Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quan tâm sức khỏe hơn hậu Covid-19

Sau lần trở thành F0, Minh Ngọc (26 tuổi, Hà Nội) bỏ hẳn thói quen thức khuya, đăng ký tập ở phòng gym và bắt đầu ăn uống khoa học hơn.

“Hậu Covid-19, tôi cảm nhận cơ thể yếu hơn rõ rệt, xuất hiện mụn và rụng tóc nữa. Nếu tôi tiếp tục duy trì các thói quen xấu như cũ, chắc chắn tình trạng sẽ tệ hơn”, Ngọc chia sẻ với Zing.

Trở lại với công việc vào đầu tháng 3 sau thời gian điều trị và tự cách ly vì Covid-19, Ngọc bắt đầu tự nấu cơm mang đến văn phòng. Trước đây, phần vì lười, phần vì không hay nấu ăn, cô chỉ ăn trưa qua loa bằng bánh ngọt hoặc ra ngoài ăn hàng cùng đồng nghiệp.

Bên cạnh đó, thay vì cố thức đến 1-2h sáng xem phim hoặc “chạy deadline”, cô gái 26 tuổi đặt mục tiêu ngủ trước 0h hàng ngày.

Không chỉ Ngọc, nhận thấy sức khỏe giảm sút hậu Covid-19, nhiều người trẻ cũng bắt đầu dành nhiều quan tâm cho việc bồi bổ, xây dựng thói quen sống lành mạnh để cơ thể sớm hồi phục và giảm nguy cơ tái nhiễm.

quan tam suc khoe sau khi mac Covid-19 anh 1

Các bệnh nhân chờ khám hậu Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Chăm lo sức khỏe hơn

Từ khi âm tính với virus SARS-CoV-2 hồi giữa tháng 3, Thanh Hoa (27 tuổi, nhân viên bán hàng) đều đặn bỏ ra khoảng 500.000 đồng để mua yến chưng sẵn, sử dụng 2-3 lần/tuần. Các loại trái cây như bưởi, cam, ổi và rau xanh cũng được cô tăng cường nhiều hơn trong bữa ăn hàng ngày.

“Hậu Covid-19, tôi bị mất ngủ, thi thoảng ho có đờm, có lúc choáng nếu đứng quá lâu và dễ bị hụt hơi”, Hoa kể.

Tự tìm hiểu trên các kênh truyền thông chính thống và tham khảo kinh nghiệm người quen mắc bệnh trước, Hoa tập trung vào chế độ ăn uống hợp lý và vận động nhẹ thay vì lao vào sử dụng quá nhiều thuốc bổ hay thực phẩm chức năng.

quan tam suc khoe sau khi mac Covid-19 anh 2

Hoa mệt mỏi, thường bị mất ngủ hậu Covid-19. Ảnh: NVCC.

“Ngày trước, tôi khá tin tự tin và có phần chủ quan khi nghĩ bản thân còn trẻ, lại tiêm 3 mũi vaccine nên sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều nếu mắc bệnh. Đúng là chỉ sau khoảng 4 ngày dương tính, tôi đã bắt đầu đỡ hơn, nhưng những di chứng sau đó không thể xem nhẹ”, cô chia sẻ.

Tương tự Hoa, Lê My (25 tuổi, Hà Nội) đã sắp xếp một buổi khám hậu Covid-19 vào cuối tháng 3 để kiểm tra lại sức khỏe sau khi âm tính với virus SARS-CoV-2.

“Đã khỏi bệnh được 2 tuần song tôi vẫn khó vào giấc, thường xuyên trằn trọc đến 2-3h thậm chí là 5h sáng, suy giảm trí nhớ, mắt dễ mỏi, khô. Tôi nghe nhiều người bạn kể về khả năng tái nhiễm nên cũng khá lo, quyết định kiểm tra sức khỏe cho chắc chắn và biết rõ hơn hướng chăm sóc cơ thể”.

