Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quán karaoke ở TP.HCM thành tiệm bún bò đắt khách

Dịch bệnh khiến ngành karaoke đóng băng, vợ chồng anh Huy chuyển sang bán bún bò Huế và được nhiều khách ủng hộ. Ngày cao điểm, quán của anh bán được hơn 300 tô bún.

Nhiều người đi qua quán Karaoke Bambi trên đường Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh) không tránh được bối rối khi nghe tiếng nhân viên quán mời gọi: "Ghé vào ăn bún bò đi anh chị".

Phía trên mặt tiền quán là tấm băng rôn khuyến mãi giảm giá giờ hát kèm theo quà tặng trái cây và nước uống chưa kịp gỡ.

Phía dưới là những bàn ghế nhựa và tấm biển quảng cáo mới, tên tiệm đã đổi thành Quán Số 1 Đông Ba. Những tờ giấy tuyển nhân viên cho quán karaoke nằm ngay cạnh thông báo tuyển nhân viên phụ bán bún bò.

quan karaoke thanh tiem bun bo anh 1

Do dịch bùng phát, quán karaoke hoạt động hơn 10 năm trở thành tiệm bún bò.

Tranh thủ lúc chưa đông, anh Nguyễn Xuân Huy (38 tuổi, chủ quán) ngồi dán tấm menu lên chiếc bàn nhựa chuẩn bị cho khách ngồi ăn tại chỗ, rồi đong gia vị vào túi để chuẩn bị cho đơn hàng mang đi.

Trò chuyện với phóng viên, vị chủ quán kể từ tháng 12/2020, dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ngành karaoke đóng băng nên vợ chồng anh đã chuyển đổi sang bán bún bò Huế.

"Tôi kinh doanh karaoke hơn 10 năm nay, giờ bị cấm cửa dài hạn như vậy làm sao mình trụ nổi với nó, không chuyển đổi thì lấy cái gì ra để trả được tiền mặt bằng cả trăm triệu một tháng. Nhưng thú thực kinh doanh trong dịch thì bán cái gì cũng khó mà ổn được, nhất là dịch vụ ăn uống. Chúng tôi cũng đang cố cầm cự thôi", anh nói với Zing.

Ngày bán 300 tô bún bò

Gia đình gốc Huế nên chị Vy, vợ anh Huy, nắm công thức nấu bún bò riêng và trở thành đầu bếp chính của quán. Nhờ hương vị hấp dẫn, anh chị nhận được sự ủng hộ của nhiều thực khách.

Sau nhiều tháng giãn cách, từ ngày 3/10, khi thành phố cho phép mở cửa trở lại, anh Huy bắt đầu bán bún online qua các app giao hàng. Trung bình, mỗi ngày quán bán được 200 tô bún mang đi.

"Đa số khách hiện tại là khách quen, họ ăn thấy hợp và yêu thích khẩu vị ở đây nên ghé lại ăn tiếp. Thời gian giãn cách, cấm bán tại chỗ, nhà mình bán online thì họ cũng ủng hộ nữa. Dịch bệnh nên chủ yếu bán online, số khách đến mua trực tiếp rất ít".

Trong vài ngày đầu khi TP.HCM cho phép phục vụ ăn uống tại chỗ, quán bán chạy hơn nhưng chủ yếu vẫn là khách online hoặc tới mua mang đi, ít người ngồi lại. Hôm 28/10, riêng buổi sáng anh đã bán được 300 tô bún.

"Bây giờ cho phục vụ tại chỗ thì khách tới cũng không đông. Chỉ những ai cần thiết ăn ngoài, hoặc trải nghiệm ăn tại chỗ vài lần sau thời gian dài đóng cửa thôi, chứ họ vẫn ngại ngần khi dịch còn phức tạp", anh Huy bày tỏ.

Buổi trưa, Lộc (22 tuổi) và Trang (20 tuổi) ghé vào quán bún bò Huế. Đây là lần đầu ăn ở đây nhưng Lộc thấy thích hương vị của quán này, thấy "đậm đà và vừa miệng".

Sau thời gian dài nghỉ dịch, hai bạn trẻ thích thú khi lại được ngồi ăn tại chỗ, nhưng cũng bất ngờ vì đã có rất nhiều thay đổi trên con đường này.

"Ngồi ăn ở ngoài, nhìn xe cộ đi lại mình thấy có không khí của cuộc sống hơn, món ăn tất nhiên cũng ngon hơn. Dù vẫn còn lo lắng nhiều về dịch bệnh, mình tin rằng thời gian tới mọi thứ sẽ khả quan hơn".

quan karaoke thanh tiem bun bo anh 4

Sau nhiều tháng giãn cách, Phùng mới được quay lại ăn tại quán bún bò.

