Quan hệ Mỹ - Nga thăng trầm qua những hội nghị thượng đỉnh lịch sử
Thứ ba, 17/7/2018 15:46 (GMT+7)
15:46 17/7/2018
Hội nghị Trump - Putin tại Helsinki là trang mới trong lịch sử đàm phán song phương thường diễn ra giữa lúc quan hệ Mỹ - Nga căng thẳng và chứa đựng nhiều bất ngờ.
Kennedy - Khrushchev (1961):
Tổng thống Mỹ John Kennedy gặp nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tại Vienna, Áo năm 1961 để đàm phán về cuộc khủng hoảng Berlin. Đối với Kennedy, đây là một trong những cuộc gặp mang tính thù địch mà ông bị lép vế trước người đồng cấp nước ngoài. Trả lời phỏng vấn của New York Times sau hội nghị, ông Kennedy nói: “Đây là điều tồi tệ nhất trong đời tôi”. Vài tháng sau, Bức tường Berlin được dựng lên, và sau đó, hai cường quốc tiếp tục đối đầu trong khủng hoảng tên lửa Cuba. Ảnh: Getty.
Nixon - Brezhnev (1972):
Tuy nhiên, sau cuộc gặp của Kennedy và Khrushchev
11 năm, hội nghị giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev diễn ra vào tháng 5/1972 tại Moscow lại cho thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai cường quốc. Ông Nixon mời Brezhnev tới Washington D.C.. Hai nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận lịch sử về kiểm soát vũ khí, hạn chế mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Ảnh: Getty.
Ford - Brezhnev (1974):
Tháng 10/1974, người kế nhiệm Nixon, Gerald Ford gặp Brezhnev lần đầu tại thành phố Vladivostok, Nga. Hai người thậm chí còn nói chuyện đùa với nhau. “Tôi sẽ tặng cho ông ấy một chiếc”, ông nói trong lúc Brezhnev thử mặc chiếc áo lông của ông và tạo dáng cho phóng viên. Năm 1975, hai nhà lãnh đạo gặp lần thứ 2 tại Helsinki, nơi 35 nước ký hiệp ước về nhân quyền và chủ quyền lãnh thổ.
Đây là bước ngoặt quan trọng trong Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích tổng thống Mỹ đã nhượng bộ Liên Xô. Jan Lodal, thành viên trong phái đoàn Mỹ, nói rằng nhà lãnh đạo Liên Xô bí mật nói với Tổng thống Ford rằng sẽ ủng hộ ông tái đắc cử và “sẽ làm mọi thứ có thể để điều đó xảy ra”. Ảnh: Getty.
Reagan - Gorbachev (1987):
Cuối giai đoạn Chiến tranh Lạnh, tháng 12/1987, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev hội đàm tại Washington D.C., một lần nữa thảo luận về kiểm soát và thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Hai nhà lãnh đạo ký Hiệp ước INF thủ tiêu tên lửa hạt nhân tầm trung. Năm 1991, 2.692 tên lửa đã bị phá hủy. Tuy nhiên, năm 2017, trước ngày kỷ niệm 30 năm ký kết hiệp ước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin thử nghiệm và triển khai tên lửa hành trình, coi đây là “vấn đề lớn”. Moscow đáp trả, tố Mỹ vi phạm hiệp ước. Ảnh: Getty.
Bush - Gorbachev (1990):
Tổng thống George H.W. Bush gặp nhà lãnh đạo Gorbachev tổng cộng 7 lần. Vào lần gặp thứ 3 tại Helsinki, năm 1990, hai bên có quan hệ nồng ấm qua nhiều giờ đàm phán không có mặt cố vấn. Tổng thống Bush (cha) hy vọng Nga ủng hộ Mỹ trong vấn đề Iraq xâm lược Kuwait. Trong ảnh, ông Gorbachev tặng ông Bush bức biếm họa lãnh đạo Nga, Mỹ chiến thắng trước đối thủ là Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Getty.
Clinton - Yeltsin (1997): Hội nghị giữa Bill Clinton và Boris Yeltsin tại Helsinki tháng 3/1997 được cho là một trong những cuộc hội đàm quan trọng nhất giữa Nga và Mỹ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và thỏa thuận giảm đáng kể kho vũ khí hạt nhân. Ảnh: Getty.
