Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quan ngại cuộc đua mở ngành y, dược của trường tư thục

Hàng loạt trường tư thục như ĐH Văn Lang, Hoa Sen, Hồng Bàng, HUTECH, Nguyễn Tất Thành dự kiến đào tạo nhiều ngành mới trong khối ngành chăm sóc sức khỏe.

Sự nở rộ của các ngành đào tạo khối ngành sức khỏe ở các trường đại học ngoài công lập trong thời gian gần đây khiến xã hội lo lắng. Các chuyên gia cho rằng chất lượng đào tạo và đầu ra phải được kiểm soát chặt, nếu không, hậu quả sẽ khó lường.

truong tu mo nganh y anh 1

Phòng thực hành của sinh viên khoa Răng-Hàm-Mặt, ĐH Y Dược TP.HCM. Ảnh: UMP.

Ngang ngửa trường y về chỉ tiêu đào tạo

Năm 2021, ĐH Quốc tế Hồng Bàng dự kiến mở 8 ngành khối chăm sóc sức khỏe, gồm: Hộ sinh, Dinh Dưỡng, Y học cổ truyền, Kỹ thuật hình ảnh y học, Sức khỏe răng miệng, Chăm sóc bệnh trẻ em, Hoạt động trị liệu, Quản lý bệnh viện.

Cộng thêm ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng đã được trường mở trước đây, trường Hồng Bàng sẽ có tổng cộng 13 ngành khối sức khỏe. Tổng chỉ tiêu cho 13 ngành này của trường trong năm nay khoảng 1.300.

Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - trường chuyên đào tạo ngành Y tại TP.HCM - khoảng 1.300. Năm 2021, trường cũng dự kiến đào tạo với số chỉ tiêu tương đương năm trước.

Năm 2021, ĐH Văn Lang (TP.HCM) dự kiến mở các ngành mới Y đa khoa, Y học cổ truyền bên cạnh những ngành hiện đã có như Răng - Hàm - Mặt, Điều dưỡng, Dược học, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học.

ĐH Nguyễn Tất Thành cũng thông báo dự kiến mở mới ngành Vật lý y khoa, Kỹ thuật y sinh bên cạnh ngành Y khoa, Y học dự phòng, Dược học, Điều dưỡng đã có từ trước.

ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) cũng có kế hoạch mở hai ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng bên cạnh ngành Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng.

Cái tên mới nhất tham gia "cuộc đua" này là ĐH Hoa Sen. Năm 2021, trường dự kiến mở 4 ngành mới liên quan khối khoa học sức khỏe: Răng - Hàm - Mặt, Dược học, Quản lý bệnh viện, Kỹ thuật y sinh.

Trong khi đó, TP.HCM có 3 trường công có truyền thống đào tạo y khoa là Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Dược TP.HCM. Năm 2020, chỉ tiêu đào tạo của 3 trường này lần lượt là 200, 1.300 và 2.000.

truong tu mo nganh y anh 2

Sinh viên khối ngành sức khỏe của ĐH Quốc tế Hồng Bàng trong phòng thí nghiệm. Ảnh: HIU.

Lo ngại chất lượng bác sĩ

Ông Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, cho biết vấn đề các trường tư thục mở đào tạo các ngành khối sức khỏe tràn lan là vấn đề mà những người trong ngành Y đã lo lắng từ lâu. Nhưng đặc biệt, gần đây nhiều trường có thế mạnh về khoa học xã hội, kinh tế cũng tham gia đào tạo ngành Y khiến ông càng lo hơn.

Theo ông, các ngành đào về sức khỏe sẽ liên quan trực tiếp sinh mạng con người. Do đó, tất cả yếu tố từ chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở bệnh viện thực hành, kỹ năng thực hành đều quan trọng như nhau và phải được chú trọng. Tổng hòa các yếu tố này mới cho ra trường những bác sĩ tốt. Chưa kể, sau khi ra trường, những bác sĩ này phải tiếp tục học tập, trau dồi kỹ năng, chuyên môn nghề nghiệp.

"Khi các trường mở ngành ồ ạt, tôi rất lo về chất lượng giảng viên và cơ sở thực hành ở các bệnh viện. Thực hành không ngành y không chỉ là cơ sở thực hành ở trường mà còn phải thực hành trong bệnh viện. Hiện nay, chính trường tôi, để sắp xếp cho sinh viên được thực hành ở các bệnh viện lớn cũng khó", hiệu trưởng trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch nói.

