Hai tập phim Người phán xử tiền truyện đã được đơn vị sản xuất đăng tải trên một trang web chia sẻ phim của VTV.
Không phát sóng trên truyền hình, phim vẫn có quảng cáo ở nhiều hình thức khác nhau, bao gồm chạy logo thương hiệu doanh nghiệp suốt tập phim và quảng cáo bằng hình ảnh và lời thoại trong phim.
Quảng cáo trên phim vốn được xem là điều bình thường và khó tránh, nhất là với những bộ phim được đông đảo khán giả quan tâm. Nhưng với Người phán xử tiền truyện, không ít ý kiến cho rằng phim đang quảng cáo lộ liễu, thô thiển, nhất là trong tập 2 được đăng tải vào đầu tuần.
Cảnh Phan Hải làm quen với một cô gái lạ diễn ra tại địa điểm vui chơi giải trí. |
Trong tập 2 có phân đoạn nhân vật Phan Hải (Việt Anh) hẹn với Vân Điệp (Thanh Bi) đến một địa điểm vui chơi giải trí ở Hạ Long. Nhưng Vân Điệp không xuất hiện. Phan Hải sau đó chủ động làm quen với cô gái lạ.
Phan Hải nhắc đi nhắc lại tên địa điểm. Sau đó, anh và cô gái mới quen trải nghiệm nhiều trò chơi ở đây. Cùng với lời thoại là những cảnh quay đậm màu quảng cáo cho địa điểm giải trí, bao gồm cả logo, cổng chào. Buổi tối, khi tham gia một buổi tiệc thác loạn với bạn bè, Phan Hải cũng nói to tên quán karaoke.
Cảnh Phan Hải vui chơi ở cả hai địa điểm trên chiếm khoảng bốn phút, trong khi thời lượng tập phim là 20 phút. Việc Người phán xử tiền truyện quảng cáo tới 1/5 thời lượng khiến tập phim không có nhiều tình tiết mới. Việc quảng cáo quá nhiều trong phim cũng nhận ý kiến trái chiều từ khán giả.
Cảnh quay được cho là quảng cáo bể bơi tại địa điểm này. |
Trên fanpage của bộ phim, một khán giả đặt câu hỏi "Sao toàn thấy quảng cáo vậy. Xem phim chứ có phải xem quảng cáo đâu?". Một khán giả khác nhận định phim đã cài cắm tên thương hiệu kém duyên, khiến nội dung phim không được tập trung.
"Quảng cáo quá thô. Một địa điểm giải trí xuất hiện đi xuất hiện lại trong bộ phim. Đó là còn chưa kể logo của đơn vị này được chạy ở góc của màn ảnh từ đầu đến cuối. Quảng cáo thì lạc lõng, không liên quan gì đến bộ phim", một người xem bày tỏ sự bức xúc.
Tuy nhiên, cũng có một số khán giả bày tỏ sự thông cảm với đơn vị sản xuất Người phán xử tiền truyện. "Phim không phát trên truyền hình và làm phim như vậy cũng cần kinh phí rất lớn, không quảng cáo thì lấy kinh phí từ đâu để chi trả cho toàn bộ ê-kíp làm phim".
Người phán xử tiền truyện không phải là bộ phim đầu tiên bị chỉ trích vì quảng cáo "thô", trước đó phim Tình khúc Bạch Dương cũng nhận ý kiến trái chiều liên quan đến việc quảng cáo dày đặc cho một ngân hàng.
Tình huống quảng cáo bị cho là không hề ăn nhập hay có sự liên quan đến nội dung của bộ phim. Nhiều ý kiến cho rằng Tình khúc Bạch Dương quảng cáo thô, thiếu tinh tế và ảnh hưởng đến chất lượng của bộ phim.
Những tập phim sau đó, việc quảng cáo bằng nội dung và lời thoại trong phim đã không còn tồn tại.