21h, góc đường Đông Du (quận 1, TP.HCM) nhộn nhịp người và xe xếp hàng chờ mua đồ uống. Nghe tiếng gọi món vọng vào trong, cô Nguyễn Thị Thọ (55 tuổi) - chủ quán trà dâu - vừa thoăn thoắt múc dâu chia ra từng ly, vừa nhận order của khách.
40 năm trước, một người họ hàng của cô Thọ mở ra quầy nước này. Lúc đó, quán chỉ phục vụ chủ yếu các thức uống phổ biến như cà phê, trà tắc, cam vắt, chanh dây... Từ năm 2009, quầy hàng nhỏ được chuyển lại cho cô tiếp tục kinh doanh.
Khi tình hình buôn bán trở nên ế ẩm, cô sáng chế ra món nước mới là trà dâu.
"Thấy buôn bán khó quá, cô liền nghĩ cách tạo ra món mới. Ai ngờ lại được mọi người yêu mến và ủng hộ đến vậy", cô Thọ kể với Zing.
Quán trà dâu của cô Thọ được nhiều bạn trẻ yêu thích. |
Nét riêng của quán trà bệt
Vì quán bán từ chiều đến tối khuya, cô Thọ không về nhà ngay mà ở lại để làm hàng, chuẩn bị hôm sau bán tiếp. Từng mưu sinh nhiều năm ở hè phố, kiếm tiền bữa được bữa không, cô trân trọng sự may mắn và yêu quý của khách hàng dành cho mình.
“Lúc trước cực lắm, nhất là vào những ngày mưa, chỉ có một mình tất bật trông coi quán xá. Vì hồi đó nhiều người ghé qua uống cà phê sáng, cô ngủ ngoài đường hoài luôn, cũng để tiện cho cái nghề của mình. Sau này khi quán đông vào tối đêm, cô bỏ buổi sáng để có sức thức bán hàng”.
Mặc dù thực đơn khá đa dạng, trà dâu tươi vẫn là điểm nhấn. Dâu được nhập từ Đà Lạt, cắt lát, tỉa hình, sên đường, sau đó nấu chung với trà lài, thêm một ít nước tắc để tăng mùi thơm.
"Nghe thì đơn giản nhưng phải cẩn thận. Dâu nhập chọn từng quả, tìm từ vườn quen, chất lượng. Khi cắt bỏ lá nhẹ tay, tránh làm dập. Dâu xay lọc kỹ, không còn lợn cợn. Trà phải nấu tươi, để lâu sẽ đắng. Mỗi ly trà có giá 20.000 đồng. Những ngày Sài Gòn nắng nóng, có bữa cô bán được 600-700 ly, 50-70 kg dâu".
Quán trà dâu cô Thọ luôn giữ chân khách quen nhờ sự chu đáo, giản dị. |
Bán trà dâu gần 10 năm, khách ngày một đông, cô Thọ nói mình cố gắng giữ được sự uy tín và lượng khách ruột nhờ hương vị đặc trưng không đổi.
“Cô ăn sao bán cho khách như vậy nên mọi khâu thực hiện đều được chú trọng vệ sinh. Ly dâu của mình sạch sẽ, khách hàng ưng ý, người bán cũng tự hào”.
Thanh Ngân (24 tuổi, quận 3) kể thường ghé quán quen ở vỉa hè Đông Du sau những ngày bận rộn để thưởng thức combo tré trộn - trà dâu. Biết quán từ ngày còn là sinh viên, cô thường hẹn bạn bè tới đây để trò chuyện, thư giãn.
"Vị trà thanh thanh, chua chua, uống ngày nóng là hợp nhất. Mình gọi thêm một phần tré trộn với chả, nem chua, dưa leo, rau răm, xoài xanh, nước mắm chua ngọt", Ngân nói.
Cô Thọ đã bán hàng ở góc đường này 40 năm. |
Xếp hàng mua ly trà dâu
Lấy vỉa hè làm chỗ ngồi, thùng xốp kê thành bàn, trà dâu bệt đã trở thành nét đặc trưng của con đường Đông Du. Không phô trương, đầu tư bàn ghế cầu kỳ, quán của cô Thọ nhiều năm nay vẫn hút khách nhờ sự bình dị, gần gũi.
"Trước đây, cô cũng mua bàn ghế đẹp nhưng khách ít khi ngồi. Tụi nhỏ nói 'lê la mà lại dễ chịu, không cần câu nệ hình thức, miễn là thoải mái'. Cô tự tin các bạn thử bệt một lần là ghiền luôn sự bình dân ở đây".
Cứ thế, người này truyền tai người kia, quán trà dâu của cô Thọ đã trở thành nơi quen thuộc để giới trẻ hẹn hò vào những ngày cuối tuần.
Cũng vì đông khách, quán hết chỗ ngồi liên tục, nhiều người đến phải xếp hàng mua. Cuối tuần, không ít bạn trẻ chỉ có thể mua về.
"Nhưng tụi nhỏ ngoan lắm nha, xếp hàng rất nghiêm túc. Cô chỉ ngại mình ồn ào làm phiền người đi đường. Mấy bạn hiểu nên ai tới uống và mua về cũng rất văn minh, ai tới trước mua trước, chờ tới lượt, ít khi có chuyện chen chúc".
Combo tré trộn - trà dâu được nhiều bạn trẻ yêu thích. |
Càng về đêm, không khí ở đây càng nhộn nhịp, hòa lẫn với dòng xe cộ hối hả.
Tiếng trò chuyện không ngớt cùng lời chào mời từ những gánh hàng rong tạo nên khung cảnh sôi nổi khi màn đêm Sài Gòn buông xuống.
Anh Thư (17 tuổi, học sinh THPT Nguyễn Thượng Hiền) cho hay điều khiến cô ấn tượng nhất là văn hóa “ngồi bệt, uống trà” ở đây.
“Đa số là khách quen nên khá rành mọi thứ của quán như ăn tré là phải uống trà dâu, tới là tự lấy bìa carton, ghế nhựa ngồi, ai tới trước cố gắng ngồi gọn để người sau có chỗ. Cô chủ thì chiều khách, đồ uống lại rẻ, mình từng thử uống trà nơi khác nhưng lại quay về trung thành với cô Thọ”, Anh Thư nói với Zing.