Bush - Putin (2006): Dưới thời Tổng thống Putin, quan hệ Mỹ - Nga xuống dốc. “Tôi nghĩ Putin không còn là chính trị gia dân chủ nữa. Ông ấy là Sa hoàng và tôi nghĩ chúng ta đã mất ông ấy”, George W. Bush nói với thủ tướng Slovenia vào năm 2006 sau nhiều nỗ lực kéo Putin về phe của mình nhưng thất bại. Trong ảnh, Tổng thống Bush (con) và Tổng thống Putin đi dạo trong lần đầu tiên gặp mặt tại Slovenia năm 2001. Ảnh: AP.
Obama - Medvedev (2009): Năm 2009, Barack Obama đắc cử tổng thống Mỹ. Cùng năm đó, Tổng thống Obama gặp Tổng thống Dmitry Medvedev, lúc này thay chức ông Putin sau khi ông Putin hết hai nhiệm kỳ tổng thống. Tại hội nghị, Tổng thống Obama hy vọng có cơ hội để đặt quan hệ Mỹ - Nga lên nền móng vững chắc hơn. Trong nỗ lực tái thiết quan hệ song phương, ông Obama cử Ngoại trưởng Hillary Clinton tới gặp người đồng cấp Sergei Lavrov. Tuy nhiên, món quà của bà Clinton là nút bấm với dòng chữ “làm lại từ đầu” bằng tiếng Anh lại có cụm từ tiếng Nga nghĩa là “quá tải” do lỗi dịch thuật. Ảnh: Getty.
Obama - Putin (2009): Tổng thống Obama và ông Putin, lúc bấy giờ là thủ tướng, hội đàm duy nhất một lần năm 2009. Năm 2012, Putin tái đắc cử với sự ủng hộ lớn từ phía cử tri Nga. Sau khi Nga từ chối yêu cầu trao trả Edward Snowden, Obama đã hủy chuyến thăm Moscow năm 2013. Từ đó, hai tổng thống không tổ chức gặp thượng đỉnh mà chỉ tiếp xúc song phương bên lề một số hội nghị quốc tế. Năm 2014, Nga sáp nhập Crimea, phá vỡ hiệp ước Helsinki 1975 và phải chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế. Tổng thống Obama chỉ trích Tổng thống Putin nhưng cũng cho biết không có ý định gây xung đột. “Chúng ta sẽ không bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh khác”, ông nói. Ảnh: Getty.
Trump - Putin (2018): Giờ thì Tổng thống Trump có vẻ như đang hướng đến một nút bấm tái thiết lập quan hệ tương tự khi ông bước vào hội nghị với Tổng thống Putin tại Helsinki, Phần Lan, ngày 16/7. Tại cuộc họp báo chung, ông Trump không đưa ra lời chỉ trích nào nhằm vào người đồng cấp phía Nga. Tổng thống Putin thừa nhận muốn ông Trump đắc cử năm 2016 nhưng khẳng định Moscow không can thiệp cuộc bầu cử Mỹ. Theo Guardian, tổng thống Mỹ đã dễ dàng tin lời của ông Putin. Nhiều chuyên gia nhận định đây là sự thể hiện yếu kém nhất lịch sử của một tổng thống Mỹ trước đối thủ nước ngoài. Trong ảnh, ông Putin tặng ông Trump quả bóng World Cup 2018. Ảnh: Getty.
Những điều ông Trump nói trong cuộc gặp TT Nga ở Phần Lan đã vấp phải chỉ trích gay gắt của báo chí và nghị sĩ Mỹ, thậm chí có ý kiến cho rằng các phát biểu "gần như là phản quốc".
Trong lúc Tổng thống Putin được các nhà phân tích đánh giá là thắng lớn, sự thể hiện của Tổng thống Trump tại hội nghị thượng đỉnh ở Phần Lan lại bị chỉ trích ở quê nhà.
Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ, Tổng thống Vladimir Putin thừa nhận muốn ông Donald Trump đắc cử năm 2016 nhưng phủ nhận Moscow can thiệp tác động kết quả cuộc bầu cử.