Những chia sẻ chân thành của Đăng Quang giúp hiểu hơn về quá trình anh theo đuổi nghề múa.
Từng muốn bỏ cuộc vì quá đau
- Sau khi trở thành quán quân “So you think you can dance” năm 2017, cuộc sống của Đăng Quân thay đổi như thế nào?
- Cuộc sống của tôi có nhiều thay đổi thú vị, được nhiều người biết đến hơn, công việc cũng gặp nhiều may mắn, thuận lợi hơn. Thay đổi lớn nhất là có nhiều học sinh tìm đến theo học; do đó tôi bắt đầu chuyển sang hướng đào tạo nhiều hơn. Hiện tại, quỹ thời gian của tôi đang cân bằng giữa học tập, đào tạo và biểu diễn.
Đăng Quân thăng hoa cảm xúc trên sân khấu So you think you can dance. Ảnh: NBN. |
- Lý do nào đưa anh đến với bộ môn nghệ thuật này?
- Lúc lên 7 tuổi, tôi thường theo chân ông bà nội lên các sàn khiêu vũ, nhìn mọi người nhảy thích lắm nên tập nhảy theo. Ông bà ngạc nhiên khi thấy tôi nhảy đúng dù không ai chỉ nên đăng ký khóa dancesport. Sau đó, vì thích Hip hop quá nên tôi xin mẹ cho học riêng môn này.
Mẹ rất thích làm diễn viên nhưng không có cơ hội nên khi thấy con trai đam mê nghệ thuật, bà ấy ủng hộ hết mình. Tôi cảm thấy mình may mắn khi có gia đình hỗ trợ, trong khi nhiều anh em khác phải trốn bố mẹ đi tập rất vất vả. Cũng vì vậy mà tôi càng cố gắng nhiều hơn.
- Với Đăng Quân, khổ luyện và tài năng chiếm bao nhiêu phần trăm để dẫn tới thành công?
- Tôi nghĩ rằng một người chăm chỉ, khổ luyện, kiên trì, cùng với đam mê, họ sẽ đạt mức tốt. Nhưng khi thêm yếu tố là năng khiếu, tố chất, cộng với quá trình khổ luyện, bạn sẽ bùng nổ. Hai yếu tố này phải luôn đi cùng nhau, hỗ trợ nhau thì mới tạo ra sự đột phá.
- Trong quá trình luyện tập, có lúc nào anh thấy khó quá và muốn bỏ cuộc không?
- Đối với nhảy múa thì không tránh khỏi việc dính phải chấn thương. Nhiều người sau khi gặp tai nạn vì đau quá nên nản chí, bỏ cuộc. Còn với tôi, những lúc như vậy tôi tự thấy bản thân càng phải cố gắng hơn, chăm sóc vết thương đúng cách và duy trì luyện tập trong khả năng.
Tôi cũng từng rơi vào trạng thái chán nản và muốn bỏ cuộc. Nhưng nghĩ lại thì thấy tại sao mình lại có suy nghĩ tức thời ấy, có lẽ là vì rất đau, mọi thứ vượt quá sức chịu đựng. Thế rồi tôi lại tự hỏi tiếp, nhiều người giỏi hơn mình, họ làm được và vượt qua được thì tại sao mình lại không làm được? Đó là cách tôi bước qua những lúc mệt mỏi.
Muốn học trong môi trường múa chuyên nghiệp
- Ưu tiên lớn nhất của Đăng Quân lúc này là gì?
- Tôi đang theo học năm thứ 3 ngành Múa trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Việc học vẫn thuộc hàng ưu tiên hàng đầu: sáng học chuyên ngành, chiều học văn hóa. Buổi tối trong tuần tôi đi dạy, còn lịch biểu diễn sẽ đan xen vào giờ nghỉ hoặc ngày nghỉ.
- Anh suy nghĩ thế nào về vai trò của người thầy trong quá trình trưởng thành của một nghệ sĩ?
- Người thầy rất quan trọng với tôi. Họ là người đi trước, họ có vấp ngã. Khi hướng dẫn, họ luôn cho mình cách tốt nhất, hiệu quả nhất để tránh những vấp ngã mà họ đã trải qua. Người thầy còn là nguồn cảm hứng, liều thuốc tinh thần rất tốt vì họ chắc chắn phải khiến học trò thích thú, ngưỡng mộ.
Đăng Quân khuyên bạn trẻ nên có tinh thần thép nếu muốn theo nghề múa. |
- Đăng Quân suy nghĩ như thế nào nếu có cơ hội học trong môi trường nghệ thuật mang tính quốc tế hóa?
- Những người làm nghệ thuật luôn mong muốn được ủng hộ, phát triển đam mê ngay trong nước. Nói đến môi trường quốc tế, tôi cảm thấy sẽ có những yếu tố mang tính khai phá, sáng tạo hơn và quan trọng giúp mình học hỏi được nhiều hơn từ những giảng viên người nước ngoài.
Khi nghe thông tin sắp có Học viện Nghệ thuật Quốc tế (ICA) thành lập ở Việt Nam, tôi cảm thấy rất vui. Bản thân tôi luôn chờ đợi được học tập trong một môi trường như vậy. Không hẳn là nói người Việt mình không giỏi, nhưng rõ ràng nghệ thuật quốc tế - họ là những người đi trước. Và khi mình có những người thầy tốt, mình sẽ có cơ hội tỏa sáng. Học trong môi trường chuyên nghiệp, hành trình để tỏa sáng một cách chuyên nghiệp cũng sẽ gần hơn.
- Anh có lời khuyên nào dành cho cho những bạn trẻ có đam mê trở thành một dancer?
- Các bạn hãy chuẩn bị một tinh thần thép, vì muốn thành công và chuyên nghiệp, con đường sẽ chông gai, vấp ngã nhiều hơn. Chỉ cần bạn lùi bước, một là bạn sẽ bị tụt lại, hai là bạn sẽ đứng tại chỗ và không bao giờ đạt được mục đích. Thứ hai, chúng ta cần học hỏi từ những người giỏi hơn mình, những người mình cảm thấy yêu niềm đam mê nghệ thuật trong họ bằng mọi cách.
Ngoài ra, đừng quên học hỏi những người bên cạnh, thậm chí là học từ những sai sót của họ để rút kinh nghiệm. Cuối cùng, các bạn hãy luôn sáng tạo không ngừng. Có những yếu tố mới mẻ của riêng mình, bạn sẽ thành công, sẽ được tôn trọng trên con đường mà bạn đang đi.
Trường Nghệ thuật Quốc tế ICA (International college of Arts) (18 Lý Văn Phức, Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội) đào tạo 4 chuyên ngành chính là Music, Dance, Drama và Fashion Design, với chương trình học chuẩn quốc tế và bằng cấp được công nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hiệu trưởng Ha Sungho là nhà soạn nhạc người Hàn Quốc, người sáng lập dàn nhạc Seoul Pops Orchestra danh tiếng. Năm 2000, Seoul Pops Orchestra được ghi vào sách kỷ lục Guinness thế giới với hơn 3.000 buổi trình diễn ở 28 quốc gia.
Bên cạnh chương trình đào tạo dài hạn, chương trình ngoại khóa thứ 7 với các lớp học ngắn hạn của ICA cũng là lựa chọn phù hợp cho các bạn trẻ yêu nghệ thuật khai phá và phát triển tài năng của mình.
Độc giả liên hệ điện thoại: 024 3825 0222, hotline: 0987 244 077 - 0946 811 090 hoặc truy cập website hoặc fanpage để biết thêm chi tiết.