Quan Vũ (tự Vân Trường) là vị tướng nổi tiếng thời Tam quốc. Ông góp phần quan trọng giúp Lưu Bị lập nhà Thục Hán và là người đứng đầu trong ngũ hổ tướng.
Dưới ảnh hưởng của Tam Quốc diễn nghĩa, dân gian xem hình ảnh Quan Vân Trường cưỡi Xích Thố, tay cầm Thanh Long đao là biểu tượng của tính hào hiệp, trượng nghĩa, trung thành. Tuy nhiên, nhiều sử gia khẳng định ông quá kiêu căng, ngạo mạn và chính tính cách này gây ra cái chết của Quan Vũ.
Bậc anh hùng trượng nghĩa
Thuở nhỏ, Quan Vũ làm nghề bán đậu phụ. Dù cuộc sống nghèo khó, ông vẫn theo học cả văn lẫn võ.
Ông vốn hào hiệp, ghét cái ác, bênh vực người yếu. Cũng chính vì thế, trong một lần giúp đỡ người khác, Vân Trường phạm tội giết người, phải bỏ trốn rồi gặp gỡ Lưu Bị, Trương Phi.
Quan Vân Trường cầm Thanh Long đao, cưỡi ngựa Xích Thố. Ảnh minh họa. |
Không chỉ là bậc công thần nhà Thục Hán, Quan Vũ được người đời kính trọng bởi dũng khí, trung thành.
Cuộc đời ông là chuỗi các chiến công hiển hách, chém Hoa Hùng, đánh Lữ Bố, trảm Nhan Lương, giết Văn Xú, qua 5 ải chém 6 tướng. Quan Vũ cũng gắn liền nhiều giai thoại làm nổi bật hình tượng anh hùng của ông trong lòng người đời.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, điển tích ôn tửu trảm Hoa Hùng được cho là chiến công đầu tay của Quan Vân Trường.
Lúc đó, 18 lộ chư hầu Quan Đông khởi binh vây thành Lạc Dương, thảo phạt gian thần Đổng Trác.
Chư hầu tiến cử Viên Thiệu làm minh chủ, Tôn Kiên làm tiên phong tới Dĩ Thủy Quan ứng chiến. Tướng của Đổng Trác là Kiêu kỵ hiệu úy Hoa Hùng tiếp chiến, đánh bại Tôn Kiên, chém đầu Tổ Mậu.
Trước tình thế bất lợi, Viên Thiệu than: “Tiếc rằng hai tướng Nhan Lương, Văn Xú chưa tới. Nếu có một người ở đây thôi, đâu cần phải sợ Hoa Hùng?”.
Nghe vậy, Quan Vũ bước ra, chủ động xin đi lấy đầu Hoa Hùng. Viên Thiệu và Viên Thuật không bằng lòng. Tào Tháo là người duy nhất ủng hộ ông xuất trận. Ông ta mời Vân Trường một chén rượu.
Quan Công chưa vội nhận lấy mà xách đao lên ngựa. Không lâu sau, khi ông xách đầu Hoa Hùng trở lại, chén rượu vẫn còn ấm.
Quan Vân Trường thực sự là dũng tướng hàng đầu thời Tam Quốc. Vì thế, bậc kiêu hùng như Tào Tháo cũng rất kính trọng ông.
Khi Tào dẫn quân đánh Từ Châu, quân Lưu Bị chống không nổi, Lưu Bị chạy về Hà Bắc theo Viên Thiệu, Trường Phi trốn về Nhữ Nam. Quan Vũ không có đường chạy, phải hàng Tào, theo về Hứa Xương.
Tào Mạnh Đức trọng vọng tướng tài, phong Vân Trường làm thiên tướng quân, tặng ngựa quý Xích Thố song cũng biết rõ ông không thực tâm đầu hàng nên sai Trương Liêu thăm dò.
Quan Vũ nói thẳng: “Tào Công đối với tôi rất tốt, trong lòng tôi biết rõ. Nhưng tôi chịu ơn trời cao đất dày của Lưu tướng quân, từng thề cùng sống cùng chết, không thể phản bội được. Tôi không thể lưu lại nơi này, chỉ có điều phải đợi lập được công, báo đáp Tào Công, tôi mới đi”.
Câu nói này không những không làm mất lòng Tào Tháo còn khiến ông ta thêm khâm phục lòng trung nghĩa của Quan Công.
Sau khi giúp Tào Tháo đánh bại quân Viên Thiệu, giết Văn Xú, Quan Vũ lẻn trốn đi tìm Lưu Bị. Tinh thần trọng nghĩa “thân tại Tào doanh tâm tại Hán” của ông khiến người đời nể phục.
Sau này, trong trận Xích Bích, Quan Vân Trường chủ động tha chết cho Tào Tháo để đền ơn hậu đãi ngày trước. Như vậy, ông không chỉ trung nghĩa với Lưu Bị mà cũng tròn đạo nghĩa với Tào Tháo.
