Một quán nhỏ nằm trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), chỉ bán vỏn vẹn 2 món: kem flan và chè đậu xanh. Từ lâu, nơi này trở thành một điểm đến quen thuộc của du khách. Đến đây, bạn không chỉ để thưởng thức một món ăn, mà còn để hoài niệm về một phần ký ức của Phan Thiết.
Quán nhỏ đơn sơ nhưng lại là điểm đến thú vị của thành phố Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Kem flan Mộng Cầm
Sân vườn thơm hương lài, du dương các bản nhạc Pháp. Người đàn ông chậm rãi bước ra đón khách và giới thiệu thực đơn của quán. Gọi là thực đơn cho bài bản, kỳ thực quán chỉ có 2 món: chè đậu xanh và kem flan. Người đàn ông nhận món, rồi điềm đạm bước vào. Không gian trong quán cũ miền ven biển cứ bình lặng như vậy suốt mấy mươi năm qua.
Dân Phan Thiết gọi bánh flan là kem flan, món tráng miệng được du nhập từ châu Âu đã không còn xa lạ với người Việt, tuy nhiên loại kem flan ở quán Mộng Cầm có phần khác biệt hơn. Thông thường bánh được làm trong khuôn nhỏ có đường kính khoảng 8 cm, còn ở đây người ta đúc bánh trong một cái khuôn lớn có kích thước tầm 20 cm. Vì vậy mỗi chiếc bánh được cắt ra thành 8 phần để bán cho khách.
Bánh flan ở quán có kích thước lớn hơn hẳn so với bán flan thường được bán ở TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Bánh flan Mộng Cầm có vị béo của trứng nhưng không ngấy, mềm và mịn, khi ăn cảm giác như tan trong miệng. Bánh ăn cùng một ít cà phê và đá xay để cân bằng độ ngọt. Với mức giá 33.000 đồng/phần.
Ngoài mức giá khá cao so với mặt bằng chung thì phục vụ ở quán khá chậm. Ở đây chỉ có một người quán xuyến nên tất cả công đoạn đều tốn thời gian. Khách lần đầu đến quán có thể sẽ phàn nàn vì sự phục vụ “từ tốn”, nhưng thân quen sẽ hiểu.
Ký ức Phan Thiết
Câu chuyện tình buồn của thi sĩ Hàn Mặc Tử và người con gái Mộng Cầm từ lâu đã trở thành một phần ký ức của thành phố Phan Thiết. Do đó quán kem flan trong khuôn viên ngôi nhà của nữ sĩ Mộng Cầm cũng trở thành một nơi để người ta hoài niệm về câu chuyện của quá khứ.
Ngày đó vào mỗi cuối tuần, Hàn Mặc Tử thường đi tàu lửa ra Phan Thiết để thăm Mộng Cầm, đến chiều chủ nhật thì về lại Sài Gòn. Đều đặn, mãi cho đến khi phát hiện mình mắc bệnh phong, thi sĩ đã tuyệt giao với tất cả bằng hữu, kể cả Mộng Cầm.
Quán Mộng Cầm giờ đây đã mất đi không gian của ngôi nhà cũ. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Ngày nay, ngôi nhà xưa đã bị phá bỏ. Nhiều vị khách trở lại không khỏi tiếc nuối về những giá trị của thời gian. Có lẽ thứ duy nhất còn mang dấu tích của Mộng Cầm trong quán nhỏ này, chính là hai câu thơ mà bà đã viết gửi tặng Hàn, được khắc ở mặt sau tấm biển hiệu của quán:
“Mỗi năm chỉ có một lần xuân
Nhưng với lòng em xuân mỗi tuần”
Năm 1934, Hàn Mặc Tử rời Quy Nhơn vào Sài Gòn phụ trách trang văn chương cho tờ Trong Khuê Phòng. Thỉnh thoảng, Hàn Mặc Tử có nhận được những bài thơ ký tên là Mộng Cầm từ Phan Thiết gửi vào. Thư đi tin lại, rồi chàng ra Phan Thiết tìm nàng. Trong cuốn sách Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại đã từng viết: “Ấy là câu chuyện một đôi trai tài gái sắc yêu nhau...người con trai là Hàn Mặc Tử, người con gái, ta cứ theo nhà thi sĩ mà gọi là Mộng Cầm đi, mặc cái tên thực của họ. Hai bên đã thề nguyền những lời mà ta hiểu là thiết tha đằm thắm lắm…”