Công việc gắn liền với máy tính, thay vì ngồi liên tục nhiều giờ như trước, My hẹn báo thức, đứng lên vận động nhẹ và cho mắt nghỉ ngơi mỗi 45 phút. Ngoài giờ làm, cô tranh thủ chạy bộ hoặc đạp xe gần nhà.

quan tam suc khoe sau khi mac Covid-19 anh 3

Nhiều người trẻ cảm nhận sức khỏe suy giảm rõ rệt sau khi mắc Covid-19. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Còn đối với Thanh Bình (sinh năm 1991, nhân viên sale), anh bắt đầu tự nấu ăn nhiều hơn, chăm bổ sung hoa quả và đặc biệt là cố gắng đi ngủ sớm.

“Vì sống một mình nên trước đây tôi ăn uống linh tinh lắm, hay bạ đâu ăn đó, bạn bè gọi đi nhậu thì luôn sẵn sàng. Giờ, những thói quen xấu được tôi hạn chế, có lẽ là mắc Covid-19 giúp tôi hạ quyết tâm chăm lo bản thân hơn, điều trước đây tôi biết nhưng thường tặc lưỡi bỏ qua vì chủ quan còn trẻ”.

Không hoảng loạn nhưng đừng chủ quan

Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Huy, làm việc tại khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), di chứng hậu Covid-19 đang là mối quan tâm, lo lắng hàng đầu của nhiều người, trong đó có không ít bạn trẻ.

“Mỗi ngày, tôi nhận được nhiều tin nhắn hỏi về những triệu chứng gặp phải sau một thời gian âm tính với SARS-CoV-2, đa phần là các triệu chứng mà trước đây bệnh nhân không hề có”, anh cho biết.

quan tam suc khoe sau khi mac Covid-19 anh 4

Bác sĩ Huy khuyên người bệnh không nên quá lo lắng song cũng không được chủ quan khi từng nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: NVCC.

Theo đó, các triệu chứng mọi người thường gặp là mệt mỏi, thiếu năng lượng, dễ có cảm giác bị hụt hơi hoặc khó thở, cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, ho kéo dài.

Bên cạnh đó, dễ bị đau đầu, mất tập trung, giảm trí nhớ, mất ngủ, lo âu, rụng tóc hay viêm loét dạ dày… cũng là điều không ít người đối mặt.

“Trước đây, khi tư vấn cho người trẻ mắc Covid-19, tôi thường bảo các bạn đừng quá lo lắng vì có thể dẫn tới việc dùng thuốc lung tung, không kiểm soát vì hệ miễn dịch của người trẻ tương đối tốt, khả năng bệnh diễn tiến nặng là không cao. Tuy nhiên, chắc chắn mọi người cũng không được chủ quan”, anh cho biết.

Hậu Covid-19, bác sĩ Huy gợi ý người bệnh tránh đưa những thực phẩm có hại, làm tổn thương hệ miễn dịch vào cơ thể; quan tâm nhiều hơn đến việc làm sạch gan và đại tràng; ngủ đủ giấc, uống nhiều nước và tập luyện thể dục đều đặn.

“Tuy nhiên, không có mẫu số chung nào cho mọi người. Nếu có khả năng, đến gặp bác sĩ để có được sự tư vấn chi tiết và phù hợp vẫn là lựa chọn tốt nhất”, anh chia sẻ.

F0 xăm hình dừa, cam để kỷ niệm khi mắc Covid-19

Nhân thời gian cùng tự điều trị tại nhà, Uyên lên ý tưởng, nhờ người yêu xăm các hình vẽ dễ thương để kỷ niệm khoảng thời gian trở thành F0 và động viên tinh thần nhau.

Vi sao F0 ra duong? hinh anh

Vì sao F0 ra đường?

0

Nhiều F0 buộc phải ra đường để mua sắm thực phẩm, thuốc men. Một số khác cho biết phải làm việc cho kịp deadline hoặc chăm người thân nằm viện.

Mai An

Bạn có thể quan tâm