Hơn nữa, nhu cầu nhân lực nhóm ngành không còn quá lớn như trước. PGS Xuân cho biết TP.HCM đã đạt được tiêu chí 20 bác sĩ, 35 điều dưỡng/10.000 dân. Như vậy, nếu các trường cứ đào tạo ồ ạt như hiện nay, 6 năm sau, chúng ta sẽ bắt đầu lo lắng về đầu ra sẽ làm việc ở đâu.

"Trước đây, phần lớn bác sĩ của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tốt nghiệp đều được Sở Y tế TP.HCM phân công nhiệm sở (nơi làm việc). Nhưng năm vừa rồi cũng chỉ một số ít được phân công nhiệm sở, không phải toàn bộ như trước. Sau vài năm nữa, chính sinh viên trường tôi cũng lo lắng ra trường làm việc ở đâu", PGS Xuân cho biết.

Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đặt vấn đề trước đây, việc mở ngành đào tạo khối ngành sức khỏe được siết rất chặt, tại sao thời gian gần đây, các trường lại ồ ạt mở ngành? Phải chăng điều kiện mở ngành đã dễ dàng hơn?

truong tu mo nganh y anh 3

PGS Ngô Minh Xuân đặt câu hỏi về việc kiểm soát mở ngành đào tạo liên quan khối sức khỏe. Ảnh: Minh Nhật.

Khuyến khích trường tư nhưng phải kiểm soát chất lượng

Ngược lại, TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo, cho rằng việc các trường tư tham gia đào tạo các ngành sức khỏe không phải là vấn đề đáng lo ngại.

"Vấn đề là Nhà nước kiểm soát chất lượng đầu ra và truyền thông đại chúng vào cuộc để phản ánh những mặt tốt và mặt chưa tốt cho người học và xã hội biết", TS Vinh thông tin.

Ông cho rằng nhu cầu nhân lực các ngành chăm sóc sức khoẻ của nước ta vẫn còn lớn. Việc các trường đại học tư mở ngành đào tạo sức khỏe cần được khuyến khích. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là làm sao các trường có đủ giảng viên có trình độ và kinh nghiệm để làm công tác giảng dạy.

Thêm vào đó, các trường cần đảm bảo đủ cơ sở bệnh viện có người kèm cặp sinh viên khi đi thực tập. Về cơ sở vật chất, trường cũng cần phải đầu tư theo tiêu chuẩn của ngành Y tế.

Mặt khác, để tránh các trường đại học mở ngành ồ ạt, ông Vinh cho rằng phải xây dựng một quy trình hướng dẫn mở ngành đào tạo như nhiều quốc gia phát triển khác đang làm để Hội đồng trường dựa vào từng bước trong quy trình đó, tìm kiếm minh chứng, sau đó phê chuẩn.

Hội đồng trường có thể xem xét kế hoạch tuyển sinh, đào tạo, hợp tác với những doanh nghiệp hay bệnh viện, kế hoạch huy động nguồn lực tài chính, nhân lực trong bước lập kế hoạch xem có khả thi không?

Hội đồng có thể nghe ý kiến của chuyên gia thuộc ngành đánh giá về chương trình, điều kiện cơ sở vật chất như phòng ốc, thiết bị thí nghiệm... theo tiêu chuẩn của ngành. Mọi ý kiến của các bên liên quan phải được ghi lại bằng biên bản. Dựa trên những thông tin và dữ liệu làm minh chứng, Hội đồng trường sẽ quyết định mở ngành hay không.

Nhưng điều kiện tiên quyết là Hội đồng trường phải gồm những thành viên biết làm việc và liêm chính, không chịu o ép từ phía nhà đầu tư. Đây là trách nhiệm giải trình trước xã hội. Cơ quan quản lý sẽ hậu kiểm xem Hội đồng trường có làm việc nghiêm túc hay không.

ĐH Hoa Sen mở ngành Răng-Hàm-Mặt, học phí 180 triệu đồng/năm

Năm 2021, ĐH Hoa Sen dự kiến mở thêm 11 ngành mới, trong đó nhiều ngành thuộc khối sức khỏe.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm