởng thức. Sẽ ngon hơn khi quý khách khuấy nó", giọng nói được phát ra từ chú robot pha chế khi đưa đồ uống tới tận bàn cho khách hàng.
Sau những thành công bước đầu trong công tác khống chế đại dịch Covid-19, chính phủ Hàn Quốc đang dần nới lỏng các quy định cách ly xã hội và chuyển sang trạng thái "bình thường mới". Dù được phép hoạt động trở lại, các cơ sở kinh doanh vẫn thực hiện nghiêm chỉnh những biện pháp giãn cách nhằm giảm nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai.
Giờ đây, khách hàng chỉ cần trực tiếp lấy đồ uống từ khay cố định trên thân của robot. Ảnh: Reuters. |
Trong bối cảnh ấy, một quán cà phê tại Daejeon đã đưa ra giải pháp mới - sử dụng robot thay cho nhân viên phục vụ, theo Reuters.
Lee Dong-bae, Giám đốc nghiên cứu của Vision Semicon, đơn vị cung cấp các thiết bị thông minh, "cha đẻ" của ý tưởng này cho rằng robot có thể giúp ta quan sát hoạt động cách ly xã hội ở những nơi công cộng.
"Hệ thống của chúng tôi không cần sự can thiệp của con người, từ khâu gọi món đến giao đồ. Các dãy bàn trong quán cà phê sẽ được xếp cách xa nhau, vừa đảm bảo sự di chuyển của robot, vừa đáp ứng yêu cầu giãn cách xã hội".
Sự xuất hiện của những chú robot pha chế giúp hạn chế giao tiếp ở cự ly gần giữa con người với con người, đáp ứng yêu cầu giãn cách xã hội. Ảnh: Reuters. |
Robot pha chế có khả năng thực hiện 60 loại đồ uống, giao tiếp, truyền dữ liệu tới các thiết bị khác và có thể tự định vị để tính toán hướng di chuyển sao cho thuận tiện nhất.
Với một đơn hàng gồm 6 thức uống, robot chỉ mất 7 phút để hoàn thành. Nhân viên là con người duy nhất tại quán là người phụ trách vệ sinh và tiếp nguyên liệu.
Cận cảnh một chú robot phục vụ, có khả năng đưa đồ uống đến tận bàn cho khách hàng mà không cần sự điều khiển của con người. Ảnh: Reuters. |
Để hiện thực hóa dự án này, Vision Semicon đã kết hợp cùng một viện khoa học nhà nước. Đến cuối năm nay, hai đơn vị này dự tính sẽ cung cấp robot pha chế cho ít nhất 30 quán cà phê khác.
"Những chú robot này rất vui vẻ và tiện lợi bởi bạn không cần đến tận nơi để lấy đồ uống nữa", Lee Chae-mi (23 tuổi), một khách hàng tại quán cà phê chia sẻ. "Tuy nhiên, tôi hơi lo ngại rằng thị trường việc làm trong lĩnh vực này, đặc biệt là các sinh viên làm bán thời gian như bạn bè tôi sẽ bị thay thế bởi robot mất!".
Tuy nhiên, điểm trừ của các nhân viên này là không thể sáng tạo ra món mới, sự giao tiếp với khách hàng cũng bị hạn chế. Ngoài ra, việc giải quyết những sự việc bất ngờ như khách làm đổ nước, thiếu đồ ăn hay thực hiện một số yêu cầu khác ngoài lập trình cũng chưa được nhà sản xuất tính tới.