Ngoài ra, cuộc đời danh tướng Quan Vũ còn gắn với điển tích cạo xương trị thương. Quan Vũ đánh Phàn Thành, trúng tên độc của Tào Nhân. Thuốc độc ngấm vào tận xương, nguy hiểm đến tính mạng.
Thần y Hoa Đà đề nghị gây mê để ông lóc thịt, cạo độc trong xương. Thế nhưng, Quan Công từ chối, vẫn thản nhiên đánh cờ với Mã Lương trong khi Hoa Đà chữa trị. Chính Hoa Đà, người quá quen với cảnh máu me, phải khâm phục dũng khí của ngũ hổ thượng tướng Thục Hán.
Sai lầm chết người từ tính ngạo mạn
Quan Vân Trường là tướng tài, dũng khí hơn người nhưng ông mắc khuyết điểm là quá kiêu ngạo, cậy tài.
Các nhà sử học đánh giá Quan Vũ là người vũ dũng nhưng kiêu ngạo, không chịu ở dưới người khác, dẫn đến bất hòa nội bộ, phá hỏng liên minh.
Quan Vân Trường chém đầu Nhan Lương. Ảnh minh họa. |
Năm 214, nghe tin Mã Siêu hàng Lưu Bị ở Tây Xuyên, Vân Trường đang ở Kinh Châu bèn viết thư hỏi Gia Cát Lượng: “Nhân phẩm, tài năng của Mã Siêu có thể sánh với ai?”.
Biết tính Quan Công, Khổng Minh phải lựa cách trả lời để không phật lòng ông: “Mã Siêu chỉ có thể sánh ngang với Trương Phi, không thể siêu phàm tuyệt luân như ngài!”.
Mấy câu này xoa dịu sự bất mãn trong lòng Quan Vũ, ông thậm chí đắc ý, mang thư khoe với nhiều người.
Năm 219, Lưu Bị lên ngôi, phong Vân Trường làm Tiền tướng quân và lão tướng Hoàng Trung làm Hậu tướng quân. Quan Vũ thấy mình ngang hàng với Hoàng Trung thì không bằng lòng, không chịu nhận ấn tín.
Phí Vỹ lựa lời khuyên ông nên vì nghiệp lớn của Lưu Bị, ông mới tỉnh ngộ và thụ phong.
Ngoài ra, Vân Trường còn bị đánh giá chỉ trọng sĩ tốt, coi rẻ sĩ phu. Ông thậm chí từng phạt đánh một vị tướng phạm sai lầm rồi lại sai người đó trấn giữ chỗ trọng yếu.
Quan Vân Trường không theo sách lược Bắc cự Tào Tháo, Đông hòa Tôn Quyền mà còn phá vỡ sách lược này. Người đời thậm chí khẳng định trong thế Tam Quốc, thành tại Khổng Minh, bại tại Quan Vũ.
Khi ông đối chọi với Tào Ngụy tại Kinh châu, Tào Tháo sai người hẹn Tôn Quyền hợp công Quan Vũ. Trước khi quyết định, Tôn Quyền phái sứ giả tới cầu hôn con gái Vân Trường cho con trai mình để thăm dò thái độ.
Tiếc rằng, lúc đó, Quan Công hoàn toàn quên hết lời dặn của quân sư Khổng Minh, không chỉ cự tuyệt hôn ước mà còn nhục mạ sứ giả và Tôn Quyền.
Câu nói “nòi hổ không thể gả cho giống chó” của ông xúc phạm nặng nề nhà Đông Ngô, phá vỡ chủ trương chiến lược của Gia Cát Lượng. Vì thế, các sử gia đánh giá việc Tôn Quyền ngầm hàng Tào Tháo, giết Quan Vũ chính là “quả đắng” do ông quá ngạo mạn.
Kinh Châu thất thủ cũng là kết cục từ thói khinh người của Quan Công. Hai tướng My Phương và Phó Sỹ Nhân dưới trướng Quan Vũ vốn bất mãn với ông từ lâu.
Thêm vào đó, trước khi Vân Trường xuất chinh đánh Vu Cấm, hai người do thiếu sót trong việc cung cấp quân nhu, bị ông đe dọa về sẽ trị tội. My - Phó vì thế mà lo sợ bất an, cuối cùng bị Tôn Quyền dụ hàng, dễ dàng dâng hai thành Giang Lăng và Công An.
Sau này, tác giả Tam Quốc chí đánh giá khá công bằng về Quan Vân Trường: “Quan Vũ sức địch vạn người, hổ thần một thời. Vũ báo ơn Tào Công, có phong độ quốc sĩ. Nhưng Vũ cương và tự phụ, lấy sở đoản chuốc lấy thất bại, là lẽ thường vậy”.