Từng nhiều lần ghé quán bún bò của anh Huy nên Phùng đã chọn ăn trưa tại đây trong ngày đầu được ngồi ăn tại chỗ. "Mình làm việc ở gần đây nên cũng tiện. Đồ ăn ở đây ngon và giá cả cũng rất phải chăng. Sau thời gian giãn cách ở nhà, mình rất mong chờ cảm giác được tới ăn tận nơi nên giờ thấy vui và hào hứng lắm".

Bảo vệ quán karaoke thành phụ bếp

Hiện tại, nhân viên của quán đều được tiêm vaccine 2 mũi. Sau đợt dịch, nhiều nhân viên cũ còn mắc kẹt ở quê chưa lên được, chỉ còn 2 người ở lại nên anh Huy phải tuyển người mới để phụ bán tại chỗ. Tuy nhiên việc tuyển dụng cũng rất khó.

Chị Vy (sinh năm 1987) cho biết dù có nhiều khách ổn định nhưng bán bún bò chắc chắn không bằng kinh doanh karaoke ngày trước. Doanh thu không đủ trả tiền mặt bằng nhưng giúp nhân viên có việc làm để cầm cự qua dịch.

Những tháng dịch, biết được khó khăn của vợ chồng chị Vy nên chủ nhà đã giảm 50% tiền mặt bằng.

"Trước đợt giãn cách, quán phải bán giá rẻ 20.000 đồng/tô để phục vụ cho khách hàng trẻ, chủ yếu là sinh viên. Lời lãi không được bao nhiêu. Từ khi chuyển sang bán trên các app giao đồ ăn có khá hơn, mỗi ngày bán được vài trăm tô, khách phản hồi tốt nên lượt mua tăng nhanh".

quan karaoke thanh tiem bun bo anh 5

Anh Hà từng là bảo vệ quán karaoke, giờ chuyển sang phụ bếp và bán bún bò.

Anh Phạm Lê Ngọc Hà (43 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) làm nhân viên bảo vệ cho quán karaoke cách đây hơn 2 năm rồi chuyển sang phụ bán bún bò. Thời gian phong tỏa, anh và vợ đều phải nghỉ việc ở nhà suốt 4 tháng, còn nuôi con 15 tuổi nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

"Cách đây 3 tuần, khi quán bán bún mang đi, tôi vui mừng khi được trở lại làm tiếp. Từ một bảo vệ chuyển sang phụ nấu nướng rồi chuẩn bị món ăn, ban đầu tôi cũng bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn. Tôi thấy khó nhất là giúp nêm nếm nồi nước lèo", anh kể.

Vì thiếu nhân viên nên anh làm gần như mọi khâu, thấy cần phụ giúp gì, anh xắn tay vào làm cái đó. Anh vừa lau dọn bàn ghế, vừa chuẩn bị suất ăn cho shipper mang đi, nếu khách tới ngồi ăn tại chỗ nhiều thì ra trông xe.

So với thời kinh doanh karaoke, bây giờ thu nhập không thể bằng, nhưng anh Hà được chủ quán hỗ trợ nhiều. Mỗi ngày, anh làm từ 7h tới 19h, hôm nào còn nhiều việc, anh ở lại tăng ca tới 22h.

"Đi làm lại, tiếp xúc với nhiều người tôi thấy phấn khởi và đỡ bí bách hơn. Hiện tại, vợ chồng đều được đi làm nên chúng tôi vui hơn, không còn quá căng thẳng chuyện tính toán tiền bạc như hồi trong dịch".

Anh Huy và chị Vy nói chưa biết thời gian tới nếu mọi hoạt động dịch vụ được mở lại sẽ khởi động kinh doanh karaoke ra sao.

"Thời gian nghỉ dịch lâu quá, chúng tôi ở chỗ khác nên không qua quán để lau chùi, bảo quản, vận hành máy móc được. Đến lúc mở cửa sang thì phát hiện 4 bộ máy hát đã bị hư, vẫn chưa sửa chữa được, cũng không biết có sửa được không".

Đi 20 km để ăn tô phở trong ngày đầu được ngồi tại chỗ

Sáng sớm 28/10, ông Tài và bà Nga (60 tuổi) đã đi 20 km từ huyện Bình Chánh sang quận 1 để được cùng nhóm bạn thân ngồi ăn tại quán phở cả hội yêu thích.

Huệ Lâm - Đào Phương

Bạn có thể